Ông vua dầu mỏ và bước ngoặt của Ảrập Xêút

14:43 | 21/04/2011

2,511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quốc vương Fahd là người kiến tạo sự thay đổi lịch sử đối với Ảrập Xêút khi đưa vương quốc này tiến đến quan hệ liên minh với phương tây.

Quốc vương Fahd thời còn trẻ trong một chuyến thăm Pháp

Quốc vương Fahd là một trong 7 người con trai của người sáng lập ra vương quốc Ảrập Xêút, nhà vua Abdel Aziz. Ông lên ngôi năm 1982 và kiến tạo sự thay đổi lịch sử đối với Ảrập Xêút khi đưa vương quốc này tiến đến quan hệ liên minh với phương tây. Ông là người thứ tư trong số 7 anh em trở thành quốc vương, trong đó có 2 người mất quyền lực do bị đảo chính và ám sát. Mẹ ông là bà hoàng Hassa, người vợ được sủng ái nhất của Quốc vương Abdel Aziz.

Thời trai trẻ, Hoàng thân Fahd khét tiếng về lối sống xa hoa, thích phụ nữ và đánh bạc. Nhiều người còn lưu truyền "thành tích” ông từng ném hơn 6 triệu USD qua cửa sổ, chỉ trong một đêm tại sòng bạc Monte Carlo. Nhưng đến thập niên 1950, ông đã thay đổi hoàn toàn tâm tính và lối sống, khi bắt đầu nắm giữ chức vụ bộ trưởng trong chính quyền.

Ông từng là vị Bộ trưởng Giáo dục có tư tưởng cải cách, đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng quyền được đào tạo của phụ nữ ở Ảrập Xêút. Chính trị gia trẻ tuổi Fahd cũng được biết đến như một nhà kỹ trị và nắm rõ tình hình an ninh trong nước. Ngoài ra, ông còn được coi như một nhà ngoại giao khôn khéo, thấu hiểu tính phức tạp của chính sách đối ngoại.

Do đó khi lên ngôi năm 1982, Quốc vương Fahd được đánh giá là người dày dạn kinh nghiệm chính trị. Ảrập Xêút là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới nên trong thời kỳ bùng nổ giá dầu hồi thập niên 1970, dòng ngoại tệ ồ ạt đổ vào vương quốc này được ví như "nước lũ tràn về”. Thời đó người ta truyền nhau câu truyện vui về sự xa hoa ở xứ sở dầu mỏ Ảrập Xêút rằng, các đại gia tại đây sẵn sàng vứt bỏ chiếc xe Cadillac láng coóng của mình ngay khi chiếc gạt tàn trên xe đầy.

Quốc vương Fahd gặp cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher

Nhưng sự bùng nổ về giá dầu như trên không thể duy trì được lâu và cho đến đầu thập niên 80, ngay khi Quốc vương Fahd lên nối ngôi thì thu nhập từ nguồn dầu mỏ của vương quốc bắt đầu giảm. Tuy vậy, điều này cũng không ngăn việc ông hoàng Fahd tích luỹ được khoản tài sản cá nhân ước tính lên tới 18 tỷ USD.

Với sản lượng khai thác và trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, Ảrập Xêút luôn tự hào là một quốc gia theo chế độ gia trưởng đủ khả năng chăm sóc cho người dân, ngay từ lúc chào đời cho đến khi họ nằm xuống. Dù vậy trong thời gian cầm quyền, Quốc vương Fahd vẫn buộc phải đưa ra một số biện pháp thắt lưng buộc bụng, nhằm hạn chế việc chi tiêu quá nhiều tiền của của nhà nước.

Trong thời gian trị vì, Quốc vương Fahd cũng phải đối mặt với những mối đe doạ đến từ bên ngoài. Cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 tại Iran dẫn đến những lo ngại về việc làn sóng nổi dậy của người Hồi giáo sẽ lan tới Ảrập Xêút. Vì vậy, ngay khi lên cầm quyền ông quyết định chi một khoản tiền khổng lồ để hỗ trợ cho Iraq trong cuộc chiến với Iran.

Mọi việc bắt đầu từ năm 1990, khi Iraq đánh chiếm nước láng giềng Kuwait, Quốc vương Fahd đã có một quyết định nhạy cảm: cho quân đội phương tây đóng quân trên lãnh thổ Ảrập Xêút để đảm bảo an ninh cho vương quốc. Ông nói với các thần dân: "Những lực lượng này đang tham gia các cuộc tập trận chung với Ảrập Xêút. Sự hiện diện của họ sẽ chỉ mang tính tạm thời”.

Mặc dù vậy, sau chiến tranh vùng Vịnh, quân đội Mỹ vẫn không rời đi như lời quốc vương đã phán. Và điều gì đến đã đến khi một quả bom phát nổ tại tổng hành dinh của lực lượng này trên sa mạc vào năm 1996, làm chết 19 người. Đây được coi như một tín hiệu rõ ràng về sự oán giận sâu sắc của người dân địa phương trước sự hiện diện quá lâu của quân đội ngoại quốc.

Những năm cuối đời, quốc vương Ảrập Xêút bị bệnh tật hành hạ.

Bầu không khí căng thẳng lên tới cực điểm kể từ sau vụ khủng bố đẫm máu ở Mỹ ngày 11/9/2001. Trong số những tên không tặc tham gia vụ tấn công này có 15 nghi phạm được coi là công dân Ảrập Xêút. Trùm khủng bố Osama bin Laden, chào đời tại Ảrập Xêút, cũng thường tuyên bố sẽ đẩy "những kẻ không theo đạo Hồi” ra khỏi vương quốc.

 

Cùng với những thách thức trên, sức khoẻ cũng là một trong những vấn đề lớn nhất trong quá trình trị vì của Quốc vương Fahd. Ông bị đột quỵ năm 1995 và từ đó quyền hành thực tế được trao về tay Thái tử Abdullah, một người anh em cùng cha khác mẹ với ông.

Sáng qua 1/8, Quốc vương Fahd trút hơi thở cuối cùng và cuộc chuyển giao quyền lực đã diễn ra êm thấm, Thái tử Abdullah lập tức lên nối ngôi . Theo truyền thống Ảrập Xêút, một người em khác của ông là Hoàng thân Sultan cũng được lập làm thái tử.

Đình Chính

Đình Chính theo AP, BBC

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc