Nuôi ước mơ đại học từ đôi chân cha

15:48 | 04/07/2014

1,403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sinh ra không được may mắn như bao đứa trẻ khác, hàng ngày phải đến trường trên đôi chân của bố, nhưng Lê Xuân Bách (sinh năm 1992) vẫn nỗ lực trở thành con ngoan trò giỏi, vươn tới ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.

Bị mặc bệnh teo cơ từ hồi lên 4 tuổi và sau này mất dần khả năng đi lại, tuy nhiên em Lê Xuân Bách (Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) vẫn cố gắng vượt qua khó khăn mặc cảm khuyết tật để tiếp tục trên con đường chinh phục nấc thang trong cuộc sống của mình.

Lê Xuân Bách - một thí sinh đặc biệt của Học viện Bưu chính Viễn thông

Vừa vào cổng trường hỏi thăm trường hợp những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi nhanh chóng được các sinh viên tình nguyện Học viện Bưu chính Viễn thông chỉ dẫn tới phòng em Lê Xuân Bách.

Biến cố vì mắc bệnh teo cơ

Sinh ra cơ thể lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng từ nhỏ  Xuân Bách đã có những biểu hiện thất thường khi sức khỏe luôn trong tình trạng ốm yếu, đến năm 3 tuổi cậu bé mới chập chững biết đi, tới 4 tuổi  khả năng đi lại của Bách dần dần giảm sút, ban đầu bố mẹ của em vẫn nghĩ do sức khỏe con mình yếu nên mới như vậy. Tuy nhiên đến khi phát hiện ra bệnh tình của em, bố mẹ đã phải chạy vạy khắp các nơi đưa em đi khám tìm thầy thuốc giỏi, nhưng đều vô vọng.

Biết con sức khỏe yếu nên bắt đầu từ khi học lớp 1, bố mẹ đã luôn đồng hành với Bách trên con đường tới trường bất kể ngày nắng, cũng như ngày mưa. Đến mùa đông của năm lớp 5 tình hình sức khỏe của Bách yếu dần đi, không đi lại được. Lúc đó bàn tay, bàn chân của em bắt đầu bị co quắp lại khó cử động.

Khi có nhận thức về những bộ phận trên cơ thể đặc biệt là biết mình không còn khả năng đi lại, cậu bé đã cảm thấy rất buồn. Một cú sốc khiến Bách mất một khoảng thời gian trấn tĩnh lại, Bách chia sẻ: “Ngày đấy khi biết mình không còn khả năng đi lại, cảm giác ban đầu là không có gì vì chắc vẫn trẻ con. Nhưng suy nghĩ lại thì bắt đầu em thấy buồn, lo lắng khi bây giờ không thể vui chơi với các bạn được nữa mà phải ngồi một chỗ và theo dõi từ ngoài thôi. Cảm giác tủi thân chắc ít ai có thể hiểu được”.

Tuy nhiên trong suy nghĩ của Bách chưa bao giờ xuất hiện hai từ “bỏ cuộc”, mà em vẫn nỗ lực học tập mỗi ngày. Không phụ công ơn cha mẹ, hằng năm Bách luôn nằm trong nhóm học sinh giỏi nhất của lớp, nhận được bằng khen và được dự thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Bách vẫn phải nhận sự trợ giúp từ người thân trong những công việc sinh hoạt hàng ngày.

Tay chân cử động yếu, nên Bách phải bò lê trong nhà nếu không cẩn thận em có thể bị ngã bất cứ lúc nào. Việc đầu gối chân bị xay xát rớm máu là chuyện như thường ngày, đến những chuyện sinh hoạt cá nhân như đánh răng, đi vệ sinh... em vẫn phải nhờ sự trợ giúp từ người thân.

Gián đoạn trên con đường học vấn

Là một người có sức học tốt nhưng vì sức khỏe không cho phép nên quá trình học của Bách có nhiều gián đoạn, khi lớp học hết lớp 9 em đã phải nghỉ hai năm ở nhà và khi kết thúc năm học 12 Bách cũng nghỉ ở nhà 2 năm rồi mới quyết định đi học tiếp. Cả 2 lần nghỉ đều với lý do Bách nghĩ thương bố mẹ đã đi làm vất vả, lại còn phải đón cậu ở ngôi trường xa làm ảnh hưởng tới mọi người.

Tuy nhiên bằng sự động viên của bố mẹ và người thân trong gia đình, Bách quyết định đi học lại và theo đuổi ước mơ đã lựa chọn.

Trước đó, Bách cũng có một năm mở cửa hàng điện thoại di động, nhưng vì không phải đam mê nên chỉ sau thời gian ngắn cửa hàng đó cũng ngừng hoạt động.

Quyết tâm thi lại vào giữa năm 2013, Bách được bố mẹ đồng ý và lúc đó em xác định con đường mình chọn là ngành công nghệ thông tin của trường Học viện Bưu chính Viễn thông.

Ông Hồng cõng con đến trường thi

Ấp ủ dự định trở thành một kỹ sư lập trình Web, Bách đã quyết định thi khối A1 (Toán, Lý, Anh). Với một người đã bỏ hổng kiến thức hơn một năm, em chia sẻ về giai đoạn vô cùng khó khăn này: “Đối với những người có nền tảng kiến thức và được ôn luyện thường xuyên với họ có lẽ là một việc dễ. Nhưng em thì khác vì bỏ học hơn một năm, nên kiến thức em cũng gần quên hết, đến lúc phải học lại từ đầu, làm những bài tập giải toán khó. Nhiều khi khó quá em đau hết cả đầu, đến ăn cơm em cũng cố gắng nghĩ ra cách giải, căng thẳng mệt mỏi… đặc biệt nhiều khi gặp cả những bài toán dễ nhưng em không biết cách không ai hướng dẫn mà đều phải tự học”.

Đôi chân bố đưa em đến ước mơ giảng đường

Trong suốt những ngày tháng đi học, ông Lê Xuân Hồng là người luôn đồng hành với Bách trên những chặng đường tới trường bất kể ngày mưa hay nắng. Với tâm niệm của người cha đó là hy sinh để cho con có một cuộc sống tốt hơn, bù đắp phần nào những thiệt thòi trên con mình phải chịu đựng.

Dáng người gầy gò, ánh mắt hiền từ  với  vẻ lam lũ toát lên của người nông dân chân chất bác Hồng tâm sự với chúng tôi về quá trình nuôi nấng cũng như chăm sóc và đưa Bách hơn 20 năm qua: “Để nuôi một người  bình thường có lẽ đã khó, nhưng để nuôi một đứa con lai mang bệnh tật thì khó khăn gấp nhiều lần. Trong bao nhiêu năm qua, tôi đã phải đưa em đi học từ chiếc xe đạp cũ, đến chiếc xe máy hiện đại như bây giờ. Bất kể trời mưa giông bão hay nắng gắt, bố con vẫn đều đặn đến trường mỗi ngày. Có nhiều khi đường xấu quá mà Bách suýt ngã khỏi xe.

Đặc biệt có nhiều thời điểm tôi cảm thấy tuyệt vọng khi biết tin em bị mắc bệnh rồi sau đó là biến chứng, đi chữa nhiều nơi bác sỹ bảo rằng em cũng không sống được lâu. Là bậc làm cha, làm mẹ ai chả xót con. Nhưng rồi bằng tình thương tôi vẫn cố gắng chăm sóc, động viên em phải luôn cố gắng trong học, ngoan ngoãn nghe lời thầy cô bố mẹ”.

Ông cũng cho biết, nếu Bách đỗ đại học, ông bác cũng sẽ lên đây thuê nhà ở để tiện chăm sóc cho con. Sau đó hàng ngày ông Hồng sẽ đi làm thêm công việc để có thể nuôi nấng em, suốt 4 năm đại học.

Ông nói: "Tôi không có gia sản nào khác ngoài đôi bàn chân, để tiếp tục thực hiện giấc mơ cho cậu con trai mình".

Phú Đỗ

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.