Những thảm họa tàu ngầm (Bài 3)

07:00 | 28/08/2013

1,452 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể từ khi chiếc tàu ngầm đầu tiên hạ thủy năm 1774 cho đến nay, ít nhất 2.000 chiếc đã mất tích. Trong Thế chiến thứ II, chỉ riêng Đức đã mất 787 tàu ngầm, chưa kể số tàu ngầm rơi vào tay đối phương. Ở thời chiến, tàu ngầm là một trong những mục tiêu thường bị công kích nhất và vào thời bình, việc thám hiểm đại dương bằng tàu ngầm cũng gặp nhiều hiểm nguy bởi vô vàn nguyên nhân...

>> Những thảm họa tàu ngầm (Bài 2)

>> Những thảm họa tàu ngầm (Bài 1)

Bài 3: Những bí ẩn dai dẳng của lịch sử

Tại sao và như thế nào?

Năm 1968 là giai đoạn có nhiều tàu ngầm mất tích nhất. Ngày 25/1/1968, một tàu ngầm Israel bỗng mất tích trong lòng Địa Trung Hải cùng với thủy thủ đoàn 69 người. Hai ngày sau, cũng ở Địa Trung Hải, một tàu ngầm Pháp đột nhiên biến mất cùng thủy thủ đoàn 52 người. Cho đến nay vẫn không tìm thấy chút dấu vết nào của hai chiếc tàu ngầm trên. Đến tháng 5, USS Scorpion - chiếc tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân chở 69 người - cũng bỗng dưng biến mất. Trên đường từ Địa Trung Hải trở về căn cứ hải quân Norfolk ở Virginia, Scorpion liên lạc với căn cứ lần cuối cùng vào lúc 8 giờ sáng 21/5/1968.

Ngày 7/4/1989, tàu ngầm hạt nhân Liên Xô Komsomolets chìm tại lòng biển Na Uy, làm chết 42 người trong số 69 thủy thủ đoàn; nguyên nhân do chập điện

Lúc đó, Scorpion cách Tây Azores khoảng 250 dặm và mọi chuyện dường như bình thường. 5 tháng sau, người ta tìm thấy Scorpion nằm ở độ sâu hơn 3.000m, cách Tây Nam Azores 460 dặm. Toàn bộ con tàu còn nguyên vẹn. Không ai có thể giải thích tại sao Scorpion bị chìm và nguyên do nào khiến tàu chìm cách xa bờ đến vậy. Nhiều người cho rằng Scorpion bị chìm bởi ảnh hưởng của tam giác quỷ Bermuda. Khi không có câu trả lời nào thỏa đáng, lời giải thích này xem ra có thể tạm chấp nhận, bởi vùng biển Sargasso (nơi tàu Scorpion đắm) nằm sát mí với tam giác Bermuda. Tuy nhiên, người ta cũng thắc mắc rằng, làm thế nào Hải quân Mỹ có thể tìm ra Scorpion, trong khi chiếc tàu ngầm này đi chệch hướng và chìm ở một nơi nào sâu thẳm đến thế? Những viên chức cao cấp trong Hải quân Mỹ không đưa ra bất kỳ lời giải đáp hay tường trình chi tiết nào. Vụ Scorpion là một trong những bí mật mà Hải quân Mỹ giữ kín, trong rất nhiều bí mật khác liên quan đến tàu ngầm. Tàu USS Thresher là ví dụ điển hình...

Ngay khi được hạ thủy, Thresher bộc lộ nhiều điểm yếu. Trong năm hoạt động đầu tiên, hệ thống điều hòa nhiệt độ trong tàu đã trục trặc, khiến nhiệt độ ở mức rất cao. Hệ thống quạt đẩy nước cũng không được đấu nối dây điện đúng sơ đồ, vì thế, nếu chẳng may tàu bị thủng thì sinh mạng thủy thủ đoàn coi như cầm chắc cái chết. Do vậy, sau một năm hoạt động, tàu ngầm Thresher được đưa về xưởng hải quân để sửa chữa lại. Phải mất 100.000 giờ công Thresher mới được sửa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khi chuẩn bị mang ra sử dụng lần thứ hai, người ta mới phát hiện con tàu này vẫn còn nhiều vấn đề chưa được chỉnh tu đúng mức. Hệ thống van hút nước không đóng lại được. Công việc sửa chữa lại tiến hành...

Thresher rời căn cứ hải quân Portsmouth vào ngày 9/4/1963, cùng với tàu cứu hộ Skylark. Nhiệm vụ chính của chuyến đi này là thực hiện cuộc thử nghiệm sâu trong lòng đại dương cách Boston 220 dặm, ở vịnh Maine. Lúc 7 giờ 47 phút, Thresher bắt đầu lặn xuống đáy biển. Mọi hoạt động đều liên lạc trực tiếp và thường xuyên với tàu cứu hộ Skylark. Không lâu sau, thuyền trưởng tàu Skylark bắt đầu hoang mang vì tín hiệu truyền lên từ Thresher bị nhiễu, nghe dường như vọng về từ một nơi nào đó rất xa. Khi Thresher lặn xuống độ sâu gần 120m, tàu Skylark nhận được thông điệp cuối cùng: “...gặp phải một góc đứng. Đang cố gắng...”. Ngay sau đó, Thuyền trưởng Skylark nghe tiếng gì đó hình như Thresher đang xả khí nén để trồi lên... Vài phút chờ đợi trôi qua, chẳng có chuyện gì xảy ra. Không ai có thể giải thích được sự cố gì đã xuất hiện bên trong tàu Thresher. Tình thế lúc đó hẳn là rất nguy ngập, nhưng mà chuyện gì? Chỉ nghe một tiếng nổ đục, rồi chiếc tàu ngầm Thresher nổ tung!

Chính phủ Mỹ tung ra cuộc điều tra quy mô, không những để tìm hiểu nguyên nhân gây nên thảm họa mà còn nhằm lấy lại khối hạt nhân vì e rằng chuyện rò rỉ phóng xạ có nguy cơ xảy ra. Mọi trang thiết bị hiện đại nhất được đưa ra sử dụng. Các mảnh vỡ của nó nằm ở độ sâu hơn 2.500m. Chi tiết các khám phá về chiếc tàu ngầm tuyệt mật này chưa bao giờ được phép công bố và mãi nhiều năm sau người ta mới biết đôi chút về số phận của Thresher. Chiếc tàu ngầm này bị nổ dưới sức ép 3.700 pound/inch vuông và vỡ ra thành hàng ngàn mảnh nhỏ bao phủ cả một vùng rộng lớn. Thậm chí, nó còn tạo ra một lỗ hổng rất to dưới đáy biển. Thi thể của toàn bộ thủy thủ đoàn 129 người hoàn toàn không được tìm thấy (hay có thể không được phép nói đến). Sự cố Thresher là một trong những bí mật lớn nhất của Hải quân Mỹ...

Một vụ trục vớt kỳ lạ

Vào thời kỳ Chiến tranh lạnh, mọi hoạt động của các tàu ngầm Liên Xô tại căn cứ Vladivostock đều bị Mỹ giám sát, từ căn cứ Hawaii. Ngược lại, nhất cử nhất động của tàu ngầm Mỹ cũng bị Liên Xô theo dõi chặt chẽ. Hôm đó, một ngày trong năm 1968, tình báo Hải quân Mỹ báo cáo rằng có một chiếc tàu ngầm Liên Xô vừa rời căn cứ. Con tàu này bị theo dõi kỹ. Bỗng dưng, tiếng động cơ ngưng và một tiếng nổ lớn vang lên. Chiếc tàu ngầm Liên Xô đã chìm ở nơi nào đó thuộc trung tâm Thái Bình Dương. Hải quân Liên Xô tung các nhóm điều tra nhưng không thu lượm được kết quả gì. Tuy nhiên, phía Mỹ lại rất quan tâm. Lẽ đơn giản là chiếc tàu ngầm Liên Xô này có mang ba đầu đạn tên lửa hạt nhân mà nếu thu hồi được thì Mỹ sẽ biết được ít nhiều về bí mật trong công nghệ vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Vì thế, Nhà Trắng ra lệnh cho CIA phải bằng mọi giá thực hiện cuộc khảo sát con tàu ngầm trên.

USS Thresher vào ngày hạ thủy

Năm 1969, CIA tung ra chiến dịch “Jennifer” nhằm trục vớt chiếc tàu ngầm Liên Xô. Công việc này được giao cho nhà tỉ phú Howard Hughes với giá 350 triệu USD. Hughes đồng ý và bí mật cho làm hai tàu cứu hộ, vờ nói đó là tàu nghiên cứu khoáng sản trong lòng đại dương. Mãi đến giữa năm 1974, kế hoạch hành động của Hughes vẫn chưa được tiến hành. Trước thúc ép quyết liệt của Chính phủ Mỹ, cuối cùng, Hughes tổ chức điều tra con tàu ngầm trên. Họ tìm thấy nó ở độ sâu hơn 4.800m. Lần nữa, mọi chi tiết về vụ trục vớt này hoàn toàn nằm kín trong văn phòng ban lãnh đạo cấp cao Hải quân Mỹ. Nghe đâu, người ta có mang lên 70 thi thể thủy thủ đoàn Liên Xô. Ít lâu sau, vài phóng viên Mỹ tiết lộ thêm rằng không hiểu sao tuy nổ nhưng chiếc tàu ngầm vẫn còn nguyên và vẫn được CIA cất giấu đâu đó (?)…

Cũng trong năm 1968, một tàu ngầm Liên Xô đã bị chìm ở Bắc Cực. Ít lâu sau, lực lượng cứu hộ Liên Xô tìm thấy chiếc tàu này. Thật lạ lùng, toàn bộ thủy thủ đoàn vẫn còn sống, có lẽ nhờ lượng lương thực dự trữ khá lớn... Tháng 4/1973, một tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô bị chìm cách Lands End (Cornwall, Anh) 70 dặm, toàn bộ 88 thủy thủ đoàn đều chết, nguyên nhân chìm tàu không rõ. Một trong những sự cố tàu ngầm Liên Xô gây chú ý nhất là tàu K-19. Năm 1961, khi K-19 đang ở biển Na Uy, một lò phản ứng bị hỏng nhưng các thanh năng lượng vẫn cháy, hất ra sức nóng 1.000oC.

Báo Nga Soviet Soldier trong bài viết năm 1991 kể lại rằng, lúc đó có 9 thủy thủ tình nguyện vào khoang lò phản ứng đầy chất phóng xạ, ở đó suốt hai tiếng để khắc phục sự cố, đến độ bị nhiễm mức phóng xạ gấp 100 lần bình thường. Cuối cùng, Ivan Kulakov, 22 tuổi, đã lao vào, hoàn tất việc chữa hệ thống làm lạnh, làm giảm nhiệt độ và cứu được con tàu. 9 người vào trước Kulakov đã chết vài tuần sau đó và Kulakov cũng bị tàn tật vĩnh viễn. Con tàu kém may mắn này hồi năm 1969 còn va phải một tàu ngầm Mỹ và năm 1972, một hỏa hoạn lại xảy ra, làm thiệt mạng 26 người.

Trong lịch sử hơn 200 năm của tàu ngầm, không chỉ có vụ Komsomolets, K-19 hoặc Kursk K-141 mà còn nhiều vụ khác. Một trong những chiếc tàu ngầm đầu tiên - Hunley (đặt theo tên người chế tạo Horace Lawson Hunley thời Nội chiến Mỹ) - từng bị đánh chìm trong cuộc chiến Nam - Bắc Mỹ. Tháng 5/1939, tàu ngầm Mỹ Squalus suýt trở thành nấm mồ chìm ngoài khơi Boston do hệ thống van bị hỏng khiến nước tràn vào, làm mất điện và hệ thống liên lạc. Phải mất 23 giờ sau, nhóm cứu hộ mới đến, cứu được 33 nạn nhân còn lại... Nhìn chung, phía Nga bị thiệt hại nhiều hơn Mỹ. Có thể điểm lại một số vụ trong thập niên 90: Ngày 26/1/1998, một sự cố xảy ra trên một tàu ngầm hạt nhân Nga neo tại Listafjord, làm thoát ra luồng khói độc khiến 1 thủy thủ bị chết và bị thương 4 người khác.

Ngày 17/10/1996, một tàu ngầm Nga đang tuần hành tại Thái Bình Dương buộc phải nổi lên khẩn cấp bởi một chân vịt bị gãy. Tháng 9/1995, nguồn điện cung cấp cho các tàu ngầm hạt nhân tại Bắc Nga bị hỏng và biện pháp khẩn cấp được tung ra để lò phản ứng không bị nóng. Ngày 23/3/1994, hai tàu ngầm Nga trong một cuộc tập trận đã bắn vào nhau tại biển Barents (không ai thiệt mạng). Mùa hè 1993, sự cố trên một tàu hạt nhân Nga thế hệ Delta-3 đã làm thiệt mạng 21 người và bị thương 2 người…

Mạnh Kim