Nới lỏng tiền tệ trong thận trọng

15:20 | 02/01/2021

105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo nhiều chuyên gia, trong năm 2021 NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khi mà nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng khó khăn đối với doanh nghiệp chưa phải đã hết.

Tuy nhiên, mức độ nới lỏng tiền tệ trong năm 2021 sẽ có phần thận trọng hơn năm 2020 vì áp lực lạm phát và dư địa chính sách đã cạn.

Sau 3 lần NHNN cắt giảm lãi suất điều hành năm 2020, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Ảnh: Ngọc Thắng
Sau 3 lần NHNN cắt giảm lãi suất điều hành năm 2020, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay

Linh hoạt chính sách tiền tệ

Phát biểu tại buổi gặp mặt cuối năm với các định chế tài chính quốc tế, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cẩn trọng, phối hợp hiệu quả với các chính sách vĩ mô…

Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã được NHNN duy trì từ nhiều năm nay. Linh hoạt có nghĩa chính sách tiền tệ sẽ được điều chỉnh theo sát diễn biến kinh tế trong nước và thế giới. Điều đó là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện tại.

Mặc dù kinh tế trong nước được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2021, có thể đạt tăng trưởng trên 6,5% - cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra, song khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phải đã hết khi mà đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát trên bình diện toàn cầu. Trong bối cảnh đó, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.

TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng năm 2021 chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh và củng cố, gia tăng khả năng chống chịu của thị trường tiền tệ - ngân hàng với các cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực dự báo tín dụng chỉ tăng khoảng 11-12% trong năm 2021.

Dư địa nới lỏng tiền tệ không còn nhiều

Điểm đáng lưu ý trong phát biểu nói trên của tân Thống đốc NHNN là từ “cẩn trọng”, có nghĩa chính sách tiền tệ sẽ được điều hành thận trọng hơn trong năm 2021. Điều này là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều và áp lực lạm phát đang có xu hướng quay trở lại.

TS Phạm Thế Anh - Chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, dư địa để giảm lãi suất không còn nhiều, bởi các mức lãi suất điều hành của Việt Nam hiện dao động từ 2,5% (lãi suất tái chiết khấu) đến 4% (lãi suất tái cấp vốn); trong khi lạm phát bình quân cả năm 2020 dự báo sẽ ở mức 3,5%, có nghĩa chênh lệch là không nhiều.

Dư địa chính sách càng thêm hạn hẹp khi mà áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đang ngập trong tiền, cộng thêm giá xăng dầu thế giới cũng được dự báo sẽ tăng khi nguồn cung tiếp tục được giới hạn và nhu cầu phục hồi. Bên cạnh các sức ép từ bên ngoài, việc tổng cầu trong nước phục hồi cũng sẽ tạo thêm áp lực đến lạm phát. Đó là chưa kể đến lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện, dịch vụ y tế, giáo dục… Trong Báo cáo mới đây, IMF dự báo lạm phát năm 2021 của Việt Nam sẽ ở mức 4%.

Trong bối cảnh đó, nếu cố ép lãi suất huy động xuống ngang lạm phát hoặc thấp hơn lạm phát, tiền sẽ chảy qua các kênh tài sản, có nguy cơ hình thành bong bóng tài sản, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô, khiến quá trình hồi phục nền kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ gắn mắc “thao túng tiền tệ” cũng khiến NHNN cần phải cẩn trọng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, NHNN có thể sẽ hạn chế hơn việc mua vào ngoại tệ, đồng nghĩa việc bơm tiền hỗ trợ thanh khoản qua kênh này cũng sẽ bị hạn chế. Về trung và dài hạn, điều này có thể làm tăng lãi suất liên ngân hàng.

Theo enternews.vn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps