OPEC hướng tới hạn ngạch sản lượng 30 triệu thùng/ngày

14:51 | 14/12/2011

626 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang hướng tới một thỏa thuận mới về hạn ngạch sản lượng 30 triệu thùng/ngày nhằm “hàn gắn” lại những bất hòa của cuộc gặp hồi tháng 6/2011.

OPEC cung cấp 1/3 dầu thô cho thế giới.

OPEC – cung cấp 1/3 dầu thô cho thế giới – cần phải có một chính sách đáng tin cậy trong bối cảnh thể trạng yếu của kinh tế toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu và kéo giá dầu rời khỏi mức trên 107 USD/thùng hiện nay.

Nguyên Bộ trưởng dầu mỏ Angiêri Chakib Khelil nhận định: lần này OPEC phải nhất trí vì họ cần tạo được niềm tin. Nếu không có một mục tiêu cung cấp chung, các thành viên OPEC có công suất dư thừa (như Arập Xêút và các nước Arập vùng Vịnh) sẽ vẫn tự do bơm dầu ra thị trường.

Các chuyên gia của OPEC đang thảo luận về báo cáo từ các trụ sở của khối, theo đó nhu cầu dầu thô sang nửa đầu năm 2012 được dự báo ở mức khoảng 30 triệu thùng/ngày, phù hợp với sản lượng hiện nay. Theo một đại biểu của nhóm Arập vùng Vịnh, “sản lượng của OPEC không thể thấp hơn mức 30 triệu thùng/ngày vì giá dầu sẽ tăng và OPEC sẽ phải trả giá cho điều này”.

Arập Xêút – nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu trong OPEC – tuyên bố rõ ràng quan điểm muốn giữ giá dầu trong vòng kiểm soát để “nuôi dưỡng” sức phục hồi của nền kinh tế.

Tuần trước Arập Xêút tuyên bố bơm 10 triệu thùng dầu thô/ngày, cao hơn ước tính của nhiều chuyên gia trong ngành. Việc Arập Xêút bơm dầu với tốc độ cao nhất trong nhiều thập kỷ đã “làm hài lòng” các quốc gia tiêu thụ. Nhưng quan điểm của Arập Xêút lại khiến các quốc gia như Iran, Angiêri và Venezuela lo ngại. Những nước này muốn giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng.

Iran hy vọng Arập Xêút sẽ giảm sản lượng, trong bối cảnh nguồn cung ở Libya đã được khôi phục lại.

Fatih Birol, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Cơ quan năng lượng quốc tế cho biết, dự trữ dầu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đang ở mức thấp lịch sử, giữa lúc sức phục hồi kinh tế đang rất mong manh. Mức dự trữ tại các nước OECD hiện chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 55 ngày, so với mức 61 ngày của mùa Xuân năm nay.

Tuần trước, Tổng Thư ký OPEC Abdullah El-Badri tuyên bố mức giá dầu khoảng 100 USD/thùng như hiện hành là “thỏa đáng”. Trước cuộc gặp định kỳ này của OPEC, hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng khối này sẽ giữ nguyên hạn ngạch khai thác 24,84 triệu thùng/ngày, mức đã được duy trì trong gần 3 năm qua.

Vai trò của các nước ngoài OPEC

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết các nước ngoài OPEC, nhất là ở khu vực Bắc Mỹ, sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy thị trường năng lượng vào năm 2016, khi tăng trưởng của lĩnh vực dầu cát và dầu đá phiến sét ngày một mạnh mẽ.

Các nước ngoài OPEC, nhất là ở khu vực Bắc Mỹ, sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy thị trường năng lượng vào năm 2016.

Theo IEA, trong khi các nước thành viên OPEC tiếp tục tăng “nóng” sản xuất, các nước ngoài OPEC cũng có thể nâng sản lượng. Sản lượng dầu thô của các nước ngoài OPEC sẽ tăng mạnh trong những năm tới, trong đó sản lượng của Canađa và Mỹ có thể sẽ đạt gần 3 triệu thùng/ngày; của Brazil và Colombia đạt 1,4 triệu thùng/ngày.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), sự xuất hiện của các dự án dầu cát đã khiến sản lượng dầu thô của Canada tăng lên 1,1 triệu thùng/ngày và sẽ đạt mức 4,4 triệu thùng/ngày vào năm 2016, trong đó có 1,3 triệu thùng/ngày được khai thác tổng hợp. Tại Mỹ, sản xuất dầu thô được dự kiến sẽ tăng 20% đạt 9,6 triệu thùng/ngày vào năm 2016, cao hơn so với ước tính trước đó của IEA khoảng 0,7 triệu thùng.

Trong OPEC, Iraq được xem là nước sẽ dẫn đầu về tăng sản lượng vào năm 2016. Bất chấp tình hình chính trị còn bất ổn, IEA vẫn có những lạc quan khi dự báo dầu thô của Iraq sẽ tăng 4,36 triệu thùng/ngày vào năm 2016 từ mức 1,87 triệu thùng/ngày hiện nay.

Trong khi đó, sản lượng của Iran – nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC sau Arập Xêút – được dự báo sẽ giảm khoảng 890.000 thùng/ngày và chỉ đạt dưới 3 triệu thùng/ngày vào năm 2016 do lệnh trừng phạt quốc tế.

Vân Chi (Theo Reuters)