Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội

14:04 | 08/08/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Xưa nay phố cổ Hà Nội luôn là một trong những điểm đến được du khách yêu thích. Nơi đây thu hút khách du lịch bởi nét đẹp cổ kính xưa cũ phảng phất trên từng mái ngói, từng ngõ phố…

Những ngôi nhà ở trong phố cổ hầu như đều chung một kiểu cách với dạng ống nhỏ nhắn, mái ngói rêu phong, bạc màu thời gian… Cho đến nay, chỉ còn lại rất ít những ngôi nhà lưu giữ được nét đẹp cổ kính, trở thành nơi du khách muốn tìm đến để tận mắt thấy những nhân chứng lịch sử mang nét đẹp cổ kính đặc trưng của nếp nhà Thăng Long - Kẻ Chợ xưa.

Ngôi nhà 42 phố Hàng Cân

Với 36 phố phường của Hà Nội, phố Hàng Cân là một trong những tuyến phố được hình thành sớm nhất. Trong ký ức của nhiều người Hà thành, phố Hàng Cân luôn là tuyến phố sầm uất bậc nhất khu phố cổ Hà Nội. Giống như nhiều con phố khác ở phố cổ, Hàng Cân hiện nay còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà với “tuổi thọ” lên tới hàng trăm năm tuổi. Trong đó, nổi bật là căn nhà số 42.

Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội
Ngôi nhà có dạng hình ống, 2 tầng, tổng diện tích là 108 m2. Vào thời điểm mới được xây dựng, ngôi nhà số 42 là công trình cao nhất, to nhất ở khu Hàng Cân - Hàng Bồ.
Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội
Ở tầng 1, có một phòng khách, 2 giếng trời để lấy ánh sáng vào nhà, phòng bếp và nhà vệ sinh. Trong khi đó, tầng 2 của ngôi nhà được sử dụng làm nơi sinh hoạt của cả gia đình.
Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội
Mặt tiền ngôi nhà được thiết kế làm nơi kinh doanh, tại đây vẫn còn lưu giữ tấm biển hiệu Ích - An.
Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội
Đặc biệt, tầng 2 là nơi sinh hoạt của cả gia đình được làm gần như hoàn toàn bằng gỗ lim - một loại gỗ quý, bao gồm các công trình như sàn nhà, cột gỗ, cửa sổ, cửa ngoài, hệ thống cầu thang…

Ngôi nhà được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Người xây dựng ngôi nhà là cụ Trần Hữu Lập (người gốc Hà Nội), người sáng lập ra cửa hiệu Ích - An nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 và là cha của cố GS Trần Hữu Tước. Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu “nhà hộp diêm”, đặc trưng của nhà cổ Hà Nội vào thế kỷ trước.

Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây

Nằm giữa con phố trung tâm của phố cổ, ngôi nhà được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX với tổng diện tích là 157.6m2. Ngôi nhà bắt đầu được trùng tu từ cuối năm 1998, và được hoàn thành vào ngày 27/10/1999 trong khuôn khổ hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và Thành phố Toulouse (Pháp). Ngôi nhà 87 Mã Mây được cấp bằng Di sản cấp Quốc gia vào ngày 16/2/2004.

Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội
Bên ngoài ngôi nhà di sản 87 Mã Mây.
Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội
Sau nhiều năm hình thành, đến nay nhà cổ Mã Mây đã được đổi chủ nhiều lần và cũng đã được trùng tu nhưng nó vẫn giữ được nét nguyên sơ ban đầu.

Ngôi nhà mang đặc trưng của nhà cổ xưa Hà Nội, theo dạng hình ống và có nhiều lớp nhà, giữa các lớp nhà có sân để lấy ánh sáng và không khí, có sân bày chậu cảnh tạo cảnh quan môi trường, có cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Kết cấu chủ yếu của công trình là gỗ và có nhiều họa tiết trang trí.

Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội
Nhà cổ 87 Mã Mây vẫn lưu giữ nhiều kỷ vật, đồ dùng cổ từ xưa.
Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội
Không chỉ kiến trúc, mà phần lớn đồ gia dụng trong căn nhà trăm năm tuổi này cũng được làm bằng gỗ, nhất là những thứ quan trọng như bàn thờ, sập gụ, tủ chè.
Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội
Cầu thang lên gác trên nghiêng 70 đến 75 độ là nét kiến trúc đặc sắc của người Hà Nội xưa.
Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội
Tầng hai là không gian thờ và phòng ngủ. Giữa các lớp nhà có sân bày chậu cảnh tạo cảnh quan môi trường, có cảm giác gần gũi với thiên nhiên.

Hiện nay, ngôi nhà trở thành điểm giới thiệu đến người dân và du khách về ngôi nhà đặc trưng của người Hà thành trong khu phố cổ Hà Nội. Du khách đến tham quan ngôi nhà sẽ được hiểu hơn về nếp sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Đây cũng là nơi giới thiệu kiến trúc cổ Hà Nội và gợi ý về cách bảo tồn, tôn tạo nhà cổ.

https://dulich.petrotimes.vn/

Nguoihanoi.com.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]