Tự hào 60 năm ngành Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước:

Những người thợ khoan dầu khí vững bước tiên phong

19:00 | 24/12/2021

7,728 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Có một sự thật rằng, nếu như không sở hữu giàn khoan, ngành Dầu khí Việt Nam sẽ không bao giờ có thể phát huy nội lực, và sẽ luôn phải đi làm thuê cho các giàn khoan của nước ngoài, ngay trên chính vùng biển của đất nước mình. Đó cũng chính là khởi nguồn của sự hình thành Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling.

Chúng ta cần có giàn khoan của Việt Nam

Đầu thế kỷ 21, có một cuộc đối thoại giữa một vị lãnh đạo Chính phủ với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam):

"Việt Nam chưa bao giờ tự vận hành giàn khoan. Vậy bây giờ có làm được không?"

"Thưa, làm được. Hiện nay, Việt Nam đang phải đi thuê 10 giàn khoan của nước ngoài. Tiền thuê mỗi ngày của một giàn khoan là 10.000 USD."

Nhiều ý kiến xì xào, phản đối. Lúc bấy giờ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng chưa thể tự vận hành được các giàn khoan biển. Thời điểm ấy, so sánh công nghiệp dầu khí giữa ta và những nước bạn thì làm thế là quá phiêu lưu…

Nhưng, vị lãnh đạo Chính phủ kết luận:

"Thôi, không bàn nữa. Chúng ta cần có giàn khoan của Việt Nam!"

Hành trình trở thành một nhà thầu khoan chuyên nghiệp của một doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu khởi động sau cuộc đối thoại ấy.

Ngày 26/11/2001, Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling ra đời với 100% vốn nhà nước, tiền thân là Xí nghiệp Sửa chữa thiết bị khoan trực thuộc Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Đó là sự quyết tâm của Chính phủ và ngành Dầu khí khi ấy. Có một sự thật rằng, nếu như không sở hữu giàn khoan, ngành Dầu khí của chúng ta sẽ không bao giờ có thể phát huy nội lực, và sẽ luôn phải đi làm thuê cho các giàn khoan của nước ngoài - ngay trên chính vùng biển của đất nước mình.

Khát vọng người thợ khoan
Giàn khoan biển tự nâng PV DRILLING I.

Nhớ lại thời gian đầu khi mới thành lập PV Drilling, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc Petrovietnam – nguyên Chủ tịch HĐQT/Tổng Giám đốc PV Drilling chia sẻ: "Thuận lợi ở giai đoạn trước khi thành lập PV Drilling là sự quan tâm và ủng hộ từ lãnh đạo Petrovietnam. Hơn thế nữa, chúng tôi có một đội ngũ nhiệt huyết, đoàn kết, đồng lòng, đồng tâm và cùng chí hướng đi đến mục tiêu chung là xây dựng nên một công ty khoan dầu khí Việt Nam đẳng cấp quốc tế, có thể cạnh tranh với các công ty khoan trong khu vực. Quan trọng hơn nữa, đa số anh em đều có kinh nghiệm làm việc tại Công ty Dầu khí I (Thái Bình), Vietsovpetro hay các công ty dầu khí đa quốc gia..."

Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, giai đoạn khởi đầu luôn đầy những khó khăn thử thách mà khó có thể kể hết trong một bài viết ngắn. Nhưng không vì khó khăn mà chùn bước, buông xuôi, đội ngũ PV Drilling ngày ấy vẫn đồng lòng, nỗ lực với quyết tâm cao thực hiện mục tiêu chung đã đề ra. Trong quá trình làm việc, có những cuộc họp rất dài, những tranh luận để tìm ra cách làm tối ưu nhất, hiệu quả nhất cho công ty. Giai đoạn từ năm 2001-2004, tuy chưa có giàn khoan nhưng đội ngũ nhân lực kỹ thuật của PV Drilling đã thuê giàn tự vận hành, tham gia thực hiện các chiến dịch khoan của nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước, quá trình này cũng là một bước chuẩn bị cho những bước tiến xa hơn, vươn cao hơn trong những năm tiếp theo của PV Drilling. Và có thể khẳng định, đây là giai đoạn tự học hỏi và trưởng thành của những người thợ khoan Dầu khí!

Trời thử lòng người

Giai đoạn năm 2007 là một trong những thời điểm lịch sử của PV Drilling. Chỉ trong năm 2007, PV Drilling đã sở hữu 2 giàn khoan đầu tiên: giàn khoan biển PV DRILLING I và giàn khoan đất liền PV DRILLING 11.

Khát vọng người thợ khoan
Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Phạm Tiến Dũng (nguyên Chủ tịch, Tổng Giám đốc PV Drilling) trong chuyến thăm khoan trường PV Drilling 11 trên sa mạc Sahara.

"Sau một loạt khấu kiện đầu tiên được đưa đến khoan trường mỏ Bir Seba – Algeria, ngày 19/8/2007 là một ngày vô cùng đáng nhớ, đã xảy ra một việc mà chúng tôi vẫn coi đấy là "trời thử lòng người". Khi đó, tôi đang ở TP HCM, cố gắng để đưa giàn PV DRILLING I đi vào hoạt động ổn định thì nhận được một cuộc điện thoại. Anh em ở Algeria báo về, có một sự cố "nho nhỏ" xảy ra trong quá trình vận chuyển giàn từ cảng Skikda đến khoan trường. Tôi có hỏi kỹ sự cố "nho nhỏ" đấy là gì, anh em báo cáo là chiếc xe tải chở bộ phận máy biến tần và hệ thống điều khiển tự động trên đường chở về từ cảng, gần đến thành phố Hassi Messaoud thì gặp bão cát..." - ông Phạm Tiến Dũng nhớ lại.

Giàn khoan PV DRILLING 11 là giàn khoan trên đất liền được đóng theo công nghệ hiện đại và có thể khoan tới độ sâu trên 7.000m. Đây là loại giàn khoan hiện đại bậc nhất mà vào thời điểm năm 2007 ở Algeria chưa có. Tháng 7/2007, giàn PV DRILLING 11 đã cập cảng Skikda. Phải mất cả tháng để hải quan Algeria làm thủ tục. Để vận chuyển giàn khoan có tổng trọng lượng hơn 2.000 tấn cần phải dùng đến 200 chuyến xe tải và băng qua quãng đường sa mạc dài hơn 1.000km. Mỗi đoàn xe di chuyển lại phải có hàng chục binh lính bản địa đi hộ tống và xe chuyên dụng mở đường. Đó có lẽ là trận bão cát lịch sử khiến người trong cuộc đứng tim.

Tiếp tục câu chuyện, ông Dũng kể: "Nghe thế thì chưa đủ, nên tôi yêu cầu anh em chụp và gửi ảnh về. Trong ảnh, chiếc xe lật nghiêng xuống vệ đường, container bị văng ra cách đấy khoảng mấy chục mét, tôi biết rằng đây không phải là chuyện nhỏ. Ngay lập tức tôi đặt vé máy bay và khoảng hơn 3 ngày sau thì có mặt tại khoan trường sa mạc Sahara. Lúc này chiếc container chứa máy biến tần và hệ thống điều khiển (bộ phận được xem như bộ não của giàn - PV) đã được đưa về đây. Nhìn thấy trên nóc container có gắn thêm một hệ thống máy lạnh thì tôi biết hệ thống làm lạnh bên trong đã hỏng hoàn toàn. Thế mà khi bước vào trong container tôi mới thực sự sững sờ, mặc dù anh em đã sắp xếp gọn lại rồi. Lúc này tôi thực sự lo lắng, bởi đây là giờ phút vô cùng quan trọng. Cả một giàn khoan đã được lắp lên tương đối rồi, mà "bộ não" nó bị như thế này thì làm sao mà bắt đầu khoan được..."

Thế mà, chỉ sau hơn 10 ngày cứu chữa, hệ thống điều khiển tự động bị "bầm dập" như thế đã dần dần hồi sinh như một phép lạ. Tất cả được kết nối, mọi hỏng hóc được khắc phục, toàn bộ giàn khoan đã mở lỗ khoan đầu tiên trong vòng một tháng sau cái ngày "tai nạn" đáng nhớ ấy. Tất nhiên ai cũng hiểu rằng đó là nhờ công lao làm việc không quản ngày đêm của các kỹ sư và chuyên gia đã cứu hệ thống, song cho đến bây giờ, các anh em PV Drilling có mặt tại Bir Seba ngày ấy vẫn nghĩ bộ hệ thống "sống lại" được đúng là một phép màu!

"Tôi vẫn nhớ rằng lúc bấy giờ là khoảng cuối tháng 9 dương lịch, tức là đúng vào tháng Ramadan của người Hồi giáo tại Algeria thì PV DRILLING 11 đã tiến hành giếng khoan đầu tiên cho chương trình khoan của GBRS ở mỏ Bir Seba" - ông Phạm Tiến Dũng kể. Giếng khoan MOM3 được mở lỗ vào lúc 16:00 ngày 18/9/2007 đã giải tỏa rất nhiều áp lực cho toàn thể cán bộ nhân viên dự án, cũng là bước khởi đầu để chinh phục nhiều thành tích của giàn PV DRILLING 11 tại Algeria.

Khát vọng người thợ khoan
Khu đô thị PV Drilling 11" rực sáng trong đêm giữa sa mạc Sahara.

Trong hồi ký của mình, nhà văn Nguyễn Như Phong đã viết: “Sau 40 phút bay, chúng tôi đã nhìn thấy giàn khoan nổi lên trên biển cát mênh mông như một kim tự tháp. Chỉ có điều là trên kim tự tháp giàn khoan này, có lá cờ đỏ sao vàng đang như một đốm lửa trên nền cát vàng sa mạc. Nhìn lá cờ tung bay, trong tôi trào lên một cảm xúc khó tả”.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong một lần sang thăm Algeria, đã gặp gỡ người lao động dầu khí Việt Nam đang làm việc tại dự án Bir Seba và đã rất tự hào khi đối tác Sonatrach ngợi khen không ngớt tinh thần của những người lao động Việt Nam giữa sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới này.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Tổng Giám đốc PV Drilling chia sẻ: "Mỗi thành viên của PV Drilling đều mang trong mình vai trò người thợ khoan tiên phong. Với các dự án nước ngoài, mỗi thành viên còn mang niềm tự hào, tự tôn dân tộc rằng người Việt Nam cũng làm được những điều mà nước bạn làm được. Và đó chính là yếu tố làm nên thành công của PV Drilling tại Algeria".

Chúng ta có lợi thế khi Việt Nam được Algeria yêu mến từ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thuộc địa. Khi mỗi người Algeria đều ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì đầu thế kỷ 21, những người lao động dầu khí Việt Nam, hay giàn khoan đất liền PV DRILLING 11 đã mở ra khái niệm mới trong ngoại giao nhân dân và ngoại giao dầu mỏ.

"Khi chúng tôi đi giữa sa mạc Sahara, nhìn thấy những biển chỉ đường tới giàn khoan PV DRILLING 11 viết bằng Tiếng Anh “way to rig PVD 11”, lúc đấy thực sự là cảm xúc trào dâng, rất tự hào khi ở giữa vùng sa mạc rộng lớn của thế giới đã ghi lại dấu ấn của Petrovietnam" - ông Phạm Tiến Dũng không giấu được vẻ xúc động, chia sẻ.

Kỳ tích trên biển Đông

Trong mỗi chúng ta, ít nhất đã một lần từng nghe kể về Dự án Biển Đông 01, với cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh. Những người thợ khoan của PV Drilling cũng đã góp phần làm nên lịch sử của công trình thế kỷ ấy. Hải Thạch – Mộc Tinh thuộc vùng nước sâu 145m, điều kiện địa chất phức tạp không chỉ nhất Việt Nam mà còn thuộc hàng hiếm trên thế giới. Trong bối cảnh đó, không có bất cứ một giàn khoan nào trên thế giới có thể đáp ứng được điều kiện nhiệt độ - áp suất cao của vùng mỏ này.

"Việc đầu tư giàn PV DRILLING V - giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (giàn TAD) - cũng là một bước rất đột phá của Petrovietnam. Trong 17 giếng khoan mà PV Drilling khoan cho cả 2 lô mỏ đấy thì PV DRILLING V chưa hề gặp bất cứ một sự cố nào trong suốt thời gian xấp xỉ 5 năm" - ông Phạm Tiến Dũng cho hay.

Khát vọng người thợ khoan
Giàn khoan PV DRILLING V.

Ngày 12/2/2012, giàn PV DRILLING V chính thức khoan mũi đầu tiên tại khu vực mỏ Mộc Tinh, bắt đầu cho cuộc hành trình gọi dòng khí, dòng dầu dọc ngang trên thềm lục địa biển Đông của Việt Nam, tìm kiếm nguồn dầu khí mới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. PV DRILLING V là giàn khoan đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ cao để khoan các giếng nhiệt độ - áp suất cao, và đã thực hiện các giếng khoan đến độ sâu 9.100m với độ sâu mực nước biển có thể lên đến 1.200m.

Tổng Giám đốc PV Drilling Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Giàn PV DRILLING V hỗ trợ cho dự án Biển Đông 01 rất thành công, tiết kiệm cho dự án đến 90 triệu đô, thời gian khoan nhanh hơn. Petrovietnam và PV Drilling quyết định đầu tư đóng giàn bởi dự kiến sẽ còn phục vụ cho các dự án khác như dự án Lô B Ô Môn, Cá Rồng Đỏ, Cá Voi Xanh. Với bối cảnh dầu khí từ cuối 2016 đến nay rất khó khăn, hầu như các công ty lớn trên thế giới bị phá sản, các giàn khoan không khai thác được, thì điều may mắn đối với PV Drilling là vẫn có thể nỗ lực mang lại việc làm cho các giàn khoan, cho người lao động. Mới đây, chúng tôi cũng đã đấu thầu thành công cho dự án Shell Brunei, mang lại công việc mới cho PV DRILLING V".

Đóng mới giàn PV DRILLING V là phương án mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu nhất, tính ra chi phí chỉ bằng khoảng một nửa so với thuê hoặc cải hoán giàn đã có. Không những vậy, việc đóng mới giàn TAD không chỉ để phục vụ riêng cho Dự án Biển Đông 01 rồi cất kho mà đã được được tính đến đường dài sau đó. Ngày 24/9/2019, PV Drilling đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan PV DRILLING V với Brunei Shell Petroleum, một lần nữa khẳng định vị thế của một nhà thầu khoan uy tín trong khu vực.

Viết tiếp những thành công đó, năm 2013, giàn khoan PV DRILLING VI được đóng mới và hoàn thành vào năm 2015, với hệ thống điều khiển tự động với các phụ trợ bằng các tay máy, cùng lúc có thể lật được 2 chuỗi cần khoan và có thể chứa được cùng lúc 150 người. PV DRILLING VI là một trong những giàn khoan được đánh giá cao trong khu vực bởi những công nghệ tiên tiến mà nó được tích hợp.

"Tôi cho rằng quan trọng nhất là con người. Những người đầu tiên đặt những viên gạch để xây dựng PV Drilling đều là những con người rất chuyên nghiệp, đầy nhiệt huyết, và luôn luôn có một mong mỏi trong trái tim là làm sao xây dựng được một doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh về mặt chất lượng, về mặt uy tín với các doanh nghiệp nước ngoài làm các dịch vụ tương tự" - ông Phạm Tiến Dũng đánh giá.

Hiện nay, PV Drilling sở hữu 6 giàn khoan với vốn đầu tư 100% của Việt Nam.

Những giàn khoan mang quốc tịch Việt Nam giờ đây đã ngang dọc trên nhiều vùng đất, vùng biển của địa cầu này, đó là: PV DRILLING I, PV DRILLING II, PV DRILLING III, PV DRILLING V, PV DRILLING VI, và PV DRILLING 11.

Cuộc đối thoại năm 2001 ngày ấy đã mở ra một trang sử mới cho ngành Dầu khí Việt Nam, khi quyết định Việt Nam sẽ làm chủ các giàn khoan. Vị lãnh đạo cấp cao ấy chính là Cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, người được mệnh danh là vị kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế Việt Nam đầu thế kỷ 21.

Xin cảm ơn ông, cảm ơn những người thợ khoan Việt Nam đã và đang thể hiện bản lĩnh, sức mạnh nội lực của mình trong lĩnh vực khoan dầu khí trong khu vực cũng như trên thế giới!

Lâm Anh (t/h)

(Trong bài có sử dụng tư liệu của Ký sự Hành trình Người đi tìm lửa)

Có một PV Drilling 11 giữa sa mạc Sahara (kỳ 2) Có một PV Drilling 11 giữa sa mạc Sahara (kỳ 2)
Có một PV Drilling 11 giữa sa mạc Sahara (kỳ 1) Có một PV Drilling 11 giữa sa mạc Sahara (kỳ 1)
[E-Magazine] PV Drilling: Bản lĩnh đến từ sự chuyên nghiệp [E-Magazine] PV Drilling: Bản lĩnh đến từ sự chuyên nghiệp
Chuyện chưa kể về... khoan nước sâu (Kỳ 2) Chuyện chưa kể về... khoan nước sâu (Kỳ 2)
Chuyện chưa kể về... khoan nước sâu (Kỳ 1) Chuyện chưa kể về... khoan nước sâu (Kỳ 1)
Khát vọng của người thợ khoan dầu khí PV Drilling Khát vọng của người thợ khoan dầu khí PV Drilling

DMCA.com Protection Status