Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 13/6 - 18/6

15:00 | 18/06/2022

1,635 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga có thể tiếp tục tham gia vào thỏa thuận khai thác dầu OPEC+; Thủ tướng Ý đề xuất kế hoạch bảo vệ người dân châu Âu trước sự biến động của giá năng lượng... là những điểm nhấn nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 13/6 - 18/6

1. Nga có thể tiếp tục tham gia vào thỏa thuận khai thác dầu OPEC+ ngay cả khi thỏa thuận này chính thức hết hạn vào cuối năm nay, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm 16/6.

Ả Rập Xê-út và Nga, các nhà lãnh đạo của thỏa thuận OPEC+, đã nhắc lại rằng họ sẽ gắn bó với nhau trong hiệp ước, bất chấp việc Nga tấn công Ukraine và sản lượng dầu của Nga lao dốc do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

2. Trong khi nhu cầu LNG của Trung Quốc có thể làm dịu thị trường LNG đang nóng, thông tin rằng nhà máy Freeport LNG ở Texas sẽ không thể hoạt động trở lại với 100% công suất cho đến cuối năm 2022 có thể làm đảo lộn thị trường.

Freeport LNG có trụ sở tại Houston đã ghi nhận một vụ nổ vào ngày 8/6, khiến nhà máy phải ngừng hoạt động để đánh giá thiệt hại và tiến hành sửa chữa. Freeport LNG chiếm 20% tổng công suất xuất khẩu LNG của Mỹ, có khả năng xử lý 2,1 BCF (tỷ ft3) khí mỗi ngày.

3. Đức đang xem xét nhiều cách khác nhau để giữ cho nhà máy lọc dầu lớn thứ tư của nước này hoạt động, qua đó giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu từ Nga kể từ cuối năm nay, bởi nhà máy lọc dầu cung cấp 90% nhiên liệu cho thủ đô Berlin có chủ sở hữu là Rosneft của Nga.

Đức có một số lựa chọn đối với nhà máy lọc dầu Schwedt do Rosneft sở hữu 54%, bao gồm cả việc trưng thu. Tuy nhiên, nhà chức trách Đức lo ngại sự trả đũa từ Nga.

4. Libya chỉ khai thác khoảng 100.000 - 150.000 thùng dầu thô mỗi ngày khi hầu hết các mỏ của nước này đều ngừng hoạt động trong bối cảnh bùng phát giao tranh mới nhất giữa các phe phái chính trị ở đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Bộ trưởng Dầu mỏ Mohammed Aoun hồi đầu tuần cho biết sản lượng dầu của nước này đã giảm 1,1 triệu thùng - từ mức 1,2 triệu thùng/ngày hồi đầu năm nay.

5. Thủ tướng Ý Mario Draghi đã đề xuất một kế hoạch toàn châu Âu để bảo vệ người dân khỏi giá năng lượng cao hơn, AFP đưa tin.

Trong khuôn khổ cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) diễn ra tại Paris, ông Draghi tuyên bố: "Chúng ta phải xem xét việc nhân rộng một số công cụ chung đã giúp chúng ta phục hồi nhanh chóng sau đại dịch".

Ông lưu ý rằng lạm phát ở khu vực đồng euro đạt 8,1% trong tháng 5, chủ yếu do giá năng lượng cao hơn, bao gồm cả dầu và khí đốt.

Bình An