"Nụ cười mới"... tắt ngấm

06:55 | 08/08/2018

492 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiều người bày tỏ sự bùi ngùi, tiếc nuối khi sân khấu kịch “Nụ cười mới”, từng là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều khán giả hài kịch tại Sài Gòn, buộc phải đóng cửa sau 14 năm hoạt động. Song “cái chết” đó không có nhiều bất ngờ.

Khán giả tiếc nuối vì “Nụ cười mới” từng là địa chỉ hài kịch quen thuộc tại Sài Gòn, nơi mà họ có thể trực tiếp xem thần tượng là những danh hài đình đám một thời như Hoài Linh, Chí Tài, Trường Giang… biểu diễn. Hơn nữa, sân khấu “Nụ cười mới” còn là tâm huyết của cố nghệ sĩ Hữu Lộc để lại sau khi anh đột ngột qua đời vì tai nạn.

Nhưng không còn cách nào khác, nghệ sĩ Long “đẹp trai”, Giám đốc “Nụ cười mới” cho biết, các nghệ sĩ không thể gồng gánh nổi thua lỗ nữa vì sân khấu quá vắng khách.

nu cuoi moi tat ngam
Vở “Đám cưới chùm” của sân khấu “Nụ cười mới”

Thật ra, “cái chết” của “Nụ cười mới” không có nhiều bất ngờ. Suốt mấy năm qua, sân khấu này luôn trong tình trạng ế ẩm chung của sân khấu kịch Sài Gòn. Phần quan trọng là vì hài kịch đã thoái trào, nó không còn là lựa chọn của khán giả như khoảng 5 năm về trước nữa; đặc biệt là kiểu hài đơn điệu như ở “Nụ cười mới” thì càng không còn khán giả. Khán giả bây giờ xem hài cũng “cao cấp” hơn, trong hài có bi và hài cũng chỉ là một mảng miếng được lồng ghép vào một câu chuyện đậm chất nghệ thuật mà thôi.

Một số nghệ sĩ vì quá yêu nghề nên hoạt động cầm chừng, lâu dần họ tham gia sân khấu vì “tình xưa nghĩa cũ” nhưng nhiệt huyết của họ đã nguội lạnh . Điều đó không thể làm nên đời sống sân khấu

Các sân khấu chính kịch hay kinh dị như IDECAF, Phú Nhuận, 5B, Hoàng Thái Thanh… dù có khó khăn nhưng không đến nổi đìu hiu vì thể loại kịch này vẫn còn một lượng khán giả yêu mến nhất định. NSND Hồng Vân từng lên báo than vãn về chuyện phải giật gấu vá vai để cứu sân khấu kịch, thậm chí từng tuyên bố đóng cửa SuperBowl, nhưng rồi cuối cùng cũng tìm cách không để cái kết thảm đó xảy ra. Nhưng xem ra, nhiều sân khấu kịch miền Nam hiện nay đang trong tình trạng “gồng mình gánh lỗ” là chính và nếu như không có những thay đổi, đột phá thì chuyện đóng cửa sân khấu sẽ tiếp diễn sau “Nụ cười mới”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng buồn đó của sân khấu kịch miền Nam. Điều dễ thấy nhất là công chúng ngày nay có quá nhiều lựa chọn chương trình giải trí sao cho tiện ích nhất với mình. Các gameshow, chương trình giải trí truyền hình ra đời ngày càng nhiều, đặc biệt là lĩnh vực phim chiếu rạp ngày càng phát triển mạnh mẽ với cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phim bom tấn nội - ngoại liên tục “nổ” vào cuối mỗi tuần.

Khó có thể nói rạp chiếu phim đã lấy hết khán giả của sân khấu kịch bởi hai loại hình này khác nhau, nhưng là một khán giả trung lập, hẳn người ta sẽ chọn xem một bộ phim hot hơn là vào sân khấu xem một vở kịch với giá vé gấp đôi mà chất lượng thì… chưa rõ!

“Chưa rõ” ở đây là vì công tác truyền thông của hầu hết các sân khấu kịch hiện nay là rất kém và cũng có thể, sân khấu kịch ít được truyền thông báo chí quan tâm hơn là rạp chiếu phim. Ngay cả với những vở diễn mới thì thông tin cũng rất hiếm trên mặt báo. Khi khán giả không nắm thông tin, không bị kích thích bởi những bài review hay về vở kịch đó thì họ không thể lựa chọn. Đó là lẽ đương nhiên. Và, sân khấu kịch không thể phát triển nhờ vào một số người muốn “đổi gió” và đến ủng hộ!

Mặt khác, khi khán giả đến sân khấu mà không có gì để xem thì tất yếu dần dần họ sẽ bỏ sân khấu. Đó là tình trạng sân khấu thiếu kịch bản mới, hấp dẫn, thiếu đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên kịch tâm huyết, cứng tay nghề…

Khi sân khấu kịch thoái trào, khán giả ngày càng ít đi, sân khấu vài trăm ghế mà mỗi suất diễn chỉ bán được vài chục vé thì xem như lỗ nặng. Cát-sê cho biên kịch, đạo diễn, diễn viên quá thấp mà nhu cầu đời sống lại càng cao và cơ hội kiếm tiền bên ngoài ngày càng rộng mở thì chuyện dần dần họ rời sân khấu kịch cũng là điều dễ hiểu và cảm thông.

Một số nghệ sĩ vì quá yêu nghề nên hoạt động cầm chừng, lâu lâu họ tham gia với sân khấu vì “tình xưa nghĩa cũ” nhưng nhiệt huyết của họ đã nguội lạnh. Điều đó không thể làm nên đời sống sân khấu.

“Nụ cười mới” phải đóng cửa phần lớn là vì thế. Sân khấu không cố định, nay chuyển chỗ này mai dời chỗ khác, những tên tuổi như Hoài Linh, Trường Giang, Anh Thư… cũng không còn, khán giả hầu như không còn lý do để đến sân khấu này nữa. Việc giám đốc “Nụ cười mới” đã gồng gánh để sân khấu tồn tại suốt thời gian dài, đó là sự cố gắng đáng ghi nhận, song dù “đẹp trai” anh cũng đã hết lực để lấy lại nụ cười của sân khấu từng vang bóng một thời.

nu cuoi moi tat ngam Ai cứu sân khấu thoát cảnh “chợ chiều”?
nu cuoi moi tat ngam “Những vở kịch còn mãi với thời gian” trở lại sân khấu thủ đô
nu cuoi moi tat ngam Trịnh Kim Chi tiếp tục hành trình ‘truyền lửa’ sân khấu

Trúc Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.