Pakistan và Turkmenistan khởi động lại dự án tuyến đường ống dẫn khí đốt TAPI

09:28 | 28/11/2011

571 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quốc gia đói khát năng lượng Pakistan và nước láng giềng giàu tài nguyên Turkmenistan vừa thổi sinh khí cho dự án về tuyến đường ống dẫn khí trị giá nhiều tỷ USD chạy qua Afghanistan (sau gần 12 năm dự án này lâm vào bế tắc) bằng Hiệp định mua bán và trao đổi khí đốt (GSPA) được các quan chức của hai bên ký kết vào ngày 14/11 vừa qua.

Chứng kiến lễ ký kết GSPA cho giai đoạn đầu của dự án đường ống dẫn khí chạy qua 4 nước gồm Turkmenistan – Afghanistan – Pakistan – Ấn Độ (TAPI), với vốn đầu tư ước khoảng 7,5 tỷ USD, có Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedov và Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani. Sự kiện này được cho là một bước ngoặt lớn trong việc hiện thực hóa dự án đã được chờ đợi từ lâu nay.

Với chiều dài 1.680 km, tuyến đường ống TAPI – được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ vốn vay – sẽ vận chuyển mỗi ngày 3,2 tỷ m3 khí đốt từ các giếng khí của Turkmenistan qua Multan và tới điểm kết thúc là thành phố Fazilka ở tây bắc Ấn Độ.

Hiệp định trên là bước đi tiếp theo của "Thỏa thuận liên chính phủ” (IGA) được ký kết giữa Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedov và Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Murli Deora tại thủ đô Ashgabat của Turkmenistan hồi tháng 12 năm ngoái.

Afghanistan đã nhanh chóng đón chào GSPA ngay sau khi hiệp định được ký kết và một quan chức nước này nói rằng họ đã sẵn sàng thảo ra một chính sách về phí trung chuyển cũng như tổng chi phí cho tuyến dường ống. Những cuộc đàm phán tiếp theo với Ấn Độ cũng đã được lên kế hoạch trong những tháng tới.

Với Pakistan, để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng gia tăng nhanh chóng của mình, nước này cũng đang theo đuổi nguồn khí đốt từ Iran và đến giữa năm 2014 tới, Pakistan sẽ nhận được nguồn cung khí đốt từ Iran theo một thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên. Về phần mình, các quan chức Iran khẳng định rằng họ sẽ cho đặt tuyến đường ống ở gần biên giới với Pakistan và sẽ cho bơm khí đốt sau khi Pakistan cũng đặt tuyến đường ống dọc theo biên giới với Iran.

Theo GSPA, giá khí đốt của Turkmenistan sẽ tương đương với 70% giá của dầu thô trên thị trường quốc tế và sẽ rẻ hơn 10% giá khí đốt của Iran. Pakistan và Iran sẽ được phép đàm phán lại về giá cả một năm trước khi khí đốt Iran được bơm vào hệ thống khí đốt của Pakistan.

Cho dù tương lai thế nào thì Pakistan hiện vẫn đang có hai lựa chọn về nguồn cung khí đốt, hoặc là từ Iran hoặc từ Turkmenistan, để giải quyết cơn khát năng lượng của họ. Theo các nhà phân tích, Pakistan cần phải nhanh chóng lựa chọn lấy một, bởi chính phủ nước này cho biết nguồn cung khí đốt có thể sẽ bị đứt đoạn trong mùa đông tới, và một số lĩnh vực sản xuất sẽ bị cắt nguồn cung khí đốt luân phiên hàng tuần để dành cho người tiêu thụ. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất song Pakistan không còn lựa chọn nào khác bởi quốc gia này quá thiếu năng lượng.

Dự án tuyến đường ống Iran-Pakistan đã làm được rất nhiều việc, song sức ép từ Mỹ cùng giá khí đốt cao của Turkmenistan có thể sẽ làm chậm lại tiến trình của dự án. Ngoài ra, TAPI còn đang phải đối mặt với một số khó khăn, trong đó nghiêm trọng nhất là vấn đề an ninh khi tuyến đường ống phải đi xuyên qua vùng miền Nam Afghanistan, quê hương của Taliban.

Kiến Văn (THX)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc