Những “nhà khám phá” mặc áo xanh

07:05 | 03/06/2018

811 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Họ đều là người lính dũng cảm, thích khám phá. Một người chuyên khám phá thế giới tội phạm liều lĩnh buôn bán “cái chết trắng” vùng biên viễn xa tít. Một người khám phá bắt bệnh những cỗ máy thiết bị y tế, góp phần mang lại sức khỏe, sự sống cho đồng đội và cộng đồng.

“Khắc tinh” của tội phạm

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi gặp trung úy Giàng A Tủa - người dân tộc Mông, trinh sát viên Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về Hà Nội dự lễ tuyên dương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. A Tủa đã có 6 năm gắn với nghề điều tra phá án, “khắc tinh” của tội phạm vùng biên giới Điện Biên. Vì đặc thù công việc, A Tủa không xuất hiện trước ống kính phóng viên và câu nói “Đừng chụp ảnh em nhé” bằng chất giọng phổ thông lơ lớ là ấn tượng đầu tiên về chàng trung úy có khuôn mặt góc cạnh nam tính.

nhung nha kham pha mac ao xanh
Đối tượng Giàng A Tú cùng tang vật bị bắt giữ trong Chuyên án 028LV

Năm 2013, khi về công tác tại Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Điện Biên, A Tủa đã cùng đồng đội lặn lội khắp thung sâu, bản vắng điều tra nắm vững địa bàn, cùng thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn bán “cái chết trắng” khu vực biên giới. Chỉ riêng năm 2017, A Tủa đã trực tiếp tham gia 6 chuyên án lớn và 4 kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ 13 đối tượng, thu giữ 44,5 bánh heroine, 239.800 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng và 119 viên đạn thể thao.

Mới đây nhất, Trung úy Giàng A Tủa nhập vai “ông trùm” buôn bán ma túy để vào tận sào huyệt và lật tẩy các đối tượng chủ chốt trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia từ Tam Giác Vàng về Việt Nam trong Chuyên án 028LV. Vào lúc 10 giờ 15 phút ngày 13-3-2018, tại một nhà nghỉ trên địa bàn thị trấn Mường Khoa, tỉnh Phong Sa Ly (Lào), 3 đối tượng gồm Giàng A Tú, Bun Hoong và So Viêng Say đã bị tóm gọn khi mua bán trái phép chất ma túy, lực lượng chống ma túy thu giữ 60 bánh heroine, 40.000 viên ma túy tổng hợp, một khẩu súng K59 có 7 viên đạn đã lên đạn, 2 ôtô, 1 máy ghi âm, 8 điện thoại di động và một số tang vật khác có liên quan. Khai thác nhanh thông tin tại hiện trường, đối tượng Say là người thường xuyên môi giới mua bán ma túy cho các đối tượng người Việt Nam. Kết thúc chuyên án, các đối tượng và tang vật thu giữ đã được BĐBP tỉnh Điện Biên bàn giao cho lực lượng an ninh tỉnh Phong Sa Ly để xử lý.

Trung úy Giàng A Tủa: “Với đặc thù của công tác phòng chống ma túy, trinh sát phải thường xuyên bám sát địa bàn, các đối tượng, ổ nhóm nội biên và ngoại biên; xây dựng cơ sở bí mật, đặc tình thu thập thông tin liên quan tới tội phạm. Vì vậy, lính trinh sát cần có sức khỏe, quyết đoán, nhạy bén mới có thể tham mưu xác lập các chuyên án đấu tranh thành công”.

Nở nụ cười tươi rói nổi bật trên gương mặt sạm nắng gió, Trung úy Giàng A Tủa bình thản “nhẹ tựa lông hồng” nói về những lần nhập vai điều tra, tiếp cận các đối tượng từ chân rết đến kẻ cầm đầu sừng sỏ trong các chuyên án ma túy. “Đi nhiều quen mất rồi, mình cảm thấy rất bình thường, không có gì nguy hiểm”.

Ngay trong Chuyên án 028LV, A Tủa nhập vai “ông trùm” cần số lượng hàng lớn tiếp cận đường dây buôn bán ma túy. Để tiếp cận và xác định tượng cầm đầu, A Tủa phải vượt qua nhiều thử thách với đủ các chiêu trò khác nhau. Đối tượng cầm đầu không trực tiếp trao đổi, giao dịch mà sử dụng hệ thống chân rết.

“Lần đầu chúng thử mình có phải là cán bộ hay không bằng cách đưa số lượng hàng ít. Lần sau chúng vẫn đưa hàng giao dịch nhưng nắn gân xem bản lĩnh của một ông chủ trực tiếp đi mua hàng. Những lần đó nếu không tỉnh mà quyết định đánh án luôn sẽ khó bắt được đối tượng cầm đầu”, A Tủa kể.

Sau những lần “thả thính” thành công, nhận được thông tin đối tượng cầm đầu trực tiếp gọi điện thông báo đã gom đủ hàng, A Tủa và đồng đội xác định “cá đã cắn câu” và quyết định “cất vó”. Song tình huống bất ngờ xảy ra, thời điểm giao dịch có phần bất lợi cho lực lượng đánh án, A Tủa đã khéo léo dẫn dụ, lui thời gian giao dịch.

nhung nha kham pha mac ao xanh

Mỗi lần nhập vai điều tra là có cả hàng trăm, hàng nghìn tình huống có thể xảy ra, đối diện với ranh giới mong manh giữa sống và chết. Chỉ một chút sơ xảy trước bọn tội phạm luôn lăm lăm bên mình hàng nóng, những “diễn viên” như A Tủa không có cơ hội để diễn lại. Từng có nhiều học viên đề nghị chia sẻ kinh nghiệm nhập vai phá án mà A Tủa không thể truyền đạt kinh nghiệm nào cụ thể. A Tủa bảo: “Tâm lý là quan trọng nhất, vì có rất nhiều tình huống bất ngờ xảy ra đòi hỏi mỗi tình huống lại có cách xử lý, ứng biến khác nhau chứ không có tình huống mẫu để thử hay hướng dẫn”.

A Tủa vẫn nhớ lần cùng đồng đội nhập vai đối tượng buôn bán ma túy bị bại lộ và cho rằng thật khó có lần thứ hai may mắn trở về. “Lần đó các đối tượng có mối quan hệ rộng và đề phòng cao, ngay khi chúng tôi bước vào, các đối tượng đã lén chụp ảnh, nhờ người xác minh. Rất may, hôm đó việc tiếp cận diễn ra trong địa bàn thành phố nên các đối tượng không có hành động nguy hiểm tới mình mà chỉ nói rõ thân phận mình và bảo đừng có lừa chúng”, A Tủa kể.

Không chỉ giỏi đánh án, đấu tranh với tội phạm, Giàng A Tủa còn tích cực tham gia các hoạt động hướng tới đồng bào, đồng đội. Đặc biệt, anh đóng góp ý kiến, hiến kế cho hoạt động Đoàn của đơn vị thực hiện hiệu quả các mô hình, cách làm hay như “Tủ sách tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Mỗi ngày một việc tốt vì nhân dân”, “Nâng bước em tới trường”... Với những thành tích đánh án và hoạt động phong trào, trung úy Giàng A Tủa liên tục là Chiến sĩ thi đua từ năm 2011 đến 2016; năm 2017 là Chiến sĩ thi đua cơ sở; vinh dự nhận nhiều khen thưởng của Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Điện Biên, Cục Hải quan tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, A Tủa mới được vinh danh là Gương mặt trẻ tiêu biểu BĐBP năm 2017.

Ở tuổi 30 nhiều chàng trai vùng cao đã vợ con đuề huề, Trung úy Giàng A Tủa vẫn mải mê điều tra, phá án mà chưa lập gia đình. A Tủa bảo: “Sinh ra trên mảnh đất vùng cao biên giới, mình thấy cuộc sống của đồng bào vốn đã nghèo khó lại bị ma túy làm cho khốn cùng, vì thế mình muốn góp sức phòng trừ cái xấu, mang lại cuộc sống ấm no, bình yên cho đồng bào”.

“Bác sĩ” của máy móc

Thuộc thế hệ 9X đầu tiên, có gương mặt thư sinh trắng trẻo, nhiều người bất ngờ khi biết Nguyễn Xuân Thành từ lâu đã đảm trách vị trí phụ trách Khoa Trang bị (Bệnh viện Quân y 5, Cục Hậu cần, Quân khu 3) với 6 thành viên; trực tiếp nhiều lần “bắt bệnh, chữa trị, hồi sinh” máy móc, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho đơn vị.

Thành quê ở Nam Định, bén duyên với màu áo lính và say mê khám phá máy móc, kỹ thuật từ khi theo học ngành Điện tử y sinh, Học viện Kỹ thuật quân sự. Năm 2013 tốt nghiệp ra trường, Thành về công tác tại Bệnh viện Quân y 5, Thành gắn bó với “rừng” máy móc, thiết bị khám chữa bệnh đa dạng, phong phú chủng loại của bệnh viện, không ít loại đã cũ, xuống cấp phải bảo dưỡng, sửa chữa. Thách thức không làm chùng tinh thần của chàng kỹ sư trẻ mà còn tạo động lực, cảm hứng tìm hiểu, chinh phục. Thành bảo: “Không trực tiếp chăm sóc, chữa trị người bệnh, nhưng lĩnh vực mình đang công tác cung cấp trang thiết bị hiện đại cho đội ngũ bác sĩ thăm khám và chữa bệnh, đồng thời tiết kiệm chi phí so với mức được đầu tư của bệnh viện cấp quân khu”.

nhung nha kham pha mac ao xanh
Thượng úy Nguyễn Xuân Thành (bên trái) sửa chữa máy chụp CT scanner 1

Đến nay, Thượng úy Nguyễn Xuân Thành đã trực tiếp sửa chữa gần 100 lượt máy móc, trang bị y tế của bệnh viện và các đơn vị thuộc tuyến bị hỏng hóc do mưa bão, xuống cấp... thay vì chờ chuyên gia như trước. Một trong những lần chinh phục máy móc ấn tượng nhất của Thành là bắt bệnh và chữa trị chiếc máy chụp CT scanner 1 của bệnh viện vào cuối năm 2016. Trước đó, chuyên gia của một công ty trên địa bàn đã được mời đến kiểm tra và đưa ra giá sửa chữa 500 triệu đồng, thời gian khắc phục tới gần 5 tháng. Còn nếu bệnh viện có tự sửa chữa máy, linh kiện thay thế phải nhập khẩu hoàn toàn.

Thượng úy Nguyễn Xuân Thành: “Chuyên ngành học trong trường phần nhiều thực hành đối với máy móc chết, các nguyên lý hoạt động đều dựa trên lý thuyết là chính. Trực tiếp sửa được máy đã cho tôi cơ hội nâng cao tay nghề, kinh nghiệm và sự tự tin”.

Trước ca bệnh nặng của máy chụp CT scanner 1, Thành âm thầm mở ra kiểm tra, mày mò nghiên cứu và tìm đọc tài liệu trên mạng. Xâu chuỗi được ý tưởng, vấn đề, Thành tự tin xin đảm nhận việc khắc phục hỏng hóc với giá... 20 triệu đồng để mua vật tư, linh kiện thay thế. Thời gian Thành vừa mày mò nghiên cứu, sửa chữa cũng chỉ mất hơn 1 tháng. Ngày chiếc máy CT scanner 1 được tái sinh, hoạt động trơn tru khiến cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 5 hết sức ngạc nhiên.

Thành chia sẻ: “Việc sửa chữa máy chụp CT scanner 1 giống như thử thách vượt qua chính mình. Lúc tôi nghiên cứu thấy mơ hồ lắm, không có tài liệu hướng dẫn gì. Chuyên ngành học trong trường phần nhiều thực hành đối với máy móc chết, các nguyên lý hoạt động đều dựa trên lý thuyết là chính. Trực tiếp sửa được máy đã cho tôi cơ hội nâng cao tay nghề, kinh nghiệm và sự tự tin, cũng như sự tin tưởng của Ban Giám đốc”.

Không chỉ trực tiếp hồi sinh trang thiết bị y tế, chàng kỹ sư 9X Nguyễn Xuân Thành còn là cây sáng kiến tạo ra những thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị cho người bệnh. Nổi bật là máy làm ấm túi dịch máu, dịch truyền giúp phòng tránh tình trạng hạ thân nhiệt cho bệnh nhân khi truyền dịch, máu vào mùa lạnh, nhất là những bệnh nhân sau phẫu thuật.

Thành kể, ý tưởng chiếc máy làm ấm dịch truyền nảy sinh từ thực tế tiếp xúc với một số bệnh nhân gặp biến chứng do dịch truyền bị lạnh. Trước đây, phương pháp giữ ấm dịch truyền, máu thường là chườm bằng găng tay hoặc bát nước nóng. “Tuy nhiên găng tay ấm hay nước nóng thì nhiệt độ không đều, lúc đầu thì rất nóng, sau lại nguội rất nhanh, nhiệt độ giữ ấm dịch truyền, máu không tương ứng với nhiệt độ cơ thể người”, Thành cho biết.

Chỉ sau 3 tháng từ khi hình thành ý tưởng, Thành đã tạo ra chiếc máy hoàn chỉnh với chi phí 800.000 đồng. Đến nay, Thành đã làm 3 chiếc máy phục vụ công tác chữa trị tại bệnh viện. Sáng kiến đã đoạt giải A tại Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật Quân khu 3 năm 2017 và được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn khám, chữa bệnh tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, Thành còn sáng kiến thay thế, sửa chữa main máy thở Vela; cải tiến kỹ thuật giá chụp cảm quang cho máy X-quang kỹ thuật số... Mới đây, Thành còn có sáng kiến tạo bộ đèn trong khí quản có gắn camera có tác dụng đối với những ca bệnh đặt khí quản khó do cấu trúc vòm họng đặc biệt hoặc do các bệnh lý. Máy đã xong cấp cơ sở và chuẩn bị dự thi sáng kiến cải tiến mô hình, trang thiết bị năm 2018 của Quân khu 3.

Với những thành tích trong sữa chữa máy móc thiết bị y tế, những sáng kiến sáng tạo, Thượng úy Nguyễn Xuân Thành là gương điển hình tiên tiến thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” cấp Bộ Quốc phòng, được Bộ trưởng tặng Bằng khen; nhận Bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu 3... Mới đây, Nguyễn Xuân Thành là Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2017 và nhận Bằng khen của Tổng cục Chính trị.

Trung úy Giàng A Tủa và Thượng úy Nguyễn Xuân Thành là 2 trong số 336 đại biểu chính thức tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V năm 2018, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Đại biểu là những đoàn viên, thanh niên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, công tác, rèn luyện; đại diện tiêu biểu cho tập thể thanh niên ở các địa phương, đơn vị, thực sự là những tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có đóng góp xứng đáng trong công tác Đoàn, có uy tín và ảnh hưởng tích cực trong thanh thiếu nhi và xã hội.

Thanh Giang

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps