NSND Lý Huỳnh: Đổ tiền làm phim vì… tự ái!

23:28 | 06/07/2012

3,053 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Võ sư, đạo điễn, NSƯT Lý Huỳnh vừa được phong tặng danh hiệu NSND. Xưa chưa gặp thì kính nể ông bởi những thành tựu đạt được trên cả bốn lĩnh vực: võ sư thượng đài, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim. Nay gặp rồi mới biết, ông không chỉ tài năng mà còn rất dị, với những tư duy khác lạ, nhưng lại vô cùng thân thiện, nói chuyện chân tình, hào sảng như một “Hai Lúa” (tên một vai diễn rất thành công của Lý Huỳnh) thực thụ.

PV: Xin hỏi ông câu đầu tiên: Ông là người đầu tiên hưởng ứng Quyết định 417, cho phép tư nhân đầu tư thực hiện phim cùng Nhà nước dưới dạng cùng hợp tác sản xuất. Vì sao vậy? Sản xuất phải bỏ tiền, cứ đi làm diễn viên đam mê cũng thỏa lòng đam mê và danh tiếng cũng đầy có phải nhàn thân hơn không…?

NSND Lý Huỳnh: Thời kỳ đầu, tôi bỏ tiền ra làm phim để được toàn quyền làm chủ, toàn quyền thực hiện mọi ý tưởng của mình, nhất là có thể thực hiện giấc mơ đưa võ thuật vào phim. Bây giờ, đổ tiền làm phim lịch sử chỉ là vì “tự ái dân tộc”. Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong làm phim lịch sử nhiều và hay đến thế, Việt Nam mình cũng có nhiều danh tướng tài ba, nhiều vị anh hùng dân tộc, tại sao lại không làm? Như Nguyễn Huệ chẳng hạn, bách chiến bách thắng, tôi thích những nhân vật như thế. Đó là cái lớn. Còn cái nhỏ là quy tụ võ sư, thành lập được CLB võ thuật điện ảnh để hỗ trợ cho phim lịch sử, mời các võ sư giỏi tham gia tập luyện. Tôi đầu tư vào phim lịch sử còn có mục đích khác là nhắc nhở giới trẻ phải biết ơn những người có công với đất nước.

NSND Lý Huỳnh tời trẻ

PV: Đã sang tuổi xưa nay hiếm, đạt được những thành công đỉnh cao trong sự nghiệp điện ảnh, nhưng xem ra võ thuật vẫn là đam mê cháy bỏng, khi mà ông làm phim cũng có mục đích để quy tụ võ thuật. Tại sao ngày đó ông không tiếp tục theo đuổi võ thuật mà là lại rẽ lối sang điện ảnh?

NSND Lý Huỳnh: Ôi, mọi việc đến tình cờ thôi, tôi cũng đâu có chọn. Từ năm 1965 tôi đã không lên võ đài thi đấu nữa mà mở võ đường. Năm 1970, đoàn làm phim của Hongkong sang Việt Nam tìm diễn viên và võ sư cho bộ phim “Long Hổ sát đấu”, họ có đến võ đường Lý Huỳnh tham quan. Lúc đó tôi mới 28 tuổi, to con, khỏe mạnh. Họ hỏi Lý Huỳnh có muốn tham gia đóng phim không? Họ đang cần diễn viên đóng vai võ sư, chẳng cần diễn xuất nhiều, cứ làm như bên ngoài, với tư cách võ sư là được. Thấy cũng đơn giản nên tôi gật đầu. Thế là trở thành diễn viên…

PV: Vai đầu tiên là võ sư, tạm coi không cần kỹ năng diễn xuất nhiều, nhưng những vai sau thì rõ ràng là khác hẳn. Trung úy Sâm trong “Hòn Đất”, Đại tá Hoàng trong “Cô Nhíp”, Đại úy Long trong “Mùa gió chướng”… Hay Hai Lúa trong “Vùng gió xoáy”… đều là những vai khó. Ông đã làm thế nào để hóa thân và trở thành những nhân vật để đời trong những bộ phim để đời của điện ảnh Việt Nam?

NSND Lý Huỳnh: Phải quan sát. Để vào vai sĩ quan ngụy, tôi đã phải hình dung từng dáng đi, giọng điệu, khẩu khí, tư thế ngồi, kiểu hút thuốc… Để vào vai Hai Lúa, một nông dân thuần hậu mà cương trực rất Nam Bộ, tôi dành hẳn 3 tháng về miệt vườn để sống cùng một nông dân thứ thiệt. Họ ngồi thế nào, nói chuyện làm sao, suy nghĩ theo lối gì… Nói chung, tuy Lý Huỳnh không học qua trường lớp nhưng hiểu rằng nghề này cần đam mê, cần tâm huyết, cần chính xác hồn vía đến từng chi tiết. Sau này khi sản xuất phim hay chỉ đạo võ thuật cũng vậy, tôi đều cố gắng kỹ lưỡng tối đa. Khi làm “Tây Sơn hào kiệt”, để hoàn tất giai đoạn hậu kỳ, cả đoàn gồm 5 người bay ra nước ngoài ở nửa tháng, không tính chi phí ăn ở, đi lại, riêng tiền lọc hình cũng mất 2 tỉ.

NSND Lý Huỳnh hiện tại

PV: “Tây Sơn hào kiệt” là bộ phim có bối cảnh hoành tráng, với hàng ngàn người tham gia, kinh phí khổng lồ, đến nay doanh thu như thế nào?

NSND Lý Huỳnh: Vốn của bộ phim này là 12 tỉ, chỉ bán vé thì làm sao hoàn đủ vốn?

PV: Thời của dòng phim mì ăn liền, ông từng rất thành công với các bộ phim doanh thu ngất ngưởng như “Lửa cháy thành Đại La”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Thanh gươm để lại”, “Sơn thần thủy quái”… tại sao lại thất bại về mặt doanh thu với “Tây Sơn hào kiệt”?

NSND Lý Huỳnh: Có nhiều nguyên nhân, ví dụ: rạp chiếu phim càng ngày càng ít, TP HCM từ 30 rạp nay còn dăm bảy rạp, ít rạp thì tiền vé ít thôi. Hơn nữa, Hãng phim Lý Huỳnh làm phim này cũng không phải để kinh doanh, chủ yếu là vì đam mê và tâm huyết. Phim làm xong, các đài truyền hình tỉnh muốn có để phát sóng thì bán giá mềm cho họ, tỉnh nào nghèo thì gửi tặng, không lấy tiền. Mặt khác, “Tây Sơn hào kiệt” tuy không thành công về doanh thu nhưng lại có những niềm vinh dự khác. Phim được UBND TP HCM tặng đến 10 bằng khen trong buổi công chiếu ra mắt với 2.000 khán giả. Hạnh phúc nhất là được chọn chiếu chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Phim cũng đạt kỷ lục là bộ phim truyện thể loại dã sử võ thuật được dàn dựng quy mô hoành tráng nhất Việt Nam. Những hạnh phúc đó với tôi lớn hơn cả tiền vốn đầu tư.

PV: Kể ra ông cũng lạ lắm nhé, khi thiên hạ đang tập trung và cũng chỉ có khái niệm làm phim chính luận, thì ông “đẻ” ra dòng phim thị trường “cháy” rạp, khi thiên hạ làm phim thị trường thì ông lại bỏ ra một đống tiền để làm phim chính luận. Là ông thích ngược đời hay đơn giản là một tính toán thức thời, kiếm đủ tiền rồi thì làm phim để… “sướng” như thiên hạ đồn thổi?

NSND Lý Huỳnh: Sự thực là để hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước, cá nhân thì có sự ngưỡng vọng vị anh hùng dân tộc áo vải cờ đào Nguyễn Huệ, lại thỏa giấc mộng làm bộ phim thật hoành tráng để đời, sau rất nhiều năm không sản xuất. Phim vừa chào mừng sự kiện lớn của đất nước, vừa nhắc nhở giới trẻ nhớ về lịch sử. Cơ bản, tôi vẫn chưa nguôi quên niềm “tự ái dân tộc” một thời trẻ tuổi của mình. Đó là làm được những bộ phim lịch sử hoành tráng chẳng kém gì phim Tàu, phim Hàn.

PV: Phim hành động là dòng phim phù hợp với thị hiếu người xem đương đại, Hãng phim Lý Huỳnh lại có sở trường trong lĩnh vực này, với những “Phi vụ Phượng Hoàng”, “Hồng Hải Tặc”… một thời vang bóng, sao ông không làm tiếp?

NSND Lý Huỳnh: Có chứ, tôi đang ấp ủ dự án làm phim về Đô đốc Bùi Thị Xuân. Sau phim này thì sẽ làm phim hành động, dạng phim điều tra án ma túy chẳng hạn…

PV: Nhưng cách làm phim bây giờ khác xưa lắm rồi…

NSND Lý Huỳnh: Tôi biết, xưa đấm là đấm thật, đâm là đâm thật, muốn quay cảnh đâm dao vào bụng thì phải quay làm ba đúp, giờ thì dùng kỹ xảo, đâm phụp cái là… xuyên thủng bụng. Xưa muốn “bay” là phải dùng lực của bản thân, giờ có đệm nhún, nhún cái là bật tung lên trời, hay hơn nhiều… Đừng tưởng Lý Huỳnh có tuổi mà không hiện đại nhé… (cười).

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thành Lê (thực hiện)

Năng lượng Mới số 135, ra thứ Sáu ngày 6/7/2012

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.