Những sứ giả “Thắp sáng niềm tin”

08:22 | 17/01/2016

897 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông qua các hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng, mỗi cán bộ ngành điện đã trở thành sứ giả để hành trình “Thắp sáng niềm tin” được nối dài.
nhung su gia thap sang niem tin
Nhân viên điện lực Vĩnh Hải tư vấn cho khách hàng sử dụng thiết bị điện.

Nhiều năm nay, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng luôn được ngành điện quan tâm. Do đó, hàng năm, EVN đều đã có những chỉ thị cụ thể về công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng với những chỉ tiêu năm sau luôn cao hơn năm trước. Đối với PC Khánh Hòa, công tác này đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, được khách hàng ghi nhận. Tuy nhiên tự mỗi cán bộ công nhân viên đều nhận thấy rằng, mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để không ngừng nâng cao chất lượng và dịch vụ điện cung cấp đến khách hàng sử dụng.

Khi bỏ tiền ra mua một sản phẩm nào đó thì người mua mong muốn sản phẩm đó phải có chất lượng tương ứng, đồng thời họ cũng mong nhận được sự phục vụ chu đáo và lòng tri ân của người cung cấp. Nếu doanh nghiệp nào đáp ứng được những mong muốn trên thì chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ phát triển bền vững trong việc kinh doanh của mình. Khi EVN đưa ra thông điệp “Thắp sáng niềm tin” cũng chính là lời cam kết sẽ đem đến cho khách hàng những gì tốt nhất từ sản phẩm dịch vụ cung ứng điện năng.

Bên cạnh đó cũng mong muốn cán bộ công nhân viên ngành điện nỗ lực, tận tâm hơn nữa đối với nhiệm vụ được giao, phục vụ khách hàng chu đáo để tạo sự tin yêu của người tiêu dùng đối ngành điện. Là thành viên của ngành điện nói chung và PC Khánh Hòa nói riêng, mỗi cán bộ công nhân viên cần phải nỗ lực để thông điệp trên luôn là niềm tự hào của ngành điện.

Trong việc cung ứng điện luôn có nhiều bộ phận tham gia, từ người quản lý cho đến nhân viên. Mỗi người, mỗi bộ phận có nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu là cung cấp cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ tốt nhất. Mỗi cán bộ công nhân viên phải đem đến cho khách hàng những điều họ cần, phải giải thích những điều khách hàng hiểu chưa đúng về ngành điện; tư vấn, hướng dẫn những điều khách hàng chưa biết về mối quan hệ giữa cung và cầu trong việc mua bán điện năng... Hiểu được những suy tư, trăn trở của khách hàng, chúng ta phải làm sao để việc phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, để khách hàng và ngành điện ngày một gần gũi, khăng khít hơn. Đó là một lợi thế khi hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Người thợ quản lý, vận hành lưới điện phải giữ cho dòng điện an toàn, liên tục; luôn ngày đêm bám máy, bám tuyến… giữ cho nhịp đập “trái tim” luôn khỏe mạnh, để “mạch máu” lưu thông không ngừng, phục vụ tất cả nhu cầu về điện của người dân. Nhân viên sửa chữa điện luôn có mặt sớm nhất để xử lý sự cố cho khách hàng. Nhân viên ghi điện phải ghi đúng chỉ số, tư vấn thêm cho khách hàng những điều cần thiết trong sử dụng điện cũng như những chính sách mới về cung ứng và sử dụng điện năng. Nhân viên giao tiếp khách hàng phải luôn ân cần, niềm nở tư vấn, hướng dẫn cặn kẽ những gì khách hàng cần. Nhân viên thu ngân phải lui tới nhà khách hàng nhiều lần với nụ cười thân thiện, chứ không nên kêu ca hay dọa cắt điện. cán bộ công nhân viên nói chung phải lịch sự, chuẩn mực, thân thiện...

Khi phát hiện khách hàng vi phạm sử dụng điện cũng phải từ tốn, giải thích, phân tích cho họ thấy những việc làm chưa đúng chứ không nên phản ứng cực đoan… Đó là công việc hằng ngày, đồng thời cũng là trách nhiệm của từng cán bộ công nhân viên trong sự phát triển bền vững của ngành điện. Mỗi cán bộ công nhân viên cần tự xây dựng cho mình phương cách giao tiếp và làm việc sao cho vui lòng người mua điện, chia sẻ với khách hàng để đạt hiệu quả cao trong công việc, đảm bảo cung ứng điện tốt nhất cho người sử dụng. Chúng ta sẽ cảm thấy vui khi khách hàng đồng cảm và vui vẻ hợp tác, đó là động lực để chúng ta hăng say làm việc và cũng là liều thuốc bổ góp phần cho đời sống của mỗi chúng ta thêm ý nghĩa, hạnh phúc...

Những lúc điện bị sự cố, dù đêm khuya hay trưa hè nắng gắt, dù gió bão hay mưa lũ, người thợ điện vẫn luôn có mặt sớm nhất để xử lý, chỉ khi nào khắc phục xong mới về nhà. Hạnh phúc làm sao khi nghe vang lên những tiếng reo vỡ òa “có điện rồi” lúc khắc phục xong sự cố mất điện vào ban đêm và đóng điện trở lại. Đó là phần thưởng giá trị nhất mà người thợ điện nhận được trong cuộc đời của mình. Giây phút ấy thật sự ý nghĩa làm sao đối với người thợ điện, lòng lâng lâng, nhẹ nhõm như vừa trút đi gánh nặng.

Ngoài ra, mỗi cán bộ công nhân viên cần tuyên truyền cao nhận thức pháp luật cho người dân trong việc sử dụng điện, hạn chế đến mức thấp nhất lượng điện năng bị thất thoát, đảm bảo ổn định nguồn điện để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặc biệt là an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Mỗi cán bộ công nhân viên là một kênh truyền thông nhân rộng ra cộng đồng để khách hàng và nhân dân hiểu thêm về ngành điện cũng như những việc làm tốt của ngành. cán bộ công nhân viên phải nắm rõ những chủ trương, chính sách của Nhà nước và của ngành để trao đổi, giải thích cho nhân dân những vướng mắc về giá điện, cắt điện nợ, an toàn sử dụng điện, các công tác an sinh xã hội…

Những việc làm rất nhỏ, trong tầm tay của chúng ta, nhưng đáp ứng được nhu cầu bức thiết của khách hàng thì sẽ đem lại sự biết ơn và đồng cảm với người thực hiện, từ đó sợi dây thân tình sẽ thắt chặt, khách hàng sẽ tin yêu và sử dụng sản phẩm của chúng ta lâu dài. Chúng ta phải phát huy ứng dụng khoa học công nghệ, làm việc với trách nhiệm cao nhất, chất lượng tốt nhất, năng suất nhiều nhất.

Người thợ điện phải luôn tâm niệm: “Làm việc gì cũng phải có cái tâm và yêu nghề” như lời dạy của Bác Hồ!

Văn Cúc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps