Ôtô điện - ám ảnh và hy vọng

07:48 | 29/10/2017

1,957 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể từ ngày Tập đoàn Vingroup khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ôtô VINFAST tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, nhiều ý kiến tranh luận đã “nổ” ra trong giới truyền thông, nhìn chung là thân thiện và hy vọng vào sự thành công của dự án này trong tương lai.

Chẳng gì cũng là người Việt Nam, thua bạn kém bè đã nhiều. Nay lại có một thương hiệu Việt ra đời với ước vọng cạnh tranh toàn cầu, ai chẳng mong.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là những lo lắng, bởi lẽ việc này tựa như “dời non lấp biển”, đã không ít quốc gia có thực lực hơn Việt Nam cũng không dám mơ ước.

Cách đây hơn 30 năm, người Malaysia cũng từng mơ ước về một chiếc ôtô nội địa và đã cho ra đời dự án ôtô quốc gia với thương hiệu Proton. Đây là kết quả của liên doanh giữa Chính phủ Malaysia và Mitsubishi Motors. Hãng xe Nhật Bản sở hữu 30% cổ phần, 70% còn lại thuộc về tập đoàn nhà nước DRB-Hicom. Ở thời kỳ huy hoàng nhất, thị phần của Proton ở Malaysia đạt đỉnh 74% vào năm 1993. Dù phần lớn doanh thu đến từ thị trường nội địa, Proton đã xuất khẩu sang nhiều thị trường châu Á và cả Anh, Australia. Trong những năm 90, mạng lưới bán hàng của Proton bao phủ khắp thế giới, có mặt tại hơn 70 nước.

Nhưng đến nay, Proton đã phải bán một nửa cổ phần cho Hãng Geely của Trung Quốc để có thể giữ cho các nhà máy mở cửa và phát triển những mẫu xe mới.

Quả là “cuộc chơi” mang tính toàn cầu không hề đơn giản chút nào.

oto dien am anh va hy vong
Dự báo về giá xe điện (cột màu đen) và xe truyền thống (cột màu xám) (nguồn: Bloomberg)

Một ám ảnh nữa khiến nhiều người lo lắng là cuộc cách mạng 4.0 sẽ khiến thị trường ôtô trên toàn thế giới có những bước ngoặt không thể tưởng tượng. Đã có những cảnh báo rằng, trong tương lai không xa sẽ là “cái chết đã được báo trước” của các loại động cơ đốt trong - cỗ máy vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Bởi lẽ xu hướng dịch chuyển từ động cơ chạy bằng xăng và piston sang chạy bằng điện và pin đang ngày càng rõ nét.

Các nguồn thông tin cho hay, những tiến bộ vượt bậc của công nghệ sản xuất pin đang hỗ trợ rất lớn cho những chiếc xe điện. Ngân hàng UBS nhận định, ngay trong năm 2018, tổng chi phí để sở hữu 1 chiếc xe điện sẽ ngang bằng với 1 chiếc xe chạy bằng xăng (tuy nhiên nhà sản xuất sẽ phải chịu lỗ). UBS còn lạc quan dự báo xe điện sẽ chiếm 14% tổng doanh số xe hơi bán ra trên toàn cầu vào năm 2025, so với con số khiêm tốn 1% hiện nay. Ngày nay, những chiếc xe điện sử dụng pin lithium-ion ngày càng giảm giá thành và sử dụng hiệu quả hơn rất nhiều. Chiếc Chevy Bolt của General Motors có thể chạy được liền mạch 383km, trong khi chiếc Model S của Tesla chạy được hơn 1.000km sau mỗi lần sạc.

Vậy ôtô thương hiệu Việt liệu có đủ sức vươn tới ước mơ của mình?

Có người bảo: “Ôi dào, người dưới đất sao lại cứ lo cho người trên cây”. Nhưng khổ nỗi vì đây là ước vọng của nhiều người Việt nên coi đây là mối quan tâm chung cũng không có gì lạ. Với một dân tộc đầy lòng kiêu hãnh, chẳng lẽ thiên hạ làm được, mình lại không làm được? Rồi chẳng lẽ thiện hạ không làm được thì mình cũng không thể làm được?

Bài học thất bại của các quốc gia láng giềng sẽ là tài sản vô giá cho những người đi sau như VINFAST. Đồng thời, trong chiến lược phát triển của VINFAST, ôtô điện và xe máy điện cũng nằm trong danh sách sản phẩm chủ lực. Đây sẽ là niềm hy vọng lớn trong tương lai của thị trường ôtô Việt Nam.

Theo nghiên cứu từ Bloomberg New Energy Finance, giá pin cho xe điện sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, đồng nghĩa sớm nhất là vào năm 2025, các phương tiện chạy bằng điện sẽ rẻ hơn xe truyền thống tại thị trường Mỹ và châu Âu. Theo dự đoán từ nay đến năm 2030, giá pin sẽ giảm khoảng 77%. Hiện pin chiếm một nửa chi phí sản xuất các phương tiện chạy bằng điện.

Các chuyên gia phân tích, xe điện đang đẩy ngành ôtô truyền thống vào giai đoạn khó khăn. So với những chiếc xe phổ biến hiện nay, xe điện đơn giản hơn nhiều với ít linh kiện hơn, thậm chí giống với những chiếc máy tính được gắn thêm bánh xe. Điều đó đồng nghĩa chúng cần đến ít nhân công hơn cũng như ít ngành công nghiệp hỗ trợ hơn. Nhiều công nhân tại những nhà máy không sản xuất xe điện đang lo sợ trong tương lai gần sẽ bị mất việc làm. Thị trường bảo dưỡng và linh kiện thay thế cũng sẽ thu hẹp đáng kể...

Đấy, nếu nắm bắt được xu thế thời đại, đi tắt đón đầu, lý gì Việt Nam mình không thể có một thương hiệu ôtô Việt như mong muốn!

Ông Lito Camacho, Giám đốc điều hành kiêm Phó chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse, nơi thu xếp cho VINFAST khoản vay lên tới 800 triệu USD, chia sẻ: “Quy mô đầu tư lớn thể hiện cam kết của Vingroup đối với ôtô - lĩnh vực đang phát triển nhanh tại Việt Nam, cũng như đối với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại, được kỳ vọng là lớn nhất nước, đạt tầm quốc tế. Việt Nam là một thị trường quan trọng của Credit Suisse và chúng tôi cam kết đem lại giá trị cho khách hàng bằng cách tận dụng sức mạnh của nền tảng tích hợp tài chính và ngân hàng đầu tư. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Vingroup và hỗ trợ Tập đoàn trong việc phát triển ngành sản xuất ôtô tại Việt Nam”.

VINFAST được kết nối từ chuỗi viết tắt của các từ: Việt Nam - Phong cách - An toàn - Sáng tạo - Tiên phong với ý nghĩa tôn vinh xe thương hiệu Việt do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VINFAST, thuộc Tập đoàn Vingroup là chủ đầu tư. Mục tiêu của VINFAST là trở thành nhà sản xuất ôtô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ôtô động cơ đốt trong, ôtô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc