Những thảm họa tàu ngầm (Bài 2)

12:04 | 24/08/2013

1,930 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kursk là một trong những thành phố cổ nhất của Nga (được nhắc lần đầu trong các tài liệu từ năm 1032), cách Moskva 450km về phía tây nam. Thành phố này từng là bãi chiến trường xe tăng lớn nhất lịch sử quân sự và điểm ngoặt trong Thế chiến thứ II. Từ ngày 4 đến 13/7/1943, trên những cánh đồng mênh mông của Kursk, 3.000 xe tăng Đức Quốc xã đã bị 4.000 xe tăng Liên Xô đánh bại thảm hại, gây thiệt hại tổng cộng 50.000 người cho phía Đức và 250.000 người phía Liên Xô. Chỉ nội ngày 12/7/1943, tại làng Prokhorovka ở Kursk, khoảng 350 xe tăng Đức đã trở thành sắt vụn. Kursk, một lần nữa được người ta nhắc đến, nhưng lần này là bởi một sự cố làm chấn động nước Nga…

>> Những thảm họa tàu ngầm (Bài 1)

Bài 2: Thảm họa Kursk

Tại sao tàu Kursk bị chìm?

Hai tiếng nổ dữ dội ngày 12/8/2000, nơi tàu Kursk (“Kypck” theo tiếng Nga, đặt theo địa danh nói trên) bị chìm, đã được nhiều trung tâm địa chấn đo được. Tiếng nổ thứ nhất tương đương 100kg TNT và tiếng thứ hai tương đương gần hai tấn TNT xảy ra 2 phút 15 giây, sau đó đã gây cơn địa chấn 3,5 độ richter - theo Frode Ringdal, Giám đốc Trung tâm địa chấn Na Uy. Các trạm địa chấn tại Đức và Alaska cũng ghi được chấn động tương tự.

Băng ghi hình của Hải quân Nga xác nhận phần đầu của chiếc Kursk đã bị hỏng nặng, tháp điều khiển gãy và mạn trái mẻ thành mảnh vụn, khi con tàu đang nằm bất động trong cái lạnh chết người ở độ sâu 108m trong lòng biển Barents và từ chối tất cả nỗ lực cứu hộ của Hải quân Nga suốt nhiều ngày.

Bài tường thuật đầu tiên của Đài Truyền hình nhà nước RTR cho biết, Hải quân Nga đã ghi hình video cho thấy, có một “lỗ thủng kinh khủng” ở mạn phải trên chiếc Kursk và một trong ba cửa chắn ở lườn tàu cũng bị hỏng. Đầu tàu cắm xuống lòng biển, ở góc hơn 25o và muốn cứu thủy thủ đoàn thì chỉ có cách tiếp cận cửa chắn phần đuôi. Thông tín viên Arkady Mamontov của Đài Truyền hình RTR - người duy nhất được phép tường thuật tại chỗ cứu nạn cho biết, có những phao cứu sinh gần tàu đắm Kursk nhưng cũng nói thêm đó không hẳn là phao của Hải quân Nga.

Chiếc tàu ngầm định mệnh Kursk...

Điều gì gây ra thảm họa cho Kursk K-141, đang nằm trong lòng Barents cách căn cứ hạm đội ở Severomorsk 137km? Có một giả thuyết do Tổ chức môi trường Na Uy Bellona đưa ra: các khoang áp suất trong Kursk bị nổ. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích quốc phòng Nga Pavel Felgenhauer cho rằng tàu Kursk có 10 khoang riêng biệt không thấm nước, được thiết kế để tàu có thể nổi, thậm chí khi bị ngư lôi đánh trúng. Do đó, nguyên nhân thật sự có thể kinh khủng hơn nhiều.

Sáng 18/8/2000, nhật báo quân sự chính thức của Nga Red Star cho rằng, hệ thống sử dụng kỹ thuật nhiên liệu lỏng dùng phóng ngư lôi trên Kursk có thể là nguyên nhân gây vụ nổ. Cùng ngày, báo Nga Sevodnya trích từ một nguồn tin chưa kiểm chứng, kể rằng các tàu Nga đã phát hiện một tàu ngầm nước ngoài nằm ẩn mình tại vùng xảy ra sự cố không lâu sau khi Kursk lâm nạn. Sevodnya cũng nói rằng, tình báo Nga đã bắt được tín hiệu từ một tàu ngầm Mỹ xin phép khẩn được thâm nhập vào vùng biển Na Uy.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Hạm đội biển Bắc Navrotsky nói rằng không có xác nhận chính thức nào về thông tin đăng trên Sevodnya. Phía Mỹ tiếp tục khẳng định không có bất cứ tàu ngầm Mỹ nào trong khu vực và còn nói thêm lúc đó có ba tàu Na Uy đang quan sát hoạt động của Kursk (?).

Đến 19/8/2000, Đô đốc Chỉ huy trưởng Hạm đội biển Bắc Vyacheslav Popov xác nhận rằng, con tàu bị rách toạc là do một tiếng nổ trên tàu. Trên Đài Truyền hình Quốc gia phát trực tiếp hôm 19/8, Phó đô đốc Hải quân Hạm đội Biển Bắc Mikhail Motsak nói rằng, tất cả thủy thủ ở phần đầu tàu hẳn đã bị chết chỉ vài phút sau vụ nổ (suốt ngày hôm đó, Đài RTR đã phát đi phát lại bản tin trên cùng đăng hình 118 nạn nhân - 86 sĩ quan, trong đó Thuyền trưởng Gennadi Lyachin cùng 31 thủy thủ và một dân sự). Motsak cũng kể thêm những người sống sót còn lại đã phát tín hiệu SOS từ phần đuôi ngay sau khi sự cố, thông báo rằng thân tàu đã thủng và nước đang tràn.

Thậm chí, dường như có một thủy thủ đã cố thoát khỏi tàu, khiến nước càng tràn vào nhanh và giết chết những người còn lại. Dù thế nào, giả thuyết tàu Kursk chạm mìn cũng không thể bỏ qua. Phó đô đốc Mikhail Motsak cho biết, từ năm 1992 đến 1999, người ta đã phát hiện 6 quả ngư lôi (còn sót từ thời Thế chiến thứ II) tại biển Barents. Phần báo chí phương Tây, hầu hết đều phỏng đoán nguyên nhân gây nổ là do một quả thủy lôi phóng thử nghiệm từ tàu.

Tính đến ngày 19/8, hàng chục đợt lặn cứu hộ do Hải quân Nga đã được thực hiện nhưng không thể đến cửa chắn vì dòng chảy quá mạnh. Tờ Komsomolskaya Pravda đã đăng danh sách 118 thủy thủ đoàn Kursk. Nếu không bị giết chết bởi vụ nổ thì tình cảnh 118 thủy thủ Kursk cũng rất bi thảm. Lượng ôxy dự trữ có lẽ không còn, trong khi cái lạnh làm tăng nguy cơ đe dọa tính mạng họ. Khi ôxy cạn, họ sẽ bị chóng mặt, nôn mửa, co thắt cơ… Khi bị lạnh, cơ thể tăng cường trao đổi chất (qua biểu hiện run bần bật) và năng lượng cơ thể càng bị đốt nhanh (người ta gọi hiện tượng này là hypothermia). Nhịp tim chậm dần, não bộ hoạt động lờ đờ, mắt mờ và ý thức mỗi lúc mỗi kém.

Trong lòng biển, nitrogen sẽ hình thành trong các mô cơ thể, tạo ra bọt bong bóng trong máu và hậu quả là cơ co thắt, não mất khả năng định hướng và phổi bị ép mạnh. Áp suất ở độ sâu hơn 100m cao gấp 15 lần bình thường sẽ khiến nạn nhân có cảm giác như bị một vật hơn 100kg đè lên mỗi centimét bề mặt cơ thể mình. Nếu nguồn điện trên tàu bị hỏng hoàn toàn, hệ thống lò sưởi tê liệt thì hẳn toàn bộ thủy thủ đoàn đã chết vì cóng. Tình cảnh này khiến người ta nhớ lại sự cố tàu vũ trụ Apollo 13 của NASA trước đó đúng 30 năm.

Các cuộc bàn cãi về nguyên nhân gây nổ tàu ngầm Kursk lại bùng lên khi người ta tìm thấy bức thư trong người của một trong bốn thủy thủ đầu tiên vớt được ngày 26/10/2000. Không hãng thông tấn hay báo nào (kể cả của Nga) đăng ảnh bức thư và nguyên văn nội dung của nó và những gì trích trong mảnh giấy của Đại úy Dimitri Kolesnikov 27 tuổi càng làm tăng thêm phần bí ẩn…

“Từ 13 giờ đến 15 giờ 15”…

“13 giờ 15. Tất cả những thủy thủ từ khoang 6, 7, 8 đã chuyển sang khoang 9. Chúng tôi có 23 người ở đây. Chúng tôi quyết định như vậy bởi hậu quả của sự cố. Không ai trong chúng tôi lên trên được”. Sau đó, xuất hiện con số nguệch ngoạc khó hiểu: “13.5…” và câu: “Tôi đang viết trong bóng tối” (theo bản dịch tiếng Anh của Báo Rossiyskaya Gazeta). Đó là những gì Đô đốc Vladimir Kuroyedov tường trình tại cuộc gặp các thân nhân thủy thủ đoàn Kursk.

Hãng ITAR-TASS không nói rõ thông tin dẫn trên có phải đoạn trích hay là toàn bộ bức thư của Đại úy Kolesnikov. Có điều chắc chắn rằng, một số thủy thủ đã còn sống khi sự cố vừa xảy ra ở những phút đầu tiên. Phó đô đốc Mikhail Motsak nói trên truyền hình rằng, 23 thủy thủ dời đến khoang 9 lúc 12 giờ 58 ngày 12/8/2000 và bức thư của Kolesnikov viết vào khoảng từ 13 giờ đến 15 giờ 15”.

Không rõ ý Motsak muốn nói gì, khi nêu thời gian từ 13 giờ đến 15 giờ 15. Có phải ông nhấn mạnh, Kolesnikov bắt đầu ngưng viết lúc 15 giờ 15? Thứ trưởng Quốc phòng Ilya Klebanov nói với Interfax rằng, bức thư đề ngày 12/8, lúc 15 giờ 15 (tức gần bốn giờ sau khi một trung tâm nghiên cứu địa chấn Na Uy ghi nhận có hai tiếng nổ tại biển Barents - một xảy ra ngay trước 11 giờ 30 và một tiếng mạnh hơn nghe được sau 2 phút 15 giây).

Và những gì còn lại

Đại úy Kolesnikov mới lập gia đình (với Olga) vào tháng 4/2000 và vừa mừng sinh nhật lần thứ 27 vào hai ngày trước khi xảy ra thảm họa Kursk. Không biết chính xác bao lâu tàu Kursk bị ngập kín nước nhưng chắc chắn phần còn lại của thủy thủ đoàn đã sống những phút cuối cùng trong tình trạng kinh hoàng, không điện đóm (“Tôi đang viết trong bóng tối”) và họ hẳn đã cố leo lên nắp thoát hiểm ở khoang 9 nhưng không thành (“Không ai trong chúng tôi lên trên được”). Các báo và hãng thông tấn phương Tây vẫn ủng hộ giả thuyết tàu Kursk bị sự cố bên trong.

BBC nói rằng, không như hầu hết tàu ngầm phương Tây, tàu ngầm Nga thế hệ Oscar-II có thân đôi mà lớp vỏ bên trong làm bằng thép dày đến 40cm. “Bất cứ tàu ngầm một thân nào đụng phải Kursk cũng không thể an toàn bỏ chạy”.

Về những vết lõm trên vỏ ngoài của Kursk, chuyên gia phân tích quốc phòng Stephen Dalziel nói trên BBC rằng, đó có thể là các vết lõm khi Kursk rơi chạm đáy biển. Điều tra cũng cho biết có một đám cháy dữ dội lan mạnh xuống phần đuôi Kursk (giới quân sự Nga xác nhận chính thức) sau khi hai tiếng nổ kinh khủng bùng lên. Tướng Vyacheslav Popov nói rằng, vụ cháy có thể bắt đầu từ khoang ngư lôi ở mũi tàu. Giới Hải quân Nga không nói rõ bốn thủy thủ đầu tiên được vớt có mang vết tích phỏng hay không. Dù thế nào, trận hỏa hoạn hẳn rất kinh khủng. Người ta đã tìm thấy vài mảnh kim loại chảy méo mó trong khoang ngư lôi. Trận cháy đã làm tăng thêm bi kịch cho thảm họa: thợ lặn đã mất hai giờ mới lôi được xác thủy thủ thứ tư kẹt trong đống đổ nát.

Một tàu ngầm từng tiếp cận Kursk để lấy lại các tài liệu tuyệt mật?

Trong số các báo phương Tây ủng hộ giả thuyết “sự cố bên ngoài” nhưng bởi sai lầm quân sự chết người của Nga, nhật báo Đức Berliner Zeitung tỏ ra đoan chắc với lập luận của mình. Nhật báo uy tín nước Đức này cho rằng (dẫn theo The Moscow Times), một tên lửa từ tàu tuần dương Nga Peter Đại đế đã vô tình bắn trúng Kursk.

Tàu Peter Đại đế là chiếc tàu đầu tiên đến vị trí Kursk gặp nạn (phóng viên Arkady Mamontov - đại diện đầu tiên của giới báo chí tại hiện trường thuộc Đài Truyền hình RTR - đã tường thuật những chi tiết đầu tiên từ boong tàu Peter Đại đế). Báo trên dẫn từ bản báo cáo ngày 31/8/2000 của Cục An ninh Liên bang Nga (FSS) tường trình Tổng thống Nga Vladimir Putin về một tên lửa “loại Granit” đã được phóng từ tàu Peter Đại đế và bay 20km trước khi chúi đầu xuống vùng biển lạnh giá và rớt trúng Kursk.

Tên lửa Granit được sản xuất tại Nhà máy Novator ở Yekaterinburg là loại mới, được thiết kế để truy tìm mục tiêu trong lòng biển. Berliner Zeitung nói thêm chương trình bắn thử tên lửa Granit nằm dưới sự giám sát của sếp FSS Nikolai Patrushev. Thứ trưởng Quốc phòng Ilya Klebanov (chịu trách nhiệm chính trong vụ điều tra nguyên nhân gây thảm họa Kursk) và Bộ trưởng Quốc phòng Igor Sergeyev đều bác bỏ nguồn tin này.

Theo The Moscow Times, Ilya Klebanov nói với báo chí rằng, nhiệm vụ của ông là xem xét ba kịch bản giả thuyết nhưng không có kịch bản nào liên quan đến chuyện một tên lửa bắn trúng Kursk. Phát ngôn viên Hải quân Nga Igor Dygalo trả lời phỏng vấn phóng viên Simon Saradzhyan của The Moscow Times qua điện thoại cũng nêu rõ không có tên lửa Granit nào được bắn từ tàu Peter Đại đế trong cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 2/8/2000 với khoảng 30 tàu Nga tham gia. Tuy nhiên, Igor Dygalo thừa nhận tàu Peter Đại đế có mang tên lửa RPK-6.

Thêm phần bí hiểm cho vụ việc, tờ The Moscow Times dẫn lời một sĩ quan hải quân thuộc đơn vị Mikhail Rudnitsky ở Biển Bắc cho biết, có một tàu ngầm Nga thuộc Ban Giám đốc Tình báo chính yếu (GRU) trực thuộc Bộ Tổng tham mưu đã khảo sát tàu Kursk vài giờ sau khi nó bị nạn (?!). Nhân vật không được tiết lộ này nói trên chương trình “Điều tra độc lập” của Đài Truyền hình NTV rằng chiếc tàu ngầm trên đã tiếp cận Kursk để lấy lại các tài liệu tuyệt mật. Thứ trưởng Ilya Klebanov và Bộ trưởng Igor Sergeyev khẳng định GRU không có tàu ngầm nào đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ trên!

(Xem tiếp kỳ sau)

Mạnh Kim