Những người giữ “hồn” Hồ Gươm

19:14 | 13/02/2013

2,137 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Họ không xây nhà tầng, không làm lễ hội, không tô tượng đúc chuông … họ chỉ dùng nét chữ, nét tài hoa, lòng nhân hậu và tình yêu đối với thủ đô, chỉ như thế thôi cũng đủ để gìn giữ hồ Gươm từ đời này sang đời khác.

Người Việt, nhất là những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, dù sống ở đâu, trong nước hay ngoài nước, nhưng mỗi khi nhớ về Hà Nội là lại nhắc đến hồ Gươm với nỗi niềm tha thiết. Có những người gắn bó tình yêu với hồ Gươm bằng vần thơ, câu hát … nhưng cũng có những con người cứ lặng thầm gắn cả đời mình ở nơi đó bằng những việc làm chẳng giống ai.

Nửa đời khắc bút bên hồ Gươm…

Nửa đời người dưới cây đa già cổ thụ, với hộp đồ nghề nhỏ bé, ông tỉ mẩn khắc từng chiếc bút với lòng yêu nghề của mình. Có mấy thanh niên bây giờ biết đến cái thời ngày xưa với những thân bút khắc dòng thương dòng nhớ.  Cũng biết bao nhiêu người đã bỏ nghề khắc bút nhưng ông vẫn gắn bó với công việc này tại góc đền Bà Kiệu, Hà Nội. Ông là Lê Văn Quý, sinh năm 1936, hiện sống tại Phúc Tân, Hà Nội, được nhiều người ví là "người khắc chữ cuối cùng" còn sót lại của đất Tràng An xưa.

Ông Quý đang khắc bút cho khách.

Ông vốn quê Hưng Yên, nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Trước khi làm nghề khắc bút, ông là thợ đóng giày. Nhưng thời đó, lượng người đi giày ít hơn bây giờ nên ít việc, ông đã chuyển sang công việc khắc bút lưu niệm cho người qua lại bên hồ Gươm. Cách đây nửa thế kỷ, chiếc bút máy là vật bất ly thân của nhiều người trong xã hội nên nghề khắc bút ở Hà thành còn thịnh hành. Lúc ấy, có nhiều cửa hàng khắc bút bằng máy mọc lên ở phố Hàng Bông, Hàng Gai, ông chia sẻ : “Hồi đó, thấy những chiếc máy khắc bút xuất hiện ở phố Hàng Gai không đẹp bằng chữ mình, nên tôi mày mò học cách chuyển những vần chữ của mình lên đồ vật bằng gỗ, nhựa...”.

Ông tự nhận mình có cơ duyên với nghề khắc bút, ông cho biết: “Tôi vốn sinh ra trong một gia đình khá khó khăn, phải phụ giúp cha mẹ nuôi các em, nhưng tôi lại có sự yêu thích đặc biệt với màu sắc, hình vẽ. Đến khi tình cờ bắt gặp một cây bút có khắc tên cùng với hình bông hoa hồng rất đẹp của bạn mình, tôi đã nảy sinh ra ý tưởng làm nghề khắc bút để làm kế mưu sinh và cũng để thỏa mãn sở thích được vẽ ra những đường nét mà mình ao ước bấy lâu”.

Những ngày đầu bước chân vào nghề, ông gặp rất nhiều khó khăn vì nét vẽ còn thô, cứng, khắc lâu tay mỏi, đau nhức, phải nghỉ cho giãn gân cốt mới khắc được tiếp. Mất hơn 2 tháng chăm chỉ tập khắc, những nét vẽ thô ráp mới trở nên bay bướm, mềm mại theo ý mình. Từ năm 21 tuổi ông bắt đầu sự nghiệp khắc bút của mình, tài khắc của ông đẹp và tinh xảo đến độ khiến các cửa hàng khắc bút thời đó đều bị mất hết khách.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người thợ cùng lứa với ông đã từng người bỏ nghề đi làm việc khác hoặc nghỉ hưu, nhưng riêng ông Quý với niềm đam mê vẫn kiên trì hằng ngày ngồi khắc bút cho những khách hàng tìm đến với ông.

Trong quãng thời gian gắn bó với nghiệp khắc bút của mình có những kỷ niệm mà đến giờ ông Quý không thể nào quên được và cũng nhờ đó làm ông thêm yêu cái nghề “cổ lỗ sĩ” này hơn. Ông chầm chậm nhớ lại kỷ niệm về chiếc bút tìm được mộ liệt sĩ của hai mẹ con người Thái Bình hay chiếc bút kim tinh của một người khách từng có nét khắc của mình với cảm xúc rưng rưng, bồi hồi.

Một chiếc bút khắc của ông khá rẻ, thu nhập hàng tháng chỉ để ông tập thể dục và uống trà, nhưng 50 năm nay, ông chưa nghĩ đến việc bỏ nghề. Ông chia sẻ, ông làm nghề vì yêu quý và trân trọng từng đường nét bay bổng, uốn lượn trên thân bút, chứ không để làm giàu.

Nhiều người trẻ bây giờ quen thuộc với bút bi, bút chì nên ông không có người để truyền nghề. Ông ngậm ngùi: “Không biết sau này khi mình mất đi, còn có ai nhớ tới nghề này không?”.

Ông – “người khắc bút cuối cùng” của đất Tràng An, đại diện cho sự tài hoa, khéo léo đang dần mai một trong sự ồn ã, sôi động của một thành phố hiện đại. Ông vẫn lặng lẽ ngồi đó, tỷ mỷ với từng đường nét, màu sắc trên thân bút, như một cách níu giữ lại những nét văn hóa truyền thống, những điều chỉ còn có trong “thời xa vắng”.

Đệ nhất đánh giày Hà thành

Đến số 22, 24 phố Tràng Tiền hỏi ông Bảng “hói” đánh giày thì không ai không biết. Ông là Đinh Văn Bảng, sinh năm 1933, quê vùng chiêm trũng huyện Bình Lục, Hà Nam. Có thể nói, ông là người đánh giày lâu nhất Việt Nam, đến 65 năm, và có người ví ông là “Đệ nhất đánh giày Hà Thành”.

Ông Bảng "hói" vẫn tỉ mỉ, tận tâm với công việc tưởng chừng thấp kém của mình

Vào nghề từ năm 1945, rời quê ở Bình Lục (Hà Nam) lên Hà Nội. Thời ấy, khách hàng là những quan chức thời Pháp và những “ông lính Tây”, họ đều hết sức cầu kỳ khi bảo lũ trẻ đánh giày chăm sóc giày cho mình. Con đường vào nghề đánh giày của ông Bảng cũng khá gian nan. Ông kể: “Bước vào làng đánh giày ban đầu hết sức khó khăn vì bị các đàn anh bắt nạt. Để dễ làm ăn, tôi gia nhập một bang và làm thuê cho các đàn anh. Mỗi lần phải nộp 3 đồng tiềng Đông Dương. Khối lần mải chơi, không nộp đủ tiền một ngày là no đòn với chúng”.

Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi VN, ông cũng hết việc vì không còn khách để phục vụ. Năm 1980, ông lên Hà Nội đạp xích lô, nhưng đến năm 1986, ông quay trở lại nghề đánh giày, giữ nghề từ đó đến nay và “đóng đô” ở vỉa hè kẹt giữa nhà số 22 và 24 Tràng Tiền.

Hàng của ông chẳng cần biển hiệu nhưng khách vẫn nườm nượp tìm đến. Khách của ông rất nhiều, có người gom giày của cả gia đình người thân đến thuê ông đánh một thể. “Có những khi tôi nhận một lúc 12 đôi giày của khách” - ông kể.

Họ đều “phê” cách ông đánh giày, cách ông chăm sóc những đôi giày, đôi dép như một nghệ nhân: Ông dùng tới 4 cái bàn chải và một tấm mút. Ban đầu những đôi giày được chải bằng cái bàn chải to nhất để rơi rụng hết cát bụi. Cái bàn chải thứ 2 dùng để quét xi vào những mặt phẳng rộng, cái thứ 3 để quét xi vào khe, góc giày. Đến cái bàn chải thứ 4 là để đánh bóng và cuối cùng dùng mút để làm cho đôi giày trông như mới.

Cái tên “Bảng hói đánh giày” giờ đây đã trở thành một thương hiệu ăn khách, nên ông làm không hết việc. Người đánh giày bây giờ không thiếu, nhưng để có uy tín và nổi tiếng như ông thì chưa ai làm được. Ông chia sẻ: “Đánh giày không khó, nhưng để có thương hiệu trong hàng chục năm qua với cái nghề mà không ít người đánh giá tầm thường không phải dễ dàng, phải cẩn thận, chỉn chu lắm mới được”.

Không phải cứ những việc danh giá sẽ tạo ra những con người danh giá, có những người sống bằng những nghề tưởng chừng ở cấp bậc thấp, nhưng bằng sự tài hoa, bằng sự tỉ mỉ của mình, họ trở nên nổi tiếng và được nhiều người kính trọng. Và ông Bảng “hói” đánh giày, với 65 năm gắn bó với việc nâng niu, chăm sóc từng đôi giày, đã tạo được một ấn tượng đẹp về những con người làm nghề bằng cả trái tim.

Bà lão “nuôi rùa”

Khi bóng nắng ngả sau đền Ngọc Sơn, có một cụ bà nhỏ nhắn khệ nệ ôm cơm khô, vụn bánh mỳ lặng lẽ thả xuống mặt hồ nơi chân tháp Bút. Bắt đầu từ năm 1954 đến nay, chiều nào cũng vậy, bà Quách Thị Gái ( số 48, ngõ Phát Lộc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã làm cái việc mà bà cho là “nhân đức” ấy, không quản đông hay hè, nắng ráo hay mưa dầm. Bà nhẩm tính: “Cái việc… nuôi cá hồ Gươm này, tôi đã làm được hơn 20 năm rồi”.

Bà Gái đang chuẩn bị thức ăn cho "cụ" Rùa.

Bà Gái chỉ nhớ mang máng, năm nay mình đã 88 tuổi. Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 5 giờ chiều, bà lại mang bánh mỳ, cơm nguội ra hồ Gươm cho cá ăn. Bà vốn là người quê gốc Đông Anh, con nhà nho nhưng đông anh em nên phải đi kiếm ăn sớm. Bà lên Hà Nội khoảng năm 1940, lúc Pháp còn đặt nền bảo hộ trên đất nước ta, bán quà bánh ở ga Hàng Cỏ. Gánh hành quà của bà đã đi suốt lịch sử Hà Nội trong thế kỉ 20. Suốt quãng thời gian ấy, bà chỉ nhớ nhất điều: Người ta quên cho cụ rùa Hồ Gươm ăn. Bà Gái bảo ngày xưa cũng có người chịu trách nhiệm cho rùa ăn, thế nhưng lâu nay không ai làm việc ấy nữa.

Bà kể, lúc đầu, bà tình cờ làm rơi một miếng bánh mỳ xuống hồ, lát sau thấy cá tập trung lại xâu xé, ăn ngon lành. Vậy là bà nảy ra ý định kiếm ít bánh mỳ cho “chúng nó” ăn. Vậy là, từ chỗ chỉ một vài cái, rồi nhiều dần. Theo thời gian, giờ mỗi ngày bà phải cho cá ăn đến 3, 4 kg bánh mỳ. Xin được bao nhiêu là cho bấy nhiêu.

Để có được số bánh làm thức ăn cho rùa, bà phải dậy từ tinh mơ lúc các mẻ bánh mì ra lò. Sang ngày mới, bà bắt đầu bằng việc kiểm tra các thứ đã xin được. Rồi bà tỉ mẩn phân loại riêng từng thứ, cơm ra cơm, bánh mỳ để riêng phần bánh mỳ. Những bánh mỳ nào còn nguyên chiếc, bà phải cho ra thái lại, băm nhỏ, để cá ăn dễ hơn. Không thừa lại, lãng phí, gây ô nhiễm cho hồ. 

Bà tâm sự: “Nhiều lần đến các nhà hàng, lò bánh... họ thấy mình già, tay cầm túi họ tưởng tôi là ăn xin, nên không ít lần họ xua đi. Lúc đầu tôi bỏ tiền ra mua. Lâu rồi họ cũng biết, giờ thì họ chẳng lạ gì tôi nữa, chỉ cần thấy mình là họ đem cho”. 

Bà chia sẻ, trong các loại thức ăn chỉ có vụn bánh mỳ là sạch sẽ nhất, khan hiếm quá thì phải xin cơm về rồi phơi khô chứ không dùng nước vo, thức ăn bẩn, cá ăn vào bệnh, “cụ rùa cũng khổ lây”. 

Ban đầu, thấy bà cho cá hồ ăn, cũng không ít lời dị nghị, người cho rằng bà "bị hâm", "già rồi, sinh lẩm cẩm mới đi làm cái việc trời ơi đấy". Thậm chí họ còn cay độc "bà này bị điên ấy mà, kể làm gì?"... Nhưng bà mặc, hằng ngày vẫn âm thầm làm cái việc mình cho là “nhân đức”.

Bà Gái chia sẻ "Thời gian gần đây sức khỏe của tôi không được tốt, con cháu cũng phản đối ghê lắm. Chúng sợ tôi đi lại nhiều, mắt mờ chân chậm nhỡ may có chuyện gì... Nhưng, ngày nào không ra cho chúng nó ăn tôi lại thấy bứt rứt khó ở. Thương con, yêu cháu, nhưng cũng nhớ lũ cá lắm".

Và cứ như thế, ngày lại ngày, người đi đường lại bắt gặp một bà lão, dáng người bé nhỏ, ôm theo từng túi bánh mì, cơm nguội cho cá ăn ở chân tháp Bút. Có người thể hiện tình yêu với Hà Nội bằng những vần thơ, bài hát ngợi ca hay những bản thiết kế, những ý tưởng xây dựng làm đẹp cho thủ đô. Nhưng cũng có những người như bà Gái gìn giữ, chăm sóc “biểu tượng của hồ Gươm” một cách lặng lẽ, âm thầm như chính cuộc đời của bà vậy.

Gánh con, gánh cả cuộc đời

Những người thường xuyên qua lại trên đường Lê Thái Tổ đã quá quen thuộc hình ảnh một cụ bà tóc bạc phơ, đôi mắt đục nhòe, chốc chốc lại khơi khơi cái cơi đựng trầu móm mém nhai. Cụ bà có tên là Phan Thị Yến (88 tuổi). “Quán nước” của cụ nằm lọt sau ghế đá đối diện với con phố Bảo Khánh.

Không quản mưa nắng, cụ Yến vẫn dọn hàng để mưu sinh và nuôi con.

Gọi là quán nước cho “oai”, chứ thật ra hàng nước của cụ chỉ vỏn vẹn có một cái làn cũ rách đựng vài bao thuốc lá, mấy gói hướng dương, đôi ba chai nước, vài phong kẹo lạc và ấm nước chè... Chỉ với từng ấy đồ hàng, 30 năm nay cụ ngày đêm mò mẫm mưu sinh để kiếm tiền nuôi mình và những đứa con bệnh tật.

