Hướng tới kỷ niệm 61 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2022):

Những năm tháng đi tìm 'lửa' cho đất nước (Tiếp theo và hết)

07:25 | 23/11/2022

3,595 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Từ kết quả nghiên cứu khảo sát ở Đồng bằng sông Hồng, các nhà địa chất - địa vật lý nhận định rằng, theo hướng ra biển thì triển vọng dầu khí tốt hơn trong đất liền.
Những năm tháng đi tìm 'lửa' cho đất nước (Tiếp theo và hết)
Ông Trương Minh và ông Chí Hiếu cùng các chuyên gia Liên Xô trên tàu Bình Minh

Triển vọng dầu khí ngoài biển

Theo chỉ đạo của Tổng cục Địa chất, mùa hè năm 1968, Đoàn 36 cử đoàn khảo sát vùng ven biển Vịnh Bắc Bộ dọc theo các tỉnh Nam Định, Thái Bình. Đoàn gồm các kỹ sư, kỹ thuật viên địa vật lý và trắc địa. Nhiệm vụ của đoàn là khảo sát các điều kiện địa dư, vật lý biển, địa chất khu vực các đảo Cồn Đen, Cồn Lu, Cồn Thông, Cồn Thủ để lập phương án thăm dò địa vật lý.

Do thiếu thốn về kinh phí và phương tiện tàu thuyền, đoàn phải đi theo các thuyền đánh cá, làm việc sinh hoạt cùng với ngư dân. Ban ngày tham gia kéo lưới bắt cá kết hợp khảo sát đo đạc chiều sâu biển, theo dõi quy luật và cường độ sóng gió và thủy triều, vẽ bản đồ các đảo. “Biết được mục đích công việc của chúng tôi, người dân ở vùng biển Thái Thụy - Thái Bình hết sức nhiệt tình giúp đỡ. Khi chuẩn bị chuyến đi biển, ngư dân khuyên chúng tôi không cần đem theo nhiều thứ, chỉ cần gạo muối, một số gia vị, rau thơm, bếp dầu, vài bộ áo quần cộc và... rượu quốc lủi. Quả thực, làm việc trên biển hằng tuần mà chúng tôi không cần gì thêm ngoài những thứ mang theo, các bữa ăn trên thuyền rất đầy đủ, chúng tôi được ăn những con cá ngon tươi nhất vừa mới bắt được chế biến ra đủ các món cá và đặc biệt là món gỏi cá. Buổi tối nghỉ lại trên thuyền hoặc ghé vào bờ đảo gần đó để nhâm nhi chén rượu với cá nướng, rồi ngủ lại trên bãi cát vô cùng thú vị”, ông Trương Minh kể.

Những câu chuyện về phong tục tập quán và cách làm ăn sinh sống của ngư dân vùng biển, kinh nghiệm đi biển đã trở thành những kiến thức quý giá không có trong sách vở. Qua đó, các nhà địa chất thu thập được nhiều tư liệu cần thiết về biển như thời tiết, sóng gió, thủy triều...

Đợt khảo sát này đã cho đoàn rất nhiều tư liệu quý giá để vạch ra được phương án tiến ra biển, khởi đầu cho việc thăm dò dầu khí ở vùng biển phía Bắc nước ta. Những chuyến khảo sát tương tự đã chuẩn bị cho việc triển khai công tác thăm dò dầu khí ra ngoài khơi vịnh Bắc Bộ bằng tàu địa chấn đầu tiên Bình Minh, chuẩn bị các giếng khoan dầu khí sâu đến 5.000m đầu tiên. Sau khi có số liệu ở vùng nước nông, Liên đoàn Địa chất 36 xác định vị trí giếng khoan sâu tìm kiếm số 110 ở vùng Cồn Đen do Liên đoàn phó Phan Minh Bích phụ trách.

Ngày 26-3-1976, tàu ra khơi để nổ phát đầu tiên trên tuyến địa chấn 4 liên kết cấu tạo Bạch Hổ với đồng bằng. Từ sáng sớm, đoàn tàu kỹ thuật, đốc nổi hậu cần, tàu hải quân dẫn đường và bảo vệ xuất phát từ cảng Sài Gòn ra biển. Quá trưa, đoàn đã đến tọa độ Bạch Hổ, súng hơi bắt đầu nổ phát đầu tiên, công việc rất suôn sẻ. Nhưng thuyền trưởng người Pháp thông báo sắp có giông tố. Quả thật, đến xế chiều, mây đen bỗng ùn ùn kéo đến, mưa to, gió giật, biển động rất mạnh. Tàu phải chạy loanh quanh cắt ngang sóng để tránh, nếu tàu đi dọc sóng sẽ bị lật và chìm ngay. Mọi người hôm đó đều bị say sóng. Ông Đỗ Chí Hiếu đội phó còn bị đau bụng, uống thuốc gì cũng không đỡ. Tàu đốc nổi cũng đứt neo trôi dạt về phía đảo Phú Quý, không liên lạc được. Nếu không trở về đất liền kịp thời cấp cứu sẽ vô cùng nguy hiểm.

Đây là việc khó phải tính toán cẩn thận. Nếu tây ra lệnh về, tây chịu tiền. Nếu ta ra lệnh, ta phải trả 35 nghìn Franc mỗi ngày chờ tại bến, phải chịu thiệt trong khi đất nước nghèo. Phân vân mãi, cuối cùng hỏi ý kiến anh em, tàu được lệnh về cảng Vũng Tàu.

Tưởng mọi điều xuôi thuận, nào ngờ lại gặp sự cố khi tàu cập bến phao Zero, biên phòng bắt giữ vì tàu ngoại quốc không cắm cờ Việt Nam, không có giấy tờ mang theo. Đoàn người cả tây lẫn ta bị tạm giữ chờ giải quyết. Chiều hôm sau, đốc nổi mới được kéo về Vũng Tàu. Nhìn thấy nhau, anh em mừng khôn xiết, tưởng không còn gặp nhau nữa...

Hoàn thành khảo sát ở thềm lục địa, ông Minh cùng ông Nguyễn Đăng Liệu, Đỗ Chí Hiếu cùng đội địa chấn lại bôn ba khắp vùng châu thổ Cửu Long. Những kết quả khảo sát đi đến kết luận: Trên đất liền Đồng bằng sông Cửu Long ít có khả năng tìm thấy dầu khí.

Năm 1982, tàu Bình Minh - tàu địa vật lý đầu tiên của Việt Nam - đã khảo sát địa chấn ở vùng biển nông vịnh Bắc Bộ, đã xây dựng được bản đồ cấu tạo vùng biển nông ven bờ, làm rõ cấu trúc địa chất, liên kết địa chất trên đất liền với vùng thềm lục địa phía Bắc nước ta.

Từ năm 1978, với sự hợp tác quốc tế, hàng loạt các dự án thăm dò địa vật lý biển (địa chấn 2D, 3D; trọng lực, từ) đã được tiến hành trên toàn thềm lục địa Việt Nam và khu vực Biển Đông bằng các tàu địa vật lý Longva II (Na Uy), Poisk, Malgin và Gambursev (Liên Xô).

Những năm sau đó, việc khảo sát địa chấn biển do tàu địa chấn Bình Minh II (BM-II) của Việt Nam tiến hành. Hệ thống tuyến địa vật lý khu vực phủ hầu hết các khu vực trọng yếu đã cho phép vẽ bản đồ cấu - kiến tạo địa chất, phát hiện và khẳng định các cấu tạo có triển vọng, đặt cơ sở cho công tác khoan tìm kiếm - thăm dò dầu khí trên toàn khu vực...

Những năm tháng đi tìm 'lửa' cho đất nước (Tiếp theo và hết)

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học giá trị

Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, TSKH Trương Minh đã chủ biên rất nhiều công trình có giá trị như địa chấn phản xạ, khúc xạ bồn trũng sông Hồng, bẫy phi cấu tạo các bể trầm tích Việt Nam...

Ông Minh đã cùng tập thể các nhà khoa học Viện Dầu khí Việt Nam tham gia nghiên cứu cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoid trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây là cụm công trình lớn của ngành Dầu khí, là lần đầu tiên ở Việt Nam phát hiện dầu trong tầng đá móng. Trước đây, các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đều khoan đến tầng đá móng là dừng lại, bởi theo thuyết hữu cơ truyền thống, trong tầng đá móng không thể có dầu. Sau khi chúng ta thành công, mọi việc đã thay đổi. Riêng mỏ Bạch Hổ có đến 80% lượng dầu được khai thác từ tầng đá móng nứt nẻ.

Việc phát hiện ra dầu khí ở tầng đá móng là một kết quả ngẫu nhiên nhưng cũng là kết quả tất nhiên của những quyết định mạnh dạn vừa có tính khoa học vừa mang tính thực tiễn từ kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu khảo sát, tìm kiếm, thăm dò của Vietsovpetro, mở ra hướng mới vô cùng quan trọng trong công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long nói riêng và ở thềm lục địa Việt Nam nói chung. Đồng thời, đó cũng là yếu tố thu hút các công ty dầu khí thế giới đầu tư trở lại và thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.

Cho đến nay, ở ngưỡng tuổi U90, ông Trương Minh vẫn luôn nặng lòng với ngành Dầu khí với một tình yêu và đam mê khoa học công nghệ. Ông vui mừng và hạnh phúc vì trong thành tựu to lớn của ngành Dầu khí có một phần đóng góp của ông và những đồng nghiệp trong những năm tháng lăn lộn, tìm kiếm, đánh thức nguồn tài nguyên quý giá làm giàu cho đất nước.

Minh Châu

Những năm tháng đi 'tìm lửa' cho đất nước Những năm tháng đi 'tìm lửa' cho đất nước

DMCA.com Protection Status