Nợ công đe dọa các nước phát triển rơi vào vòng xoáy suy thoái

17:35 | 15/12/2011

445 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của hơn 250 nhà kinh tế do hãng Reuters tiến hành trong tuần qua, cuộc khủng hoảng nợ quốc gia vốn làm chao đảo khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) vẫn đang đe dọa tới các nền kinh tế phát triển khác, đẩy Anh và Nhật Bản ngấp nghé bờ suy thoái, trong khi Mỹ được đánh giá là đã khởi sắc đôi chút.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng euro là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh các chính sách nới lỏng tiền tệ không thể kích thích đủ tăng trưởng kinh tế, cuộc thăm dò của hãng Reuters được coi là nền tảng để đưa ra dự báo năm 2012 đối với khu vực đồng euro, Anh và Nhật Bản. Các nền kinh tế từng một thời phát triển bùng nổ tại châu Á cũng cảm thấy tác động của sự suy giảm này.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một biện pháp lịch sử đối với khu vực đồng euro. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại cho rằng biện pháp này sẽ vẫn chưa đủ để tháo gỡ cuộc khủng hoảng nợ đang làm suy sụp cả khối. Jean-Louis Mourier, nhà kinh tế tại Công ty đầu tư Aurel BGC, cho hay: “Biện pháp mang tính quyết định đối với liên minh tiền tệ này có thể góp phần làm xoa dịu nỗi lo thị trường, dù không thể làm dịu nhanh được”.

Theo cuộc thăm dò mới nhất trên, khu vực đồng euro gồm 17 nước sẽ suy thoái kéo dài cho tới tháng 4/2012 và không đạt mức tăng trưởng nào trong năm 2012. Tăng trưởng năm 2012 của Anh dự kiến giảm xuống chỉ còn 0,6% so với dự đoán 1% đưa ra hồi tháng 11. Thậm chí các nhà phân tích còn cho rằng Anh sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới. Đối với Nhật Bản, các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế nước này sẽ suy giảm trong năm tài chính 2011 (tính đến tháng 3/2012) bởi đồng yen không ngừng tăng giá và sự gián đoạn nguồn cung do trận động đất tàn phá hồi đầu năm nay.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới có thể đã khởi sắc trong vài tháng qua và sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2012 – nguyên nhân khiến Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể không cần gói kích thích thêm nữa. Dự đoán, kinh tế Mỹ sẽ đạt tăng trưởng ở mức trung bình là 2,1% năm 2012, không thay đổi so với cuộc thăm dò hồi tháng 11. Hơn một nửa số nhà kinh tế được hỏi cho biết FED có thể không tiến hành chương trình nới lỏng định lượng lần ba, gọi là “QE3” vào năm tới. Scott Brown, nhà kinh tế trưởng của công ty Raymond James, nói: “Kinh tế Mỹ sẽ hồi phục dần dần, có chút khởi sắc, nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp cho những thiệt hại trên thị trường lao động”. Tỷ lệ thất nghiệp của tháng 11 bất ngờ giảm xuống còn 8,6%, cùng với mức chi tiêu tiêu dùng tương đối mạnh đã giúp nâng mức dự báo tăng trưởng quý IV năm nay. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ giảm mạnh xuống còn 1,8% vào quý 1/2012, tạo thuận lợi cho Tổng thống Barack Obama trong năm bầu cử.

Tại hội nghị hoạch định chính sách hàng năm, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt cam kết nhằm ổn định kinh tế, đề ra kế hoạch năm 2012 cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Bắc Kinh đã cam kết duy trì chính sách tiền tệ “thận trọng”, chính sách tài chính “kích thích tăng trưởng” và giá tiêu dùng ổn định, trước triển vọng kinh tế toàn cầu “rất u ám” trong năm 2012.

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và đổ hàng nghìn tỷ USD vào cung ứng tiền tệ trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho là sẽ tiếp tục hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục là 0,75% vào đầu năm tới. Trong khi đó, Ngân hàng Anh, từng giảm lãi suất xuống còn 0,5%, được dự đoán sẽ tăng cường chương trình mua tài sản của mình vào năm tới thêm khoảng 75 tỷ bảng Anh.

Các nhà phân tích dự đoán Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất cho đến cuối năm tài chính này và có khả năng tiến hành các biện pháp nới lỏng hơn nữa. BOJ cho biết đã sẵn sàng đề ra gói kích thích thêm trong trường hợp tốc độ phục hồi kinh tế ở mức vừa phải bị đe dọa. Yoshiki Shinke, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life, nhận định: “Có khả năng BOJ sẽ nới lỏng chính sách trong ba tháng đầu năm 2012 nếu giá cổ phiếu giảm và đồng yen tăng giá hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm”. Trong trường hợp này, ông cho rằng BOJ sẽ hoàn thành chương trình mua tài sản của mình hoặc sẽ thay đổi đề mục mua trong chương trình này.

Vân Chi

Vân Chi