Cụ Yến là người Hà Nội gốc, trước đây nhà cũng ở chính con phố Bảo Khánh. Cùng với chồng, cụ làm đủ mọi nghề để mong đủ tiền nuôi các con, từ bán xôi ở chợ Đồng Xuân, bán cháo dạo... để lo cho gia đình và kiếm tiền chữa bệnh cho cô con gái bị bại liệt. Khi chồng mất, mất đi chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất, gia đình cụ Yến càng trở nên suy sụp. Sức khỏe yếu dần, cụ không còn lang thang trên đường phố để bán hàng, đành ở đầu phố Bảo Khánh để mở một quán nước chè. Khi đó, các con cụ quay ra giành giật căn nhà tập thể gia đình đang ở. Không đành lòng nhìn cảnh anh em tranh giành lẫn nhau, cụ đành bán đứt ngôi nhà để chia cho các con, rồi cùng người con trai út và cô con gái bị bại liệt ra thuê nhà ở ngoài bãi ven sông Hồng.

Khi ai đó hỏi đến chuyện cô con gái, cụ lặng im hồi lâu, rồi gục xuống đôi bàn tay gầy gò nhăn nheo, nước mắt cứ thế trào ra, nhưng cụ không giấu giếm: “Giờ đây nó đã 63 tuổi rồi mà cũng chỉ ú ớ nắm một chỗ. Tôi thương con nên không thể nào vô tình với chúng nó được, còn sống ngày nào tôi vẫn sẽ làm để nuôi nó và mua thuốc cho nó…”.

Nhưng bất hạnh cuộc đời cụ không chỉ dừng ở đó, cụ có bốn người con, cô con gái đã bị liệt nhiều năm. Người con trai cả vốn được hi vọng vì làm ăn khá thì mắc bệnh ung thư, chết đi để lại người vợ không nghề nghiệp bị bệnh tim bẩm sinh và hai đứa con thơ dại.

Người con trai thứ hai trước là công nhân nhà máy nước nhưng gặp tai nạn bị ống nước đè gãy chân trở thành tàn phế. Người con trai út đi bộ đội 7 năm về nhưng giờ sức khỏe yếu ở nhà chỉ trông chờ vào lương của vợ làm công nhân vệ sinh nhà máy nước.

Với quán nước nhỏ này, cụ phải kiếm tiền nuôi mình, vừa phải phụ giúp con trai trả tiền nhà và lo cho cô con gái. Bữa trưa của cụ thường chỉ là gói xôi 2.000 đồng, còn bữa tối là cái bánh mì không nhân.

Từ ngày hoàn cảnh của bà được nhiều người biết đến, có nhiều người qua mua của bà điếu thuốc, phong kẹo hay biếu bà chút tiền để đỡ dần cuộc sống. Nhưng chính vì những bài báo đầy cảm thông được đăng mấy tháng nay mà bà bị “đuổi” khỏi chỗ bán hàng cũ. Bà chia sẻ: “Từ ngày các cô chú cho tôi lên báo, người ta “đuổi” tôi sang đây, 7h30 tối mới được về chỗ”. Bà phải vạ vật tại các ghế đá công viên đối diện phố Bảo Khánh để chờ đến giờ về chỗ bán cũ.

Tôi hỏi mua một chai nước, rồi cố tình đưa thừa cụ chút tiền vì hết tiền lẻ, cụ vui mừng cảm ơn tôi, vuốt thẳng lại tờ tiền rồi cẩn thận cất vào túi. Đôi mắt đục mờ của cụ chợt sáng lên, có một nét cười trên khuôn mặt già nua trong chiều đông rét mướt. Có những người được sống hạnh phúc, hưởng thụ sự an nhàn, sung sướng. Nhưng cũng có những mảnh đời nghiệt ngã như cụ Yến, gánh con, gánh cả cuộc đời…

Những con người ấy, mỗi người gắn bó với một công việc bình dị, thậm chí tưởng chừng như lạ lùng, vốn được nhiều người coi là “lỗi thời, dị biệt” giữa dòng đời tấp nập xô bồ ngày nay. Nhưng vô hình trung, họ đã giúp Hà Nội lưu giữ lại những nét thân thương, gần gũi nhất của một thời quá vãng vốn đã tưởng như “chìm nghỉm” giữa cuộc sống bon chen bộn bề thời hiện đại.

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc