Norodom Sihanouk - người bạn lớn của nhân dân thế giới

08:24 | 24/10/2012

1,452 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Norodom Sihanouk (31/10/1922-15/10/2012), gương mặt biểu tượng của nửa sau thế kỷ XX, là một trong những quốc vương trị vì lâu nhất ở châu Á - cho đến năm 2004, khi ông truyền ngôi cho con trai vì lý do sức khỏe.

Trong hơn nửa thế kỷ trị vì, ông Sihanouk không bao giờ bỏ rơi dân tộc của mình.

“Tôi nghĩ rằng người dân Campchia đều rất buồn. Sự ra đi của cựu vương đã khép lại cả một thời kỳ lịch sử”- nguyên thư ký riêng và là người viết tiểu sử chính thức cho cựu hoàng, ông Julio Jeldres, nói với AFP. “Ông được xem như cha đẻ của nền độc lập Campuchia. Trong lịch sử Campuchia, ông là nhà chính trị duy nhất và là thành viên duy nhất của hoàng tộc chú tâm thiết lập quan hệ gắn bó gần gũi với người nông dân”- ông Jeldres nhận xét.

Ngày nay tại Campuchia, mọi người đều quen thuộc với hình ảnh vị Vua cha Sihanouk cùng Hoàng thái hậu Monique đi thăm dân hay cho xe về miền quê chở những gia đình nghèo khó lên tận Hoàng cung để ông bà thăm hỏi và phát quà, quần áo, chăn mền, gạo, tiền bạc... Đoàn xe của Quốc Vương đi về mọi miền quê, ông đến đâu là tặng quà, thăm hỏi và chỉ dạy người dân quê hiền lành chân thật. Những hình ảnh gây sự cảm động cho người dân Phnom Penh nói riêng và tất cả dân chúng Campuchia nói chung, khi người dân nghèo quỳ mọp sát đất tạ ơn ông đã nghĩ đến và cứu giúp họ qua cơn nghèo túng.

Sự ra đi vĩnh viễn của cựu Hoàng Sihanouk là tổn thất to lớn cho dân tộc và đất nước Chùa Tháp. Mặc dù biết cựu hoàng tuổi già sức yếu, nhưng tin ông đột ngột ra đi trong ngày lễ Phchum Ben (lễ Vu lan của xứ Chùa Tháp) của dân tộc cũng gây nên sự sửng sốt cho nhiều người dân Campuchia. Dân chúng tôn kính ông Sihanouk và thường gọi ông là vị Vua Cha của đất nước.

Trên trường quốc tế, nguyên Ngoại trưởng Australia Gareth Evans, người khởi xướng kế hoạch hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Campuchia hơn 20 năm trước, miêu tả Cựu vương Norodom Sihanouk là “một người ngoại hạng”. Ông Sihanouk nhiều lần đảm nhiệm chức vụ như thủ tướng trong nhiều giai đoạn khác nhau cho đến khi trở thành nguyên thủ quốc gia sau khi cha ông qua đời vào năm 1960. “Ông là người đoàn kết dân tộc, là nhân tố chính tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình vào các năm 1989-1990, đem lại kết quả cuối cùng là chấm dứt nội chiến và sự thống trị của Khơ me Đỏ. Thật sự, ông là nhân vật không thể thiếu được trong lịch sử Campuchia hiện đại”- cựu Ngoại trưởng Australia Evans nhận xét.

Ngay sau khi có thông báo về việc ông Norodom Sihanouk từ trần, Trung Quốc đã chính thức lên tiếng chia buồn. Phó chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố là Trung Quốc “mất một người bạn lớn”. Trong khi đó từ Tokyo, Chánh văn phòng Thủ tướng Osamu Fujimura nhận định Nhật Bản mất “một người bạn quan trọng”. Ông thay mặt nước Nhật và chính phủ Nhật chia buồn với Hoàng gia Campuchia.

Được tin Thái Thượng hoàng Norodom Sihanouk, cựu quốc vương Campuchia qua đời, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã gửi điện chia buồn đến lãnh đạo Campuchia.

Trong điện chia buồn, Chính phủ Việt Nam khẳng định sự ra đi của ông Sihanouk là tổn thất vô cùng to lớn đối với hoàng tộc, thượng viện, quốc hội, chính phủ và nhân dân Campuchia. “Ông Sihanouk qua đời, Việt Nam cũng mất đi một người bạn lớn đã từng gắn bó và dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu, những tình cảm hữu nghị thân thiết anh em trong sự nghiệp đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển ngày nay của mỗi nước”-điện chia buồn viết.

S. Phương