Ông “vua” giống ở miền Tây

09:21 | 05/04/2012

1,264 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong hành trình tìm đến các “ông vua” miền Tây, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là nhà của “ông vua” lúa giống Hai Chung, ông cũng chính là “ông vua” nổi tiếng nhất từ sau những năm 75 của thế kỷ trước đến nay. Và câu chuyện trở thành vị “vua” của ông cũng là một câu chuyện hết sức ly kỳ, hấp dẫn.

Ông “vua” giống ở miền Tây

Ông “vua” lúa giống Hai Chung (tên thật là Võ Văn Chung ở ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) nay đã ngoài bát tuần nhưng vẫn cường tráng, khỏe mạnh; trong trang phục bình dân áo sơmi quần cụt, bằng sự nhiệt tình và chất giọng hào sảng đặc sệt của người miền Tây, ông đã lần lượt kể cho chúng tôi nghe về ký ức “thời vàng son” của cuộc đời một vị “vua” lúa giống.

Ông “vua” giống và hai bà vợ

Trên đường tìm đến nhà ông “vua” lúa giống, một anh đi đường mà chúng tôi hỏi thăm sau khi nhiệt tình chỉ đường đã nói với chúng tôi rằng: “Ông Hai Chung này quá nổi tiếng rồi, ông cũng nổi tiếng khắp vùng vì có hai bà vợ sống chung nhưng không hề xảy ra xích mích. Ông lo đầy đủ cho hai bà, mỗi bà một nhà riêng trong khu trang trại. Đâu, tí anh hỏi ổng thêm về cuộc sống gia đình ổng xem thế nào…”. Nói xong anh ta tăng ga chạy đi trước… Sau cuộc gặp gỡ và trò chuyện cùng chúng tôi xong, ông Hai Chung mời chúng tôi sang “nhà bên kia” tham quan vườn trái cây, trang trại nuôi heo và dùng cơm trưa vì “nhà bên này” chưa nấu kịp. Trong bữa ăn trưa, chúng tôi mới thắc mắc về câu chuyện hai bà vợ. Ông cười nói: “Trồng trầu thì phải khai mương/Làm trai hai vợ phải thương cho đồng”. Ông lý giải việc lấy vợ sớm là do học hết lớp 5, ông nghỉ nửa chừng rồi về nhà làm ruộng, cũng vì sớm lăn lộn vào đời, ông lập gia đình khá sớm. Ông vừa giỏi làm ăn, làm giàu, mà cũng giỏi luôn chuyện chứng tỏ bản lĩnh đàn ông.

Ngày đó, không biết bằng cách nào ông đã thuyết phục được người vợ lớn đứng ra cưới cho ông cô vợ “nhỏ” Đoàn Thị Tư là con gái mới lớn (nhỏ hơn ông 7 tuổi) và cả gia đình cô đồng ý gả về làm “vợ nhỏ” ông. Ngày rước vợ nhỏ về nhà, ông xếp cho hai bà vợ ở hai buồng chung một tấm vách gỗ. “Đêm tân hôn” Hai Chung vẫn ngủ với bà lớn, bỏ cô vợ nhỏ một mình “phòng không gối chiếc”. Rồi đêm thứ hai, đêm thứ ba vẫn vậy, ông Hai Chung vẫn ngủ bên người vợ lớn, nghe cô vợ nhỏ trăn trở, khóc thút thít vì buồn tủi. Người vợ lớn thấy chạnh lòng nên khuyên chồng “qua với dì nó một đêm”. Ông Hai Chung nói: “Đó là má nó khuyên thì tui phải nghe, chứ kỳ thực tui đâu có muốn”. Đợi vợ lớn nài nỉ ông mới chịu qua động phòng với người vợ nhỏ sau ngày cưới cả tuần lễ. Giữ đúng lời hứa, hôm sau ông ngủ với vợ lớn và chỉ hôm nào bà vợ lớn “biểu” ông mới “chịu” qua buồng vợ nhỏ. Cuối cùng thì bà nhỏ cũng sinh cho ông 6 đứa con, không thua gì bà vợ lớn. “Cực mà vui” là cảm giác của ông Hai Chung trong những ngày tất tả lo cho hai người vợ để giữ được tiếng thơm: “Làm trai hai vợ phải thương cho đồng”. Vì thế, hai người vợ đã “chung sống hòa bình” bên ông Hai Chung suốt hơn nửa thế kỷ qua cho đến tuổi “cổ lai hi” và bên ông với đàn con, đàn cháu sống vui vầy, hạnh phúc. Bà Tư, vợ thứ hai của ông Chung nói với chúng tôi sau bữa cơm trưa: “Ổng hay qua đây ăn lắm, hoặc là bác qua nhà kia nấu rồi ba người ăn cùng. Ổng khoái mấy món bác nấu từ hồi nào giờ”… Dù khuôn mặt bà đã đong đầy những nếp nhăn của dấu ấn thời gian nhưng nó không sao che nổi được nụ cười và ánh mắt hạnh phúc của bà khi nói về đấng lang quân của mình.

Ông Hai Chung kể, hồi ông ra Hà Nội để “chấm điểm” nhận Huân chương Anh hùng Lao động, mọi thứ ông đều đạt hết nhưng riêng các giám khảo nữ thì khó tính và không chịu vì lý do ông… có 2 vợ. “Ông Sáu Kiệt, lúc ấy chưa lấy bà Cầm, nghe thế nên nói với bác rằng, thôi các vị nói vậy thì để tôi nhận bớt của thằng cha Hai Chung này một vợ cho ổng được công nhận Anh hùng Lao động nha. Bác nói anh hùng hay không anh hùng cũng không có gì quan trọng vì bản thân tôi đã hai vợ từ xưa tới giờ chứ không phải mới đây”. Thế là cuối cùng họ cấp cho ông danh hiệu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc. “Thấy hai vợ khổ ghê chưa cháu, chứ nếu một vợ thì bác đã là người Anh hùng đầu tiên của đất nước Việt Nam rồi!” – Ông nói rồi cười phá lên.

Ông Hai Chung cùng hai bà vợ

Từ 7 hạt lúa trở thành “vua” lúa

Vào năm 1976, sau buổi nói chuyện với sinh viên về nghề trồng lúa tại Đại học An Giang thì ông Võ Tòng Xuân, hiện là Giáo sư – Tiến sĩ, Hiệu trưởng Trường đại học Tân Tạo (Long An) có nhã ý tặng cho ông Hai Chung một ít giống lúa mà ông mang từ bên Iri (Philippines) về. Nhưng khi ông Xuân soạn ra thì chỉ còn xót lại 8 hạt vì tất cả đã phát về các ty (sở) nông nghiệp các tỉnh để làm nghiên cứu giống. Khi mang 8 hạt giống về, ông Hai Chung lại sơ ý làm bay mất một hạt, chỉ còn 7 hạt. Thấy số lượng hạt giống như… trò chơi con nít, không ít người thắc mắc ông sẽ làm gì với nó. Hơn nữa, nhà ông lúc ấy nuôi gà rất nhiều, để không khéo thì gà nó ăn hết. Mặc dù quý những hạt giống ấy hơn cả kim cương nhưng lúc đó ông Hai Chung thật sự không biết làm gì chỉ với 7 hạt lúa giống. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, ông mang 7 hạt giống ra gieo trên một chậu cho không bị ngập, trên thì lấy cái rổ đậy lại để gà khỏi ăn. Ông còn nhớ đó là ngày 6-7-1976.

Sau đó những hạt giống mọc lên được 7 cây lúa rất đẹp. Thế là ông nhổ ra đem cấy ngoài ruộng. Hơn nửa tháng sau thì cây lúa ban đầu nở ra bụi rất to. Mừng quá, ông liền chạy về trường và hỏi ông Võ Tòng Xuân cách nhân giống theo cấp số nhân thế nào. Ông Xuân chỉ rằng, cứ về nhổ hết lên, tách ra từng tép rồi cấy lại như ban đầu, cây nào trổ bông, đợi chín thì cắt và đem gieo tiếp. Một bông cũng được gần 20 hạt, vậy chi một cây ban đầu sẽ được gần 20 bụi lúa mới. Ông vua lúa giống kể, đợt đầu tiên ông cắt ra được một lít giống từ 7 cây lúa ban đầu. Thế là ông đã từ từ nhân ra trồng khắp cánh đồng 3,2ha của ông; trung bình 1ha sau một vụ mùa ông có tới 7 tấn lúa giống. Một năm ông làm ba vụ, năng suất đạt hơn 60 tấn lúa. Trong khi đó, vào những năm 77-78, dịch rầy nâu hoành hành khắp ruộng lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sau vụ lúa thất bát, lúa giống để gieo sạ vụ sau rất khan hiếm, cả ĐBSCL không có một hạt nào. Ai cũng biết, 60 tấn lúa IR36 của nông dân Hai Chung vào thời điểm này vô cùng quý giá. Ông nói, nếu quy ra tiền thì 20kg là 1 chỉ vàng thì 60 tấn ấy nếu bán lấy vàng thì ông đã… giàu sụ rồi. Nhưng ông không hề tính toán thu lợi, ông đã tặng không cho người dân các tỉnh ĐBSCL và cả miền Đông Nam Bộ. Nhờ vậy, giống lúa IR36 này mới nhân rộng trong khu vực và góp phần cứu vãn được tình hình khó khăn do mất mùa những năm 79-80.

Từ “vua” lúa đến “vua” heo giống

Ông “vua” lúa giống Hai Chung cũng trở thành ông “vua” heo giống một cách tình cờ, ly kỳ như chính câu chuyện về 7 hạt lúa giống. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những ngày ở lại cùng ông “vua” lúa giống để xem cách làm ruộng, tối tối lại nhâm nhi vài ly rượu đế, vừa đập muỗi vừa nghe ông nông dân chân chất nhỏ hơn mình 8 tuổi nói về những ước mơ, hoài bão về ruộng đồng. Một buổi sáng trước khi về, ông Kiệt vỗ vai ông Hai Chung nói: “Anh Hai à, tôi thấy anh Hai làm lúa thì quá ngon rồi. Anh Hai thử chăn nuôi xem thế nào?”. Mấy tuần sau, một chiếc ôtô biển số xanh đậu xịch ngoài đường lớn. Mấy ông cán bộ mở cốp sau khiêng 2 con heo lứa xuống đất. Thì ra đây là heo giống mà TP HCM vừa nhập về từ Pháp, đích thân ông Giám đốc Ty Nông nghiệp TP HCM lúc đó đem heo trao tận tay ông Hai Chung. Xắn quần lên quá gối để lùa heo vào con đường nhỏ xíu vô nhà Hai Chung, ông Giám đốc Ty Nông nghiệp bắt tay ông Chung: “Ráng nuôi nghen anh Hai, anh Sáu Dân dặn tôi phải trao tận tay anh đó”.

Ông Hai Chung ra sức chăm sóc. Mấy tháng sau, hai con heo giống này đẻ lứa đầu tiên được 20 con heo con, trong đó có 16 con cái. Heo đực thì thành heo thịt, heo cái thành heo giống, ông Chung cứ miệt mài đến khi thành bầy mấy trăm con. Hơn 30 năm qua, ông Chung không nhớ nổi mình đã cung cấp bao nhiêu con giống ra thị trường. Ông dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại nuôi heo của ông. Hiện ông đang nuôi hơn 1.000 con heo, trong đó có hơn 200 con nái, 50 con heo nọc, mỗi năm cung cấp cho thị trường 4.000–5.000 heo giống và tinh heo. Trong năm nay, trang trại ông Hai Chung sẽ phát triển đàn heo nái lên hơn 300 con vì hiện nay cung không đủ cầu. “Có thể nói cặp heo nghĩa tình của ông Kiệt chính là bước ngoặt của cuộc đời, giúp tôi thành công và thành danh với nghề nuôi heo như ngày nay” – ông Võ Văn Chung xúc động nhớ về một người bạn, từng là Thủ tướng lãnh đạo đất nước.

Giống lúa làm nên ông “vua” lúa giống Hai Chung chính là giống IR36 nhập về từ Iri (Philippines). Đây là giống lúa có gen kháng rầy, thân nó có vị đắng nên rầy không thể ăn được. Sau này Bộ NN và PTNT đổi tên thành giống Nông nghiệp 3A.

Lê Trúc