Nỗi khao khát người hùng

07:59 | 20/10/2011

571 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Truyền thông thì không có lỗi, công chúng lại càng không khi họ chú ý vào nhân vật phản diện… Họ cần những câu chuyện khác thường để vượt qua sự tẻ nhạt của đời sống tinh thần. Và họ đang khát khao về người anh hùng rất mãnh liệt.

GS Ngô Bảo Châu

Giáo sư Ngô Bảo Châu trở thành "hot” trong mắt thanh niên Việt cho dù đại bộ phận dân số không hề biết khái niệm "Bổ đề cơ bản” thực chất là cái gì! Ông Bộ trưởng Tài chính chỉ cần một lời tuyên bố "đứng về phía nhân dân chứ không phải vài doanh nghiệp” đã lập tức trở thành điểm nhấn của lẽ phải. Mấy anh thanh niên bắt cướp nhanh chóng được gọi là "hiệp sĩ”. Điều đó cho thấy cộng đồng, xã hội ngày nay đang khao khát người hùng mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Dư âm về vụ thảm sát và nỗi căm phẫn của dư luận về tên sát nhân Lê Văn Luyện gây ra tại tiệm vàng tỉnh Bắc Giang đã lắng dịu. Song danh tính của hắn vẫn đang sống và hóa thân trong các sản phẩm truyền thông xã hội, thậm chí trong những khái niệm ngôn ngữ dân gian. Hiện tượng tội phạm trở thành nhân vật truyền thông nổi bật là điều không có gì mới, song điều đáng lo ngại nhất là việc thiếu vắng những nhân vật truyền thông chính diện. Kẻ sát nhân Lê Văn Luyện trở thành niềm cảm hứng cho nhiều thanh niên trẻ để chế tác các tác phẩm văn hóa từ thơ ca, hò vè cho đến trò chơi… Hơn hết, tên sát nhân ấy trở thành nhân vật truyền thông nổi tiếng và tên tuổi của hắn được nhắc nhở ngay cả khi người ta đã quên việc hắn từng làm! Đó là điều đáng để các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục lo ngại cho con em mình trước những tác động lệch lạc của đời sống. Nhưng lỗi tại ai?

Truyền thông đang biến những tên tội phạm, những nhân vật “scandal” trở thành người nổi tiếng, trở thành nhân vật của công chúng chỉ để câu khách. Đó là sự thật. Song cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho truyền thông bởi suy cho cùng thì truyền thông chỉ là tấm gương phản chiếu muôn mặt của đời sống mà chúng ta đang tồn tại trong đó. Đó là một đời sống với các giá trị nhợt nhạt, trong khi những hành động nổi bật thường đồng hành với những đầu óc điên loạn. Dễ dàng nhận thấy những nhân vật truyền thông nổi bật trên báo chí nhiều năm qua là những kẻ ác có ngoại hình bắt mắt. Cô sinh viên trẻ đẹp Vũ Thị Kim Anh cắt cổ người tình, gã trai đầy nam tính Nguyễn Đức Nghĩa chặt đầu người yêu và Luyện sát thủ mang gương mặt sáng sủa ngây thơ…

Và đôi khi những kẻ sát nhân man rợ cũng gặp phải sự cạnh tranh yếu ớt của một vài “ngôi sao” giải trí khi những “ngôi sao” đó bỗng vụt sáng bằng những hành động bất thường. Như cô diễn viên chính Hoàng Thùy Linh trong phim “Nhật ký Vàng Anh” mang tính định hướng nhân cách cho giới trẻ thì lại xuất hiện đoạn phim quay cảnh phòng the. Như chàng cầu thủ Lê Công Vinh nổi tiếng tài năng, chất phác thì lại đổi nghĩa lấy tiền… Dẫu mỗi nhân vật có một vị trí xã hội khác nhau nhưng những ngôi sao giải trí, những tên tội phạm đều trở thành một nhân vật truyền thông nổi bật với một cách giống nhau, họ là cái cớ để dư luận lên án.

