Những “ngôi nhà có ngọn lửa ấm”

09:02 | 05/09/2018

319 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong cuộc sống, họ là những con người thiếu may mắn, vì điều kiện sức khỏe hay chưa kịp thích nghi với cung cách làm ăn nơi “quê mới” nên không có được nếp nhà vững chãi. Nhưng họ đã không lạc lõng hay bị bỏ rơi, sự sẻ chia của cộng đồng đã giúp xóa đi mối lo canh cánh khi mưa gió tràn về…

Mặc độc chiếc quần cộc, ông Quang Văn Xiêng (SN 1948) ở bản Thanh Hòa, xã Thanh Sơn (Thanh Chương - Nghệ An) tỉ mẩn vót từng chiếc nan. Người đàn ông ấy đang ngồi đan chiếc bế - một loại đồ dùng của đồng bào Thái, đây là công việc gần như hằng ngày của ông Xiêng. Thấy người lạ đến nhà, ông tỏ vẻ hốt hoảng, xếp vội mấy thứ đồ đạc rồi định bước ra cửa bỏ đi. Chị Lô Thị Thêu là cán bộ Đoàn xã Thanh Sơn đã kịp bước lại và giải thích: “Cháu có việc qua đây, ghé vào thăm bác. Anh này là bạn!”.

Nhận thấy đã yên tâm, ông Xiêng mới chịu ngồi xuống và tiếp tục với những chiếc nan, công việc diễn ra trong lặng lẽ. Lúc này, chúng tôi mới để ý đến ngôi nhà nhỏ mái lợp tôn, tường gạch ông Quang Văn Xiêng đang ở. Chị bạn cho hay: “Ông Xiêng mắc bệnh thần kinh, thấy người lạ là sợ, khả năng nghe và nói cũng khó khăn nên rất ít khi giao tiếp. Bố mẹ mất sớm, sống độc thân từ hồi còn nhỏ, cái ăn hằng ngày chủ yếu nhờ họ hàng và bà con trong bản”.

nhung ngoi nha co ngon lua am
Ngôi nhà mới của gia đình anh Cụt Văn Mạo, bản Thanh Bình, xã Thanh Sơn (Thanh Chương)

Hơn 10 năm trước, khi triển khai xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, ông Quang Văn Xiêng cùng dân bản rời xã Kim Đa (Tương Dương) về khu tái định cư xã Thanh Sơn (Thanh Chương). Gia tài chẳng có gì đáng giá, bà con dân bản giúp ông dựng mấy chiếc cột bằng gỗ tạp và gác lên mấy tấm lợp proximang thành túp lều nhỏ để tránh nắng, che mưa. Sức khỏe yếu, không nguồn thu nhập, cái ăn hằng ngày phải nhờ đến sự giúp đỡ của bà con họ hàng, chủ yếu là vợ chồng người cháu họ Quang Văn Thoong. Nhà ở gần, hằng ngày đến bữa ăn, anh Thoong đưa sang cho người chú họ của mình một ít cơm và thức ăn. Nhờ đan lát đẹp, bà con trong bản thường mang sợi mây và tre, nứa đến nhờ ông Xiêng đan giúp chiếc bế và các loại đồ dùng. Xong việc ông được trả công bằng những gói mỳ tôm để ăn bữa sáng hay khi vợ chồng anh Thoong đi làm xa, không kịp về nấu cơm.

Túp lều xiêu vẹo, mưa dột tứ bề, gia đình anh Thoong cũng thuộc diện khó khăn nên chưa có cách gì để giúp đỡ người chú họ. Rất may, Đoàn xã Thanh Sơn đã tìm cách “kết nối” được với các nhà hảo tâm, hỗ trợ 25 triệu đồng giúp ông Quang Văn Xiêng làm nhà. Số tiền ấy chỉ đủ để xây một căn nhà rất nhỏ, nhưng đó là niềm mơ ước cả đời của ông Xiêng. Từ đây, mỗi khi mưa gió không phải chạy sang nhà khác trú nhờ.

Rời bản Thanh Hòa, chúng tôi sang bản Thanh Bình và tiếp tục chứng kiến niềm vui của chị Moong Thị Ngọc. Hôm ấy, dù bàn chân bị sưng vì đi rừng lấy măng giẫm phải gốc nứa, nhưng khi hỏi về ngôi nhà mới, chị Ngọc vẫn vui vẻ chuyện trò: “Vợ chồng tôi hay đau ốm, mất nhiều tiền thuốc thang, không làm được nhiều, không có gì để tích lũy nên cuộc sống khó khăn lắm. Rất may được các anh chị ở Đoàn xã quan tâm, kêu gọi hỗ trợ nên mới có được ngôi nhà này”.

Trước kia, vợ chồng chị Ngọc ở xã Hữu Dương (Tương Dương), thuộc quy hoạch vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ nên phải di dời về khu tái định cư xã Thanh Sơn. Là người dân tộc Khơ mú, quen sống ở nơi lưng chừng dãy núi, cái ăn gần như dựa vào núi rừng, khe suối nên khi về đây không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong cung cách làm ăn. Đồi thấp, đất cằn không trồng được lúa, chỉ trồng được cây keo, mà cây keo thì phải 5-7 năm/lứa. Ruộng lúa mới được cải tạo nên chưa có lớp đất màu, cây lúa cấy xuống còi cọc, bông lúa lơ thơ. Mà diện tích được chia theo hộ, theo khẩu cũng không nhiều nên việc làm ăn ở “quê mới” càng thêm gian nan, vất vả. Để có cái ăn hằng ngày, anh Cụt Văn Mạo (chồng chị Ngọc) phải đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, từ đào đất, chặt keo đến thu hoạch mùa màng.

Sức khỏe không bảo đảm, bị căn bệnh đau dạ dày thường xuyên hành hạ nên có khi anh Mạo làm được 1 ngày phải nghỉ đến 2 ngày, số tiền làm ra may chăng chỉ đủ mua thuốc. Chưa kể tiền mua sắm áo quần, sách vở cho các con ăn học, gia đình Khơ Mú này luôn ở trong cảnh túng thiếu. Ngôi nhà làm bằng tranh - tre - nứa - lá từ hồi mới chuyển xuống đã mục nát, xiêu vẹo, hễ trời mưa to là cả nhà ôm đồ đạc sang hàng xóm ngủ nhờ. Những lúc như thế, chỉ ước có được ngôi nhà đủ kín để con cái đỡ khổ nhưng chưa biết bao giờ thành hiện thực.

Niềm vui chợt đến bất ngờ, được hỗ trợ 25 triệu đồng, anh Cụt Văn Mạo xin chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào rừng khai thác một ít gỗ và vay mượn thêm để làm nhà mới. Sau mấy tháng nỗ lực, nay gia đình anh đã có được ngôi nhà vững chãi với mái lợp ngói đỏ, tường xây gạch, lại có thêm nhà bếp và mái hiên lợp proximang. Hôm chúng tôi đến chỉ có chị Moong Thị Ngọc và hai đứa trẻ ở nhà, còn anh Cụt Văn Mạo đang đi chặt keo thuê để gom góp một khoản tiền mua gạch hoa về lát nền. Vậy là niềm mơ ước của gia đình anh đã thành hiện thực, các thành viên đều phấn khởi. Đây chính là nguồn động lực để vợ chồng anh vươn lên trong cuộc sống.

Bản Thanh Hòa có 84 hộ dân với 385 khẩu, trong đó có 46 hộ sử dụng nhà xây của dự án và cũng đều bị xuống cấp.

Ghé bản Chà Coong 2, chúng tôi vào chia sẻ niềm vui với gia đình anh Lương Văn Thân vừa chuyển vào ngôi nhà mới chưa lâu. Sau khi kết hôn, vợ chồng anh Thân được bố mẹ cắt cho một mảnh vườn nhỏ ở riêng. Bố mẹ không khá giả nên chẳng giúp đỡ được gì, vợ chồng anh lại chưa có vốn, con còn nhỏ nên chỉ dựng được túp lều ở tạm, đồ đạc không có thứ gì giá trị. Diện tích đất rừng ít nên anh Thân để lại cả cho bố mẹ và các em, hằng ngày anh và vợ kiếm sống bằng cách làm thuê, làm mướn. Có khi, anh phải vào tận Quảng Ngãi kiếm việc, công việc vất vả, nhọc nhằn nhưng tích lũy vẫn chưa được là bao. Đã thế, do làm công việc nặng nhọc nên khi trái gió trở trời, cổ và vai của anh cứ buốt nhức, phải nghỉ làm, lại tốn thêm tiền thuốc. Do vậy, ngôi nhà với vợ chồng anh vẫn chỉ là giấc mơ xa vời…

Cũng như ông Quang Văn Xiêng và vợ chồng anh Cụt Văn Mạo, gia đình anh Lương Văn Thân được hỗ trợ 25 triệu đồng làm nhà. Khoản tiền không lớn, lại chưa có tích lũy nên anh chỉ làm được một căn nhà nhỏ, tường xây bằng gạch, mái lợp proximang. Nhưng dù sao hơn túp lều cũ hàng ngàn lần, vợ chồng và đứa con nhỏ đã có thể yên tâm mỗi khi mưa to, gió lớn…

Chị Lô Thị Thêu - Phó bí thư Đoàn xã Thanh Sơn cho biết: “Trước những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi luôn tìm cách liên hệ, kết nối với các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm hỗ trợ kinh phí làm nhà. Khi có ngôi nhà vững chãi bà con sẽ ấm lòng và xây đắp niềm tin để vượt lên hoàn cảnh”.

nhung ngoi nha co ngon lua amThầy cô đến trường sau lũ: Không điện, không nước, thức ăn cũng không còn
nhung ngoi nha co ngon lua am"Kỷ lục" buồn về đẻ ở Tây Bắc

Trần Công Kiên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps