Nông sản đồng loạt rớt giá

18:41 | 24/06/2013

615 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang trong chu kỳ khủng hoảng với giá cả hầu hết các mặt hàng nông sản đều xuống thấp và khó khăn tìm đầu ra.

Đồng loạt xuống giá

Hàng loạt các mặt hàng nông sản: gạo, cao su, cà phê, điều, sản phẩm chăn nuôi… đều đang xuống giá trầm trọng gần như ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tình trạng này, báo động chu kỳ khủng hoảng của ngành nông nghiệp đang diễn ra.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ông Trương Thanh Phong cho biết: Trong 5 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu bình quân giảm 22,81 USD/tấn so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong quý 1 giá xuất khẩu giảm đến 44,52 USD/tấn so với cùng kỳ.

Giải thích về nguyên nhân giảm giá lúa gạo trong thời gian qua, VFA nhận định, do lúa gạo trong tình trạng khủng hoảng thừa nên đầu ra khó khăn. Tình trạng này buộc chúng ta phải tăng cường xuất khẩu để giảm hàng tồn kho. Giá lúa gạo xuất khẩu hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay và thời gian tới chưa có dấu hiệu sẽ tăng trở lại bởi lúa vụ Hè Thu của nước ta đang trong thời điểm thu hoạch và chúng ta tiếp tục dư thừa lớn lúa gạo, trong khi đó nông dân buộc phải bán giá rẻ ngay tại ruộng vì không có kho chứa, doanh nghiệp cũng buộc phải xuất khẩu để giải phóng kho.

Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh do cung vượt cầu

Không riêng gì lúa gạo, giá cao su thiên nhiên xuất khẩu trong thời gian qua cũng liên tục giảm, làm giảm trị giá xuất khẩu cao su của cả nước; bình quân giá cao su xuất khẩu trong tháng 1/2013 là 2.722 USD/tấn nhưng giảm còn khoảng 2.367 USD/tấn trong tháng 5. Nguyên nhân cũng được giải thích do nhu cầu tăng chậm, tồn kho lớn.

Ngoài ra, chịu tác động nặng nề nhất của khủng hoảng có thể kể đến ngành chăn nuôi. Hiện hàng ngàn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cả nước đang gặp khó khăn bởi giá cả xuống sâu kéo dài và không tìm được đầu ra. Cụ thể, đầu năm 2012, giá heo hơi khoảng 70.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giá chỉ còn 32.000 - 35.000 đồng/kg; giá thịt gà công nghiệp từ mức 30.000 đồng/kg trong năm 2012, đến nay chỉ ở mức 22.000 đồng/kg. Giá cả xuống thấp đã đành, nông dân còn khó khăn hơn bởi không tìm được đầu ra.

Có thể nói, hầu hết các sản phẩm nông sản đang xuống giá khiến nông dân điêu đứng. Họ đang trông chờ vào các giải pháp để giải cứu thị trường. Tuy nhiên, hiện chưa có giải pháp đưa ra hoặc các giải pháp đưa ra chỉ mang tính tạm thời, thiếu bền vững, chưa đi vào cuộc sống và ngành ngành nông nghiệp vẫn mãi chìm trong điệp khúc “được mùa mất giá”.

Thiếu giải pháp căn cơ

Thực tế cho thấy, mặc dù là quốc gia xuất khẩu lúa gạo luôn đứng hàng nhất, nhì thế giới nhưng bao năm qua giá lúa gạo xuất khẩu của nước ta luôn ở mức thấp so với các nước khác. Cụ thể, hiện nay chúng ta đang phải chấp nhận chịu lỗ 25 – 30 USD/tấn gạo xuất khẩu để giảm tồn kho. Giá xuất khẩu gạo của nước ta rẻ hơn từ 150 - 200 USD/tấn so với giá Thái Lan và chúng ta cũng đang phải chấp nhận xuất khẩu sang thị trường Châu Phi với giá rẻ hơn giá xuất khẩu của Ấn Độ sang thị trường này. Không riêng gì năm nay, mà nhiều năm trước chúng ta vẫn chấp nhận chịu thiệt bán với giá rẻ, mặc dù chất lượng lúa gạo của nước ta không thua kém gì các nước xuất khẩu lúa gạo khác trên thế giới.

Trước khó khăn của ngành lúa gạo hiện nay, các cơ quan chức năng đang đưa ra các giải pháp để giải cứu thị trường như tăng cường xuất khẩu, giải phóng hàng tồn kho, nhằm đẩy giá lúa gạo trong nước lên và qua đó tác động làm tăng giá xuất khẩu; Chính phủ cũng quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, thời gian từ 15/6 – 31/7 để giữ giá lúa gạo ở mức không gây lỗ cho nông dân.

Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA đây cũng chỉ là giải pháp thị trường tạm thời đã áp dụng trong nhiều năm qua và chưa thấy giải quyết được những vấn đề căn cơ trong ngành lúa gạo. Đã đến lúc ngành lúa gạo cần giải pháp tổng thể, toàn diện để phát triển ổn đinh, lâu dài như: định hướng sản xuất cho nông dân, cơ cấu lại giống cho phù hợp với thị trường nhằm tăng hiệu quả xuất khẩu, tránh sản xuất tràn lan theo phong trào, gây thiệt hại nặng.

Giá xuất khẩu cao su liên tiếp giảm từ tháng 2 đến nay

Đối với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNN nhận định: Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định cần đầu tư phát triển chuỗi sản xuất sạch, liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, hộ chăn nuôi và đơn vị phân phối để đảm bảo đầu ra và tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Trong ngành công nghiệp cao su, hiện ngành này đang nỗ lực tập trung vào việc tăng sản lượng, nâng cấp công nghệ chế biến, khai thác khả năng sản xuất các chủng loại cao su phục vụ nhu cầu cao cấp, nâng cao giá trị thương hiệu cao su Việt Nam. Tuy nhiên, các chiến lược đối với sản phẩm cao su ít rõ ràng và các cơ hội trong lĩnh vực chế biến cũng chưa được xác định rõ.

Có thể nói, nhiều nông sản Việt Nam có sản lượng thuộc hàng cao nhất trên thế giới, sản phẩm nông sản của nước ta cũng được đánh giá có tính cạnh tranh cao trên thị trường bởi chúng ta có ưu thế về điều kiện môi trường và khí hậu ưu đãi, chi phí sản xuất thấp. Tuy nhiên, giá chào bán nông sản của nước ta thường ở mức thấp hơn so với mức giá trung bình của thế giới. Các chiến lược phát triển tổng thể và chiến lược phát triển cho từng ngành cũng đã được đưa ra, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu như: hạn chế xuất khẩu thô, cải thiện sản lượng và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm... Tuy nhiên, dường như các định hướng phát triển này vẫn chậm được phát huy trên thực tế và tình trạng nông sản Việt Nam phải chấp nhận bán giá thấp vẫn đang diễn ra đối với hầu hết các mặt hàng.

Mai Phương