Lẽ dĩ nhiên nhân vật truyền thông không thể là những người bình dị mà ta có thể dễ dàng gặp gỡ ở bất cứ nơi đâu. Họ phải là tác giả của những hành động hay phát ngôn phi thường hoặc bất bình thường. Đó là tiêu chí bất biến của truyền thông. Do đó nhân vật của truyền thông phải là một anh hùng hoặc một tội đồ của xã hội! Tuy nhiên, ngày nay những nhân vật truyền thông phần đông là những nhân vật phản diện, trong khi anh hùng thì hiếm. Đó là lỗi của truyền thông ngày nay? Vốn là một tấm kính để phản chiếu đời sống hiện tại nên truyền thông chẳng có lỗi gì khi mà các anh hùng ngày nay đi vắng trong khi kẻ ác thì lại ở nhà!

GS Ngô Bảo Châu nhận danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú

Công bằng mà nói không phải giới truyền thông chỉ tập trung khai thác thông tin về những nhân vật phản diện trong đời sống. Đài Truyền hình quốc gia VTV có hẳn một chương trình mang tên “Người đương thời” để ngợi ca những nhân vật chính diện trong đời sống hiện nay. Song, một thực tế dễ thấy là những nhân vật trong chương trình này không đủ sức hấp dẫn với công chúng. Quá nhiều nhân vật nhợt nhạt xuất hiện trên truyền hình và cũng nhanh chóng về với quên lãng. Thậm chí những nhân vật chỉ được nhớ đến khi họ vướng vào những vụ tai tiếng, bị rơi vào vòng lao lý bằng những hành vi phản anh hùng! Như nhân vật Nguyễn Đình Chiến trong “Người đương thời” tháng 5/2009, được chương trình ngợi ca như một “doanh nhân tiêu biểu” thì bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Truyền thông không có lỗi khi không có những nhân vật anh hùng bởi truyền thông không thể cứ mãi bịa ra một nhân vật như cô Lượm trong chương trình “Người xây tổ ấm” của VTV1 vừa qua hay tỉ phú Bìm trên Báo Tuổi trẻ thập niên 90. Vậy lỗi tại ai?

Truyền thông thì không có lỗi, công chúng lại càng không khi họ chú ý vào nhân vật phản diện… Họ cần những câu chuyện khác thường để vượt qua sự tẻ nhạt của đời sống tinh thần. Và họ đang khát khao về người anh hùng rất mãnh liệt. Từ nhu cầu người hùng ấy nên Giáo sư Ngô Bảo Châu đã trở thành một người hùng trong mắt thanh niên Việt cho dù quá nửa dân số không hề biết khái niệm “Bổ đề cơ bản” thực chất là cái gì?! Nhu cầu ấy cũng khiến cho ông Bộ trưởng Tài chính chỉ cần một lời tuyên bố: “Đứng về phía nhân dân chứ không phải vài doanh nghiệp” đã lập tức trở thành những điểm nhấn của lẽ phải! Hay nhu cầu ấy cũng khiến mấy “hiệp sĩ đường phố” tuần tra bắt cướp rồi thỉnh thoảng phải nhập viện vì mấy tên trộm vặt cũng nhanh chóng được cộng đồng tôn vinh.

Nỗi khát khao người hùng của người dân là điều có thật và khi những anh hùng đi vắng thì nỗi khát khao ấy lại đáng thương hơn bao giờ hết. Và niềm khao khát ấy cần được thỏa mãn bởi những nhân vật như ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng với hành động “trảm” tại chỗ một cán bộ điều hành Dự án Nhà ga Hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng trong lúc ông đi khảo sát vừa qua là một thí dụ. Vì sao nhiều nhân vật truyền thông ngày nay lại là những nhân vật phản diện?! Thay vì trách giới truyền thông thiếu trách nhiệm, thay vì trách thị hiếu thấp của người đọc, người xem thì các nhà đạo đức, các nhà giáo dục nên tìm câu trả lời rằng vì sao ngày nay anh hùng lại đi vắng như thế?!

Lê Trúc