Những sự thật ngay cả người bản địa cũng bất ngờ về tiền giấy của Nhật Bản

07:02 | 04/06/2021

754 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngoài mệnh giá và hoa văn trên tiền thì những sự thật dưới đây về tiền giấy của Nhật Bản ngay cả người bản xứ cũng ít người biết.

Tiền tệ ở Nhật Bản cũng thú vị và độc đáo như văn hóa của chính quốc gia này. Chính vì thế mà rất nhiều người đi du lịch Nhật đều mang về một vài đồng tiền tặng người thân, bạn bè như một món quà may mắn.

Yên là đơn vị tiền tệ của Nhật Bản (tiếng Nhật viết là 円 (En) ký hiệu là ¥, và có mã là JPY trong bảng tiêu chuẩn ISO 4217. Yên trở thành đơn vị tiền tệ của Nhật Bản từ ngày 27/6/1871. Tiền Nhật được chia làm hai loại là tiền xu và tiền giấy. Trong bài viết này sẽ đề cập đến đồng tiền giấy.

Những sự thật ngay cả người bản địa cũng bất ngờ về tiền giấy của Nhật Bản - 1
Tiền giấy của Nhật có 4 mệnh giá (Ảnh: Nikkei Asia).

Tiền giấy của Nhật có 4 mệnh giá: 10.000 yên (khoảng 2.100.000 đồng), 5.000 yên (1.050.000 đồng), 2.000 yên (420.000 đồng) và 1.000 yên (210.000 đồng). Và dưới đây là một số sự thật về tiền giấy của đất nước này. Điều thú vị là những sự thật này rất ít được biết đến ngay cả đối với một bộ phận người Nhật.

Tuổi thọ từ 1 - 5 năm, sau đó được xử lý như rác thải

Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, tuổi thọ trung bình của tờ 10.000 yên là khoảng 4 - 5 năm. Các tờ tiền 5.000 yên và 1.000 yên được sử dụng thường xuyên hơn dẫn đến hao mòn nhanh hơn, theo đó tuổi thọ của chúng cũng giảm xuống còn 1 - 2 năm.

Những sự thật ngay cả người bản địa cũng bất ngờ về tiền giấy của Nhật Bản - 2
Tiền giấy ở Nhật Bản có tuổi thọ từ 1 - 5 năm (Ảnh: Asia Times).

Tiền đang lưu hành sẽ được các tổ chức tài chính gửi lại cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Tại đây, người có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm kiểm tra mức độ hư hỏng của tiền trước khi đưa ra quyết định đưa trở lại lưu hành hoặc xử lý hủy bỏ. Những tờ tiền trong diện hủy bỏ sẽ được cắt nhỏ, có thể đem đi tái chế dùng làm giấy vệ sinh, đồ dùng văn phòng... hoặc đốt như rác thải thông thường.

Thiết kế thân thiện với người khiếm thị

Những đồng tiền giấy ở Nhật Bản được tạo ra để người khiếm thị cũng có thể phân biệt được chúng. Đó là nhờ mực in được bôi dày hơn ở một số vị trí nhất định trên tờ tiền nhằm giúp những người không nhìn thấy có thể phân biệt qua cảm nhận bàn tay.

Những sự thật ngay cả người bản địa cũng bất ngờ về tiền giấy của Nhật Bản - 3
Những đồng tiền giấy ở Nhật Bản thiết kế thân thiện với người khiếm thị (Ảnh: Bloomberg).

Vị trí của những vùng được in dày hơn đó là ở góc dưới bên trái và bên phải của mặt trước. Mệnh giá 10.000 yên được phân biệt bằng "hình móc câu", tờ 5.000 yên có "hình bát giác", tờ 1.000 yên có "đường kẻ ngang" và tờ 2.000 yên có ký hiệu chữ nổi tiếng Nhật là "2".

Trên tờ tiền 10.000 yên và 5.000 yên có hình ba chiều ở góc dưới bên trái phần mặt trước cho cảm giác trơn láng khi chạm vào. Đối với những tờ tiền 5.000 yên được phát hành sau tháng 5 năm 2014, lớp trong suốt của hình ba chiều đã được thay đổi từ thuôn dài sang vuông và tăng gấp 1,7 lần kích thước. Điều này để phân biệt rõ hơn với tờ 10.000 yên có hình ba chiều cũng thuôn dài.

Cả tờ 1.000 yên hay 2.000 yên đều không có hình ba chiều. Vì tờ 2.000 yên hiếm khi được lưu hành nên nếu tờ tiền không có hình nổi ba chiều thì thường là tờ 1.000 yên.

Tiền đang lưu hành bị hư hỏng có đổi được không?

Nếu tiền đang lưu hành bị hư hỏng hoặc bẩn, người dân có thể đến Ngân hàng Nhật Bản trụ sở tại Nihonbashi, Tokyo hoặc một trong 32 chi nhánh của ngân hàng này ở khắp đất nước. Ngoài ra, cũng có thể trao đổi tại một số tổ chức tài chính thương mại được chỉ định.

Những sự thật ngay cả người bản địa cũng bất ngờ về tiền giấy của Nhật Bản - 4
Nếu tiền đang lưu hành bị hư hỏng hoặc bẩn, có thể đến ngân hàng để đổi (Ảnh: Live Japan).

Tiêu chuẩn sau được sử dụng để xác định mức độ thiệt hại khi trao đổi tiền tệ: nếu còn lại hai phần ba hoặc nhiều hơn trên tổng diện tích tiền sẽ đổi về 100% giá trị; còn lại hơn hai phần năm và ít hơn hai phần ba, đổi về 50 % giá trị; còn lại ít hơn hai phần năm thì không đổi được.

Tờ 2.000 yên rất hiếm

Tờ 2.000 yên được phát hành trùng với Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Okinawa vào năm 2000. Tuy nhiên, tờ tiền này rất hiếm khi được lưu hành chủ yếu vì lý do chúng không sử dụng được trong hầu hết máy bán hàng tự động.

Những sự thật ngay cả người bản địa cũng bất ngờ về tiền giấy của Nhật Bản - 5
Tờ 2.000 yên rất hiếm được lưu hành (Ảnh: Kyodo News).

Ngân hàng Nhật Bản chỉ phát hành duy nhất hai đợt tiền 2.000 yên: 700 triệu tờ vào năm 2000 và 100.001.000 tờ vào năm 2003. Tờ 2.000 yên ngày nay hiếm khi được nhìn thấy, thường chỉ có ở Okinawa.

Vậy những tờ tiền 2.000 yên đã biến đi đâu? Hầu hết chúng được lưu trữ trong kho tiền của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Có hai loại giấy bạc 10.000 yên

Những sự thật ngay cả người bản địa cũng bất ngờ về tiền giấy của Nhật Bản - 6
Tờ 10.000 yên có hai kiểu thiết kế khác nhau (Ảnh: Live Japan).

Trên thực tế, tờ 10.000 yên có hai kiểu thiết kế khác nhau. Tờ tiền in hình phượng hoàng ở mặt sau phát hành vào năm 2004 là phổ biến nhất; thiết kế còn lại là hình gà lôi phát hành năm 1984 ít thấy hơn. Tờ 10.000 yên có hình gà lôi được phát hành từ lâu nên không có hình ba chiều, hiện hầu như không được lưu hành, tuy nhiên vẫn có thể sử dụng được.

Theo Dân trí