Nộp phạt vi phạm giao thông sẽ bớt "lằng nhằng"!

10:23 | 11/02/2014

6,064 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để tránh việc người dân phải đi lại nhiều lần mới có thể nộp được phạt, lấy giấy tờ bị tạm giữ, người điều khiển phương tiện vi phạm an toàn giao thông có thể nộp phạt trực tiếp cho cán bộ ra quyết định xử phạt...

Giảm phiền hà cho người dân

Bộ Công an vừa ban hành Dự thảo lần 1 Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông Đường bộ - Đường sắt để lấy ý kiến người dân. Một điểm mới của Dự thảo này là cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn giao thông được nộp phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và nhận biên lai thu tiền.

Điển hình, trường hợp vi phạm có mức phạt tiền theo quy định trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức, xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính thì sau khi yêu cầu họ chấm dứt ngay lỗi vi phạm thì người có thẩm quyền lập biên bản. Nếu hành vi rõ ràng, không cần xác minh, thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì được ra quyết định xử phạt hành chính tại chỗ.

Thay vì đến Kho bạc Nhà nước nộp phạt, người vi phạm có thể nộp trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt.

Cảnh sát giao thông chỉ được tạm giữ phương tiện trong trường hợp thật cần thiết để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra cho xã hội hoặc để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính không quá 7 ngày, có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày.

Nếu người vi phạm nộp tiền xử phạt chậm quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định sẽ bị cưỡng chế thi hành. Mỗi ngày chậm phải nộp thêm 0,05% (không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật). Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt.

Với quy định cho phép nộp phạt tại chỗ sẽ đơn giản thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người vi phạm. Việc nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước như hiện nay dễ sinh tiêu cực, xin xỏ bởi lẽ với rất nhiều vi phạm, họ không tiếc tiền mà tiếc thời gian phải đi lại nộp phạt rồi lấy giấy tờ rất lằng nhằng, nhiêu khê.

Dư luận đồng tình ủng hộ

Ngay khi Dự thảo được công bố, nhiều lái xe như mở cờ trong bụng, còn các cơ quan, ban ngành đồng tình ủng hộ. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, việc thu tiền phạt vi phạm an toàn giao thông tại chỗ là việc nên làm. Hiện nay người vi phạm phải đi 3 - 4 lần nộp phạt mới được, gây phiền hà và tốn kém cho người dân.

Hiện nay người vi phạm không được nộp phạt tại chỗ nên cảnh sát giao thông chỉ được lập biên bản, tạm giữ giấy tờ và chờ họ nộp tại Kho bạc Nhà nước rồi mới giải quyết các thủ tục liên quan. Sau khi nộp phạt 5-7 ngày, người vi phạm mới tới trụ sở cảnh sát giao thông hoặc cơ quan ra quyết định xử phạt để lấy lịch hẹn trả giấy tờ, nhiều khi tới nhưng không gặp cán bộ xử lý. Điều này tác động không nhỏ tới tâm lý của nhiều người điều khiển phương tiện nên khi bị cảnh sát yêu cầu dừng xe họ đã bỏ trốn hoặc chống đối.

Nộp phạt tại chỗ nhận được sự đồng tình của dư luận.

Còn dưới góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Dự thảo này đã tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp vận tải và người lái xe từ hàng chục năm nay. Nhiều người tham gia giao thông vi phạm những lỗi rất nhỏ nhưng phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới lấy được giấy tờ.

Theo Đại úy Tạ Ngọc Khánh - Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC67, Công an Hà Nội) cho rằng, việc cho phép người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho người ra quyết định thông qua biên lai là hợp lý. Thực tế, nhiều trường hợp vi phạm phải giữ giấy tờ, lưu xe kho bãi thì sau một thời gian, số tiền người vi phạm phải trả cho việc trông giữ xe quá lớn nên họ bỏ phương tiện luôn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt (C67, Bộ Công an) đánh giá: Việc nộp phạt tại chỗ chỉ áp dụng đối với các lỗi, hành vi đơn giản trong thẩm quyền xử phạt của cảnh sát giao thông được ra quyết định xử phạt tại chỗ. Còn các trường hợp khác thì vẫn phải ra Kho bạc Nhà nước nộp phạt như trước đây. Nếu người vi phạm không mang theo tiền thì cảnh sát giao thông vẫn tạm giữ giấy tờ rồi nộp phạt qua Kho bạc. Đối chiếu với Nghị định 171/2013, có hàng loạt vi phạm bị xử phạt dưới 400.000 đồng có thể nộp phạt tại chỗ như, không chấp hành hiệu lệnh, biển báo khi điều khiển ô tô, xe máy; chạy quá tốc độ; dừng đỗ trái quy định; đi vào đường cấm; không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách; chở quá người khi điều khiển xe máy…

Ngay khi Dự thảo lần 1 Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông Đường bộ - Đường sắt được Bộ Công an công bố rộng rãi để lấy ý kiến. Một số người dân cho rằng, cơ quan chức năng có thể sử dụng cách thức người vi phạm chuyển khoản qua ngân hàng vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước như hiện nay chúng ta vẫn thực hiện đối với hình thức thu tiền điện và tiền nước tại một số địa phương. Sau khi được chuyển khoản, Kho bạc Nhà nước sẽ phát thông báo qua cơ quan ra quyết định xử phạt. Sau đó, căn cứ theo thông báo này, cơ quan ra quyết định xử phạt sẽ gửi giấy tờ xe của người vi phạm qua đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm. 

Về giả thiết này, Đại úy Tạ Ngọc Khánh cho rằng, nếu triển khai được biện pháp nộp phạt qua hệ thống chuyển khoản ngân hàng rất tiện ích nhưng lại vướng mắc các thủ tục hành chính. Luật Xử lý hành chính quy định, khi cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt thì người vi phạm phải ký xác nhận hành vi vi phạm đó. Nếu nộp phạt qua ngân hành thì các thủ tục hành chính không có chữ ký, không có hiệu lực.

Trước đây, PC67 Hà Nội cũng đã tính toán sẽ lắp đặt tại trụ sở các Đội Cảnh sát Giao thông một cây ATM để người dân có thể nộp phạt vào Kho bạc mà không phải ra ngân hàng nhưng việc làm này rất khó. Không phải ai cũng tiếp cận được công nghệ. Người vi phạm có đủ tầng lớp và còn nhận thức kém.

Khi đặt  ra giả thiết về việc, sau khi lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ giấy tờ, phương tiện sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ về cấp quận, huyện nơi người vi phạm cư trú để ra quyết định xử phạt, tránh phải đi lại. Về vấn đề này, đại diện PC67 Hà Nội cho rằng, thủ tục hành chính quy định rõ, cơ quan nào lập biên bản tạm giữ thì cơ quan đó ra quyết định xử phạt.

Trực ý kiến cho rằng, việc nộp phạt trực tiếp cho cán bộ ra quyết định sẽ dẫn tiêu cực. Về việc này, Đại úy Khánh cho rằng, không có lý do gì phải lo ngại đến yếu tố tiêu cực khi áp dụng biện pháp này. Việc xử phạt của cán bộ, chiến sĩ được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Quá trình thu tiền theo từng mệnh giá, có biên lai của Bộ Tài chính cấp. Cán bộ xử lý trong ca tuần tra cũng có sổ nhật ký để ghi lại trường hợp nào thu tiền tại chỗ, trường hợp nào phải nộp tiền ở Kho bạc, số tiền là bao nhiêu. Khó mà phát sinh tiêu cực.

Thiên Minh