Paris lập đài quan sát ô nhiễm không khí toàn cầu

06:45 | 17/04/2017

621 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỗi thành phố có chính sách chống ô nhiễm riêng nhưng lại thiếu những đánh giá về hiệu quả của chính sách đó tới sức khỏe người dân. Để biết rõ hơn về mối quan hệ này, các thành phố lớn trên thế giới sẽ cùng chia sẻ những phân tích và giải pháp của mình. Đó là lý do ra đời Đài quan sát toàn cầu của các thành phố về chất lượng không khí.
paris lap dai quan sat o nhiem khong khi toan cau
Ô nhiễm ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Giảm số lượng các phương tiện giao thông đường bộ, phát triển các phương tiện giao thông thay thế, thu lệ phí cầu đường đô thị, giới hạn tốc độ di chuyển, cấm một số loại xe ô tô... là những biện pháp mà nhiều thành phố lớn đang áp dụng. Những giải pháp này đang được chia sẻ và áp dụng rộng rãi. Đó là ghi nhận của Hiệp hội Guapo (Global Urban Air Pollution Observatory) - một đài quan sát toàn cầu của các thành phố về chất lượng không khí, được Thị trưởng Paris Anne Hidalgo trình bày trước Hội đồng thành phố hôm 23/3.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 6,5 triệu người trên thế giới chết vì ô nhiễm không khí, trong đó có hơn 3 triệu người sống tại các thành phố.

Bà Maria Neira, người phụ trách về vấn đề sức khỏe cộng đồng và môi trường của WHO cho biết: "Trong nhiều năm qua, WHO đã liên tục cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí, và có vẻ đây là lúc chúng tôi cần phải làm việc nghiêm khắc với thị trưởng của các thành phố lớn, với tình trạng ô nhiễm như hiện nay thì chúng tôi phải can thiệp. Việc tạo ra một đài quan sát nhằm đánh giá tác động của từng chính sách can thiệp nhà nước đối với sức khỏe cộng đồng dù tích cực hay không thì cũng rất hữu ích".

Theo bà Maria, hiện nay thực sự thiếu những nghiên cứu đánh giá tác động của những chính sách môi trường đối với sức khỏe cộng đồng mà mỗi thành phố triển khai.

Chẳng hạn, thủ đô Nairobi (Kenya) đang phải đối mặt với vấn đề đốt chất thải trong khu vực đô thị, thành phố Chicago (Mỹ) bị ô nhiễm bởi ngành công nghiệp, và hầu hết các thành phố lớn đều gặp khó khăn trong việc quản lý giao thông đường bộ. Theo chỉ dẫn của WHO, bà Neira giải thích: "Bước đầu tiên là mỗi thành phố thực hiện việc phân tích tìm ra chính xác các nguồn ô nhiễm. Sau đó cần đánh giá kết quả của mỗi quyết định cả về mặt môi trường lẫn xã hội, và thực hiện những nghiên cứu trung và dài hạn".

Đối với những giải pháp khẩn cấp như hạn chế giao thông hay đóng cửa những tuyến đường có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng thì không phải lúc nào cũng cho ra kết quả phân tích chính xác. Vì vậy, cần phải tiến hành điều tra tổng thể về mối quan hệ giữa sức khỏe người dân và các yếu tố liên quan để đưa ra biện pháp kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm.

Trợ lý phụ trách vấn đề sức khỏe cộng đồng của Tòa thị chính Paris Bernard Jomier cho biết, việc lắp đặt tàu điện không chỉ để giảm lưu lượng các phương tiện giao thông đường bộ mà còn phải tính tới tác động đối với sức khỏe người dân. Hiện người ta thiếu các bản đánh giá mối tương quan giữa những chính sách môi trường và tác động y tế của chúng. Những thành phố lớn trên thế giới đang tiến hành trao đổi với nhau những vấn đề khí hậu và môi trường.

Năm 2006, Thị trưởng London Ken Livingstone đã thành lập Cities Climate Leadership Group (C40) (một mạng lưới gồm các thành phố lớn trên thế giới cam kết giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu), hiện có 90 thành phố lớn gia nhập, đại diện cho hơn 600 triệu người dân và 25% lượng khí thải hiệu ứng nhà kính. Đến tháng 8/2016, Thị trưởng Paris lên giữ vị trí Chủ tịch C40.

Tuy nhiên C40 chỉ tập trung giải quyết vấn đề khí hậu và sự nóng lên toàn cầu mà ít khi quan tâm đến vấn đề sức khỏe người dân. Và Guapo được thành lập với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng liên quan đến ô nhiễm không khí. Ví dụ như biện pháp lắp đặt bộ lọc trên nồi hơi bằng gỗ có thể làm giảm tác động đến khí hậu nhưng bộ lọc lại thải ra các hạt bụi gây hại cho đường hô hấp và cho sức khỏe người sử dụng. Còn một ví dụ khác như động cơ diesel tuy phát ra ít khí CO2 hơn động cơ xăng, nhưng lại gây hại đến sức khỏe nhiều hơn do nó thải ra nhiều hạt bụi mịn.

Việc thành lập Hiệp hội Guapo được các thành viên trong Hội đồng thành phố Paris bỏ phiếu thông qua vào ngày 27/3, nhưng hiệp hội sẽ chính thức được ra mắt vào tháng 6 tới tại một sự kiện quốc tế ở Rotterdam (Hà Lan). Guapo quy tụ những thành phố lớn như Paris, Rotterdam, Mexico, Abidjan (Bờ Biển Ngà), Athens (Hy Lạp), London (Anh), Bắc Kinh, Tokyo và La Haye (Hà Lan), cùng với sự hỗ trợ của WHO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Cơ quan môi trường châu Âu. Các thành viên hy vọng sẽ có thêm nhiều thành phố lớn cùng tham gia.

Dự toán ngân sách của hiệp hội vào khoảng 450.000 euro/năm, và một nửa trong đó đến từ đóng góp của các thành phố thành viên. Một ban chỉ đạo và hội đồng khoa học sẽ được thành lập và nhận phân công làm việc trong những lĩnh vực cụ thể.

Nh.Thạch

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc