"Ông lớn" xây dựng Coteccons lỗ nặng còn Xây dựng Hòa Bình lãi nhờ thoái vốn

21:08 | 02/08/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Quý 2/2022, Coteccons lỗ ròng 24 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi liên quan tới khoản nợ của Tân Hoàng Minh. Trong khi đó, Xây dựng Hòa Bình dù quý 2 lãi giảm song tính chung nửa đầu năm, lợi nhuận vẫn tăng trưởng nhờ thoái vốn các khoản đầu tư. Đáng chú ý, nợ vay tại Coteccons tăng đột biến.
Tập đoàn Hòa Bình (HBC) lãi đột biến, nợ vay ngắn hạn vượt qua vốn chủ sở hữuTập đoàn Hòa Bình (HBC) lãi đột biến, nợ vay ngắn hạn vượt qua vốn chủ sở hữu

Cách đây vài tháng, các doanh nghiệp đầu ngành xây dựng đã sẵn sàng lên kế hoạch cho năm 2022 - năm với dự báo thị trường sẽ hồi phục đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới.

Theo đó, ngành xây dựng lại tiếp tục chứng kiến một bức tranh trái chiều giữa hai "ông lớn": Xây dựng Hoà Bình (HBC) đặt tham vọng mới sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, trong khi Coteccons (CTD) tiếp tục tái cấu trúc và hạ chỉ tiêu lợi nhuận về mức thấp nhất lịch sử.

Sau nửa năm 2022, bức tranh kinh doanh tại hai 'ông lớn' này tiếp tục lệch pha.

Coteccons lỗ nặng vì phải trích lập dự phòng nợ khó đòi liên quan tới Tân Hoàng Minh

Trong quý 2/2022, các hợp đồng xây dựng mang về cho Coteccons gần 3.278 tỷ đồng doanh thu, tăng 29% so với cùng kỳ. Nhờ đó, doanh thu thuần cũng tăng lên mức tương ứng, ghi nhận gần 3.281 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên gần 6,6% so với mức 5,3% cùng kỳ và quay trở lại mức ngang ngửa với đầu năm 2019.

Ngoài ra, doanh thu tài chính quý 2/2022 của Coteccons ghi nhận đến hơn 152 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ gần 115 tỷ đồng từ cho vay và đầu tư góp vốn. Mặt khác, Công ty còn có thêm gần 2 tỷ đồng lãi từ đầu tư chứng khoán, trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản mục này.

Bên cạnh khoản lãi gần 2 tỷ đồng kể trên, Coteccons cũng ghi nhận khoản lỗ gần 7 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn trích lập dự phòng hơn 20 tỷ đồng giảm giá chứng khoán kinh doanh.

Đáng nói, Coteccons còn tăng mạnh chi phí dự phòng thuộc khoản mục chi phí quản lý lên gần 257 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận hơn 16 tỷ đồng. Vì vậy, chi phí quản lý doanh nghiệp bị đẩy lên gần 361 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ.

Tăng mạnh các khoản chi phí dự phòng đã khiến Coteccons ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 46 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ khoản hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình (gần 20 tỷ) nên Coteccons chỉ còn lỗ ròng gần 24 tỷ đồng quý 2/2022. Qua đó, lãi ròng 6 tháng đầu năm cũng bị kéo xuống còn hơn 5 tỷ đồng, giảm 95%.

Có thể thấy, việc trích lập dự phòng nợ khó đòi cho các dự án tồn đọng từ 2018 - 2020, cùng những khó khăn của ngành bất động sản, xây dựng hiện nay, đã tạo áp lực rất lớn lên biên lợi nhuận ròng quý 2/2022 của công ty.

Đặc biệt, một trong những dự án công ty phải trích lập dự phòng nặng nề nhất là của Công ty Ngôi sao Việt - công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Dự án đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2019 và dù đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ, nhưng trong quý II/2022, Coteccons vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng 242 tỷ đồng cho dự án này, nâng số trích lập dự phòng lũy kế 2020 đến quý 2/2022 năm nay lên đến 484 tỷ đồng.

Năm 2022, Coteccons đặt kế hoạch đạt 15.010 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, công ty đã hoàn thành 34,5% kế hoạch doanh thu và 27% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Biên lãi gộp Xây dựng Hòa Bình rơi xuống mức thấp nhất 13 năm, lãi nhờ thoái vốn

Quý 2/2022, CTCP Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) cho thấy doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 28% so với cùng kỳ lên 4.080 tỷ đồng. Biên lãi gộp suy giảm từ 6,1% cùng kỳ về 3,2% quý này.

Trong kỳ, doanh nghiệp có thêm 183 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, gấp 2,8 lần chủ yếu nhờ bán các khoản đầu tư thu về 126 tỷ đồng và về hơn 49 tỷ (cùng kỳ chỉ hơn 200 triệu đồng) từ khoản lãi chậm thanh toán. Theo kế hoạch, Xây dựng Hoà Bình dự kiến thoái vốn khỏi 4 dự án lớn là Ascent Garden Home, Ascent Cityview, Ascent Plaza và Ascent Lakeside.

Ngược lại, chi phí tài chính tăng 78% so với cùng kỳ, lên hơn 142 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay cũng tiêu tốn của HBC số tiền gần 148 tỷ đồng. Kết quả, HBC lãi sau thuế hơn 50 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HBC đạt 7.063 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ, lần lượt tăng 30% và giảm 10% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả trên, HBC đã thực hiện được 40% kế hoạch doanh thu và 17,4% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau hai quý.

Nợ vay tại Coteccons tăng đột biến

Tại thời điểm 30/06/2022, tổng tài sản của Coteccons ghi nhận hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi cùng các khoản phải thu ngắn hạn lần lượt tăng 6% và 7%, lên 3.499 tỷ đồng và 9.140 tỷ đồng. Mặt khác, hàng tồn kho tăng đến 24%, đạt gần 2.104 tỷ đồng.

Về nợ, tổng vay nợ của Coteccons tăng đột biến lên hơn 1.314 tỷ đồng, tăng thêm 528 tỷ đồng, trong khi đầu năm chưa được 2 tỷ đồng. Theo đó, Coteccons đã huy động nợ từ cả hai kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu.

Chi tiết nợ vay tại Coteccons (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022)/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đối với kênh tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp huy động khoản vay ngắn hạn hơn 922 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Mặt khác, Công ty xây dựng này huy động khoản vay dài hạn gần 530 tỷ đồng cho hoạt động thi công hệ thống năng lượng mặt trời áp mái.

Đối với kênh phát hành trái phiếu, Coteccons thu về gần 494 tỷ đồng sau đợt phát hành trái phiếu trong nửa đầu năm. Số tiền này sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh và tăng quy mô vốn hoạt động cho Công ty.

Thực tế, dưới trướng chủ mới, Coteccons tăng cường vay nợ, tính đến 30/6/2022, tổng nợ vay chiếm 8% tổng nguồn vốn. Trong khi dưới thời ông Lê Bá Dương, doanh nghiệp xây dựng này nói không với nợ vay.

Còn tại ‘ông lớn’ Xây dựng Hòa Bình, tại thời điểm 30/06/2022, tổng tài sản ghi nhận hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tổng nợ vay tại HBC tăng tới 28% so với đầu năm, lên hơn 6.534 tỷ đồng.

Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 5.461 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, chủ yếu từ các ngân hàng. Hiện ngân hàng BIDV đang cho HBC vay ngắn hạn nhiều nhất lên đến 2.266 tỷ đồng, tiếp đến là ngân hàng Vietinbank cho vay hơn 1.286 tỷ đồng. Ngoài ra còn có ngân hàng MSB cho vay 480 tỷ đồng; MB cho vay hơn 195 tỷ đồng; Techcombank cho vay hơn 287 tỷ đồng;…

Đặc biệt, về nợ vay dài hạn tăng tới 170% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 675 tỷ đồng, lên gần 1.074 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ qua trái phiếu. Tại thời điểm 30/6/2022, dư nợ trái phiếu hơn 982 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 290 tỷ đồng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hoàng Long

vietinbank
ajinomoto