Những kế hoạch định giá carbon có thể thay đổi hoạt động thượng nguồn

10:58 | 13/04/2021

|
Hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài phân tích về những tác động về mặt tài chính của quá trình giảm phát thải carbon đối với hoạt động thượng nguồn trong ngành công nghiệp dầu khí.
Những kế hoạch định giá carbon có thể thay đổi hoạt động thượng nguồn

Hiện nay, một số ít quốc gia trên thế giới đã yêu cầu các nhà sản xuất dầu khí phải đóng thuế carbon hoặc tham gia vào chương trình buôn bán khí thải (ETS). Điều này dẫn đến việc, khi các chính phủ tìm cách đáp ứng các mục tiêu về khử carbon, ngành dầu khí toàn cầu sẽ đối mặt với thách thức lớn để phát triển. Nếu chính sách thuế carbon được áp dụng rộng rãi sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn trong hoạt động thượng nguồn, đồng thời ảnh hưởng đến giá trị các tài sản dầu khí và tính kinh tế của các dự án dầu khí.

Phó Chủ tịch cấp cao về tài chính toàn cầu của Wood Mackenzie Graham Kellas cho biết, các mục tiêu khử carbon sẽ buộc các chính phủ phải lựa chọn: một là áp dụng thuế carbon đối với hoạt động thượng nguồn (mức thuế cố định áp dụng cho tất cả lượng khí thải CO2); hai là tham gia vào ETS. Theo ông Graham Kellas, ảnh hưởng tiêu cực của hai lựa chọn này đến hoạt động tài chính của một dự án thượng nguồn cụ thể có thể được giảm thiểu bằng công cụ hỗ trợ tín dụng cho các công ty dầu khí giảm phát thải khí CO2.

Thế giới hiện ghi nhận có hơn 60 cơ chế thu thuế/phí carbon đang tồn tại ở cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương. Các cơ chế phí carbon này có ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất dầu khí nhưng thực tế cho thấy chỉ một số ít khu vực sản xuất dầu khí lớn phải trả khoản phí trên 20 USD/tấn khí thải.

Một vài ví dụ về hoạt động tính phí carbon trong lĩnh vực thượng nguồn:

Na Uy là quốc gia đi đầu thế giới về việc tính phí carbon đối với lĩnh vực thượng nguồn. Nước này đã áp dụng thuế carbon từ năm 1991, đồng thời cũng là thành viên của chương trình ETS tại EU. Chương trình này có sự tham gia của Vương quốc Anh, được đánh giá là có quy mô lớn nhất thế giới. Thời gian gần đây, Chính phủ Na Uy đã đề xuất tăng gấp 3 lần mức thuế carbon đối với hoạt động thượng nguồn. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các công ty dầu khí tại Na Uy vì hoạt động thượng nguồn trên thềm lục địa của nước này đã phải trả mức thuế carbon cao nhất trên thế giới.

Kế hoạch carbon mới của Chính phủ Na Uy nhằm mục tiêu giảm lượng khí thải trong các lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp và rác thải, vốn chưa phải chịu thuế carbon. Tuy nhiên các nhà sản xuất dầu khí cũng trong khuôn khổ kế hoạch này. Chuyên gia nghiên cứu thượng nguồn của Wood Mackenzie Kyrah cho biết, các đề xuất cho thấy, thuế CO2 của Na Uy kết hợp với ETS của EU sẽ tăng lên mức 262 USD/tấn vào năm 2030. Những thay đổi trên sẽ làm tăng thuế carbon lên gần 2 tỷ USD/năