OPEC ra tay cảnh báo Mỹ về hậu quả của đạo luật NOPEC

14:16 | 27/04/2021

1,256 lượt xem
|
(PetroTimes) - Ủy ban luật pháp tại Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật cho phép khởi kiện chống độc quyền đối với các nhà sản xuất dầu mỏ thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
OPEC ra tay cảnh báo Mỹ về hậu quả của đạo luật NOPEC

Theo Reuters, dự luật mang tên “No oil producing and exporting cartles” (NOPEC) được đề xuất bởi Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Steve Sabo nhằm trao cho Bộ tư pháp Mỹ quyền khởi kiện chống độc quyền và cho phép các tòa án Mỹ xét xử những vụ việc như vậy. Dự luật này phải được Hạ viện, Thượng viện Mỹ thông qua và sau đó là Tổng thống Mỹ ký ban hành luật. Đây là khung thời gian dài và chưa xác định được thời hạn. Giới truyền thông cũng lưu ý rằng, các dự luật tương tự dự luật NOPEC đã được Quốc hội Mỹ xem xét trước đó nhiều lần nhưng chưa dự luật nào được thông qua để trở thành đạo luật.

Reuters trích dẫn bức thư do Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo viết cho các nước thành viên, trong đó có ghi: "Điều cần thiết là các nước thành viên phải củng cố các mối quan hệ ngoại giao song phương với các quan chức chính phủ ở Mỹ ... và giải thích những bất lợi cho Mỹ nếu dự luật NOPEC trở thành luật". "Những bất lợi này có thể bao gồm: làm suy yếu nguyên tắc miễn trừ ở cấp độ toàn cầu, gây rủi ro cho lợi ích của Hoa Kỳ ở nước ngoài và việc bảo vệ nhân sự và tài sản của họ", bức thư viết.

Bức thư của ông Barkindo cho biết dự luật đề xuất các khoản tiền phạt đối với các thành viên OPEC và các công ty dầu mỏ quốc gia của tổ chức này, bằng cách tịch thu tài sản trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc nơi khác.

Ông Barkindo cũng nêu ra những nhược điểm khác của dự luật có thể phá hoại các mối quan hệ thương mại và năng lượng quan trọng giữa Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên và ảnh hưởng đến giá dầu, làm tăng rủi ro biến động của thị trường dầu mỏ quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia và tập đoàn sản xuất dầu của Hoa Kỳ.

Ban thư ký OPEC có trụ sở tại Vienna sẽ tiếp tục các báo cáo hàng tháng về tiến độ của dự luật, triệu tập họp nhóm pháp lý để đưa ra các dự kiến các động thái cần thiết và hiểu rõ hơn về quan điểm của chính quyền mới của Hoa Kỳ đối với dự luật này.

Theo hãng tin Sputnik của Nga thì dự luật có thể đem đến những rủi ro tiềm tàng, phá vỡ sự ổn định của thị trường dầu mỏ trong giai đoạn mà thị trường khá “mong manh”. Cũng theo Sputnik, hai nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất trong OPEC+ chưa bày tỏ công khai lập trường của mình liên quan vấn đề này.

Theo thông tấn TASS, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, dự luật chống cartel NOPEC của Mỹ đang trong quá trình thảo luận, do đó dự luật này không gây ra mối đe dọa đối với các bên tham gia thỏa thuận OPEC+. Ông Novak cũng lưu ý, dự luật NOPEC đã được khởi xướng nhiều năm về trước, do đó việc Ủy ban luật pháp của Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này không phải là điều bất ngờ. Điều quan trọng là dự luật chưa được Quốc hội Mỹ thông qua trong nhiều năm. Đồng thời, chủ đề này hiện vẫn chưa được thảo luận trong khuôn khổ OPEC+. Theo ông Novak, hoạt động chung của liên minh OPEC+ là nhằm ổn định tình hình thị trường dầu mỏ. Nếu cơ chế hợp tác của OPEC+ không được thực hiện sẽ dẫn đến sự biến động mạnh của thị trường. Ví dụ như trong năm 2020, khi nhu cầu giảm mạnh, các hành động chung của OPEC+ đã giúp cân bằng thị trường, khôi phục giá dầu và hoạt động sản xuất dầu khí và việc làm toàn cầu, trong đó có thị trường Mỹ.

Theo quan điểm của Nga, dự luật NOPEC có thể được Quốc hội Mỹ thông qua vào thời điểm căng thẳng chính trị hiện tại bất chấp chặng đường dài thảo luận và thông qua tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ và được phê chuẩn của Tổng thống Mỹ. Các nhà lập pháp mới của Mỹ đang nỗ lực làm trầm trọng thêm tình hình chính trị thế giới và gây sức ép theo nhiều hướng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, dự thảo luật này có thể trở thành “chất xúc tác” để hạn chế các hành động của OPEC, do đó là động lực cho các cú sốc giá trên thị trường dầu mỏ, bao gồm của sự sụp đổ giá dầu. Ngoài ra, việc thông qua NOPEC sẽ cho phép Bộ Tư pháp Mỹ đặt UAE, KSA và một số quốc gia thành viên OPEC trong mục tiêu trừng phạt tiềm năng. Trong trường hợp mở rộng sang liên minh OPEC+, Nga sẽ là đối tượng tiếp theo.

Đạo luật Không sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC) là một dự luật của Quốc hội Hoa Kỳ, chưa từng được ban hành, được gọi là H.R. 2264 (năm 2007) và sau đó là một phần của H.R. 6074 (năm 2008). NOPEC được thiết kế để loại bỏ lá chắn miễn trừ của nhà nước và cho phép các tập đoàn dầu mỏ quốc tế, OPEC và các công ty dầu mỏ quốc gia của nó bị kiện theo luật chống độc quyền của Hoa Kỳ vì những nỗ lực chống cạnh tranh nhằm hạn chế nguồn cung xăng dầu của thế giới và hậu quả là tác động lên giá dầu. Tuy vậy, các đề xuất lập pháp nhằm hạn chế quyền miễn trừ của tổ chức này cho đến nay đã không thành công. "Các hình thức khác nhau của một dự luật NOPEC đã được đưa ra khoảng 16 lần kể từ năm 2000.

Ngọc Linh – Viễn Đông thực hiện