ODA: Khi trái ngọt bắt đầu đắng!

19:00 | 21/08/2018

711 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nợ ODA cũng là một trong những gánh nặng tài chính hàng năm, cuối cùng nguồn trả nợ cũng móc ra từ túi người dân.

Bẫy ODA ngày một rõ ràng với Việt Nam, đáng lẽ những đồng tiền đi vay phải vắt óc tính toán chi li thì có hiện tượng lợi ích nhóm bu bám xung quanh, trong vòng 15 năm qua cứ khoảng 4 năm lại xuất hiện 1 vụ tiêu cực lớn đến nguồn vốn này.

Nhật Bản - nguồn ODA lớn nhất của Việt Nam bắt đầu tăng lãi suất từ 1,2 lên 1,5%, nhưng lãi suất vay và “chi phí thu xếp vốn” cộng lại còn cao hơn lãi vay thương mại trên thị trường tự do, đó chính là "viên đạn bọc đường".

Đến lúc phải nhìn nhận lại hiệu quả sử dụng đồng vốn ODA, “ODA thế hệ mới” đã được bàn đến, nhưng nếu không khép chặt kẽ hở thì dù có bao nhiêu tiền cũng đổ sông đổ biển.

oda khi trai ngot bat dau dang
Cầu Nhật Tân (Hà Nội) là công trình được xây dựng bằng nguồn vốn ODA

ODA dù mang mục đích tốt đẹp đến chừng nào đi nữa cũng là tiền đi vay, là kiểu “xuất khẩu tư bản” có từ hàng trăm năm nay, dĩ nhiên bên cho vay luôn có những điều kiện ràng buộc, người đi vay phải chịu thiệt thòi.

Nhiều công trình được xây dựng bằng vốn ODA ở Việt Nam phải lệ thuộc công nghệ, vật liệu, thậm chí nhân công phổ thông nước ngoài, nghiêm trọng hơn là tình trạng kéo dài tiến độ gây đội vốn, lãi mẹ đẻ lãi con, nguy hiểm nhất là công trình kém chất lượng, tiền mất tật còn mang!

Việc tiếp nhận và sử dụng đồng vốn ODA đã từng bị phát hiện có “mùi” lợi ích nhóm. Cách đây mấy năm dư luận rúng động vì một công ty Nhật Bản hối lộ 80 triệu Yen để trúng gói thầu tư vấn một dự án đường sắt.

Những con số về hiệu quả mà vốn viện trợ ODA mang lại khó khỏa lấp được nỗi chạnh lòng, hay nói đúng hơn là sự cay đắng khi nghe phát biểu của ông Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cảnh báo “Nếu còn một vụ tham nhũng nào nữa xảy ra, Nhật Bản sẽ ngừng cấp ODA cho Việt Nam”.

Vì sao một công ty từ đất nước minh bạch số một thế giới lại sử dụng cách “đi đêm” để được thắng thầu? Đây có phải là thói quen của người Nhật hay vì “nhập gia tùy tục”?

Chẳng biết được nhưng hàng loạt công trình đội vốn, kém chất lượng vì không chọn đúng nhà thầu đủ năng lực. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhiều năm nay vẫn là vũng lầy đầy đặc những câu hỏi. Đó là sự thất bại điển hình của ODA bị méo mó, sự phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác.

Đằng sau những đồng vốn ODA là nhiều thứ thuộc về đối tác, đó là con đường nhanh nhất để công nghệ (lạc hậu, hoặc đang thử nghiệm?) của nước ngoài tràn vào Việt Nam.

Cầu Nhật Tân, đường vành đai 3; dự án đô thị ven sông (Hà Nội) hay điển hình hơn là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông - phải là nhà thầu Trung Quốc thi công, cả trang thiết bị và tàu đều của Trung Quốc, thậm chí cả thẻ lên tàu chạy thử cũng có chữ Trung Quốc.

Có khá nhiều cơ quan tham gia sử dụng, quản lý nguồn vốn ODA, xem ra một quá trình vô cùng chặt chẽ nhưng phải chăng, bên trong luôn có những “con đường thông nhau”?. Từ đề xuất vốn cho đến khi giải ngân trải qua hàng chục bước, được hướng dẫn bởi Thông tư của Bộ Tài chính; Nghị định của Chính phủ…

Vậy mà khi xảy ra sự cố, rất ít thấy cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm, cam kết khắc phục sự cố. Cái khó cái khổ luôn thuộc về nguyên nhân khách quan!

Sự tác động ngược trở lại khiến cho nhà tài trợ mất lòng tin, không khó giải thích khi Nhật Bản bắt đầu tăng lãi suất, lương chuyên gia tư vấn “đính kèm” dự án mỗi tháng 30.000 USD, tương đương 700 triệu đồng!

Điều kiện vay ODA không còn cố định như trước, được điều chỉnh hàng năm, ràng buộc về xuất xứ nhà thầu, phương thức mua sắm, thậm chí cả mức lương của chuyên gia tư vấn.

ODA từng là nơi đầy ưu đãi cho các nước đang phát triển, nhưng khi chúng ta bắt đầu nhận ra ODA bị sử dụng kém hiệu quả cũng là lúc bên cho vay siết chặt điều kiện.

Nợ ODA cũng là một trong những gánh nặng tài chính hàng năm, cuối cùng nguồn trả nợ cũng móc ra từ túi người dân.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

oda khi trai ngot bat dau dangChuyên gia Nhật đến Việt Nam muốn nhận lương 700 triệu mỗi tháng
oda khi trai ngot bat dau dangViệt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD vốn ODA sau 25 năm
oda khi trai ngot bat dau dangDoanh nghiệp tư nhân có thể vay vốn ODA