Nơi hội tụ và lan tỏa tri thức

13:26 | 18/01/2022

284 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Kể từ khi thành lập vào năm 2010, Văn phòng Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu tại 162 Trấn Vũ, P. Trúc Bạch, Hà Nội đã trở thành nơi hội tụ các nhà Khoa học, quân sự; giới văn nghệ sĩ, báo chí; các nhà văn, nhà báo, các cộng tác viên tới Văn phòng gặp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, không chỉ để học hỏi kinh nghiệm sống, làm việc, để biết những thông tin mới nhất về khoa học quân sự, môi trường, mà còn để áp dụng và triển khai những dự án, công việc của mình có liên quan tới những đề tài mà tướng Hiệu chia sẻ.

Là một nhà văn, được vinh dự biết tướng Hiệu trong 10 năm qua, tôi cũng là một trong số những người thường xuyên tới Văn phòng Viện sĩ của ông. Và khi chạm đến thực tế rằng có nhiều giới từng tới đây và hưởng lợi từ những điều tướng Hiệu chia sẻ, thì tôi rất ngạc nhiên, khi tướng Hiệu bày tỏ rằng, ông thực sự muốn tri ân họ. Lý do mà tướng Hiệu muốn nói lời tri ân những nhà văn, nhà báo, các cộng tác viên thường xuyên của Văn phòng, là vì cùng với ông, họ đã triển khai những công việc, dự án sách khiến tri thức, kinh nghiệm quý báu về khoa học quân sự, văn hóa truyền thống, an ninh môi trường được lan tỏa sâu rộng trong xã hội ta, và có ảnh hưởng ra nhiều quốc gia khác.

Tướng Hiệu cùng các nhà văn, nhà báo, cộng tác viên tại văn phòng Viện sỹ
Tướng Hiệu cùng các nhà văn, nhà báo, cộng tác viên tại văn phòng Viện sỹ

Những nhà văn, nhà báo và cộng tác viên ấy đã đồng hành cùng tướng Hiệu trong suốt chặng đường hơn 10 năm qua, cùng hành động để lan tỏa tư tưởng của tướng Hiệu về triết lý sống, khoa học quân sự, an ninh môi trường. Những điều đó giúp ích cho cộng đồng, con người Việt Nam tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình, trau dồi và phát triển bản thân không ngừng, đóng góp cho cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp, để xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc mà cha ông đã xây đắp, cống hiến.

Dù có rất nhiều người đồng hành trong chặng đường từ 2010 đến nay, nhưng tướng Hiệu muốn tri ân đặc biệt tới ba nhóm:

- Nhóm nhà văn gồm có: Nhà văn Lê Hải Triều, nhà văn Lê Hoài Nam, nhà văn Kiều Bích Hậu, nhà văn Khánh Phương... Các nhà văn này đều đã thực hiện những cuốn sách với nguồn tài liệu quý từ chính cuộc đời chiến đấu, nghiên cứu khoa học và hành động vì an ninh môi trường của tướng Hiệu. Nhà văn Lê Hải Triều tập trung viết sách về giai đoạn chiến đấu lừng lẫy trong chiến trường những năm 60-70 của tướng Hiệu. Còn nhà văn Lê Hoài Nam thì đặc biệt khai thác về nguồn cội, với truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương đã xây đắp lên con người, nhân cách vị tướng tài ba. Cuốn tiểu thuyết “Bến sông tuổi thơ” của nhà văn Lê Hoài Nam viết, lấy tư liệu từ cuộc đời của tướng Hiệu, đã nhấn mạnh đến truyền thống gia đình của ông, chính là tiếp nối truyền thống văn hóa của nền văn minh sông Hồng, và tinh hoa đó đã tụ lại nơi con người ông. Cuốn sách “Bến sông tuổi thơ” ngay khi xuất bản đã được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận, rất thành công và được tái bản, bởi sức sống mãnh liệt của nền văn hóa cha ông được nhà văn tập trung khai thác sâu sắc và phân tích tỉ mỉ. Nhà văn Lê Hoài Nam đã biết tướng Hiệu từ lâu, do họ cùng quê với nhau, nhưng mãi đến năm 1983 ông mới trực tiếp gặp tướng Hiệu ở Trạm 66. Và kể từ đó, nhà văn Lê Hoài Nam đã đồng hành chặt chẽ, khăng khít với tướng Hiệu. Nhà văn sinh ra ở vùng đồng bằng Bắc bộ, dày thực tiễn và trải nghiệm văn hóa con người vùng quê Nam Định nên sách ông viết về tướng Hiệu rất sinh động, tải được trọn vẹn đặc trưng văn hóa, miêu tả sắc sảo nhân cách vị tướng cùng quê.

- Nhóm nhà báo gồm có: Nhà báo Nguyễn Hường, nhà báo Lục Hường, nhà báo Dương Thiên Lý, nhà báo Lê Trung Đạo… Các nhà báo này đồng hành với ông hơn thập kỷ qua, viết nhiều bài báo, thực hiện nhiều phóng sự đa dạng, với góc nhìn đa chiều và ấn tượng, mang đến cho người đọc báo và người xem truyền hình những cảm nhận mạnh mẽ và sâu sắc về những cống hiến cho đất nước, về phong cách sống và ý tưởng sáng tạo của tướng Hiệu. Trong số đó, nổi bật có nhà báo Lục Hường, với phong cách làm việc tốc độ, cái nhìn sắc sảo, cô đã nhanh chóng thấy được nét nổi bật trong các hoạt động của vị tướng và thực hiện thành công cuốn sách ghi chép báo chí với tiêu đề “Vị tướng với an ninh môi trường”. Khi tiếp cận đề tài này, Lục Hường đã cho độc giả thấy được tâm sức của vị tướng suốt đời suy ngẫm về bảo vệ môi trường sống, nghiên cứu khoa học giải quyết những vấn đề môi trường và an ninh môi trường, lan tỏa được ý thức sống lành mạnh, hài hòa với muôn loài của vị tướng thông thái.

Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ NGUYỄN HUY HIỆU tiếp đoàn Khoa học Hàn Quốc 2
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ NGUYỄN HUY HIỆU tiếp đoàn Khoa học Hàn Quốc 2

- Nhóm cộng tác viên gồm có: Nguyễn Thị Thanh Hường, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Nam Chuân (để viết bài), Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Huy Phụ, Trịnh Minh Sơn, Tiến sỹ Vũ Mạnh Cường, Lê Minh Tân, Phạm Xuân Khoa, Tiến sỹ Phạm Văn Sơn, Trần Đức Hợp,… Họ là những sỹ quan quân đội, những người làm truyền thông, chuyên gia môi trường, lãnh đạo doanh nghiệp,… Trong số đó, chị Nguyễn Thị Thanh Hường là người đã có công lưu trữ gần như trọn vẹn tư liệu về cuộc đời, những cống hiến của tướng Hiệu. Chị thường xuyên sưu tập, và kịp thời cung cấp cho công chúng những hoạt động mới mẻ của vị tướng, những phát ngôn hoặc ý kiến của ông, những ứng xử của ông trước mọi hiện tượng quan trọng xảy ra trong cuộc sống đương đại, giúp lan tỏa tư tưởng của vị tướng, và truyền động lực cho mọi người sống tích cực hơn, chung tay giải quyết vấn đề xã hội. Ngoài chị Thanh Hường, thì chuyên gia môi trường Phạm Văn Sơn cũng là một người đồng hành đặc biệt trong số các cộng tác viên đến với tướng Hiệu. Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên giải quyết vấn đề về môi trường, anh Phạm Văn Sơn khi đồng hành với tướng Hiệu, đã chắt lọc phương châm 4 tại chỗ nổi tiếng của tướng Hiệu, nghiên cứu kỹ để am hiểu sâu sắc, sau đó khai thác và ứng dụng thành công vào chiến lược tuyên truyền định hướng công chúng về phương pháp hiện đại xử lý sự cố môi trường, truyền tải thông điệp và sử dụng trong thực tiễn các dự án giải quyết vấn đề môi trường trong hiện tại và tương lai. Không những triển khai các dự án của "Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS)" ở trong nước, việc áp dụng phương châm 4 tại chỗ trong giải quyết vấn đề môi trường còn được chuyên gia Phạm Văn Sơn chia sẻ với đồng nghiệp ở các quốc gia khác, đặc biệt là Nga.

Với nơi tụ hội là Văn phòng Viện sỹ, tướng Hiệu chính là linh hồn của nơi đây, khi xung quanh ông luôn có những người đồng hành, gắn bó dài lâu, tập hợp và chia sẻ thông tin hoạt động trong những lĩnh vực chính kể trên, để hỗ trợ nhau cùng phát triển và lan tỏa những thông điệp quý báu.

Kiều Bích Hậu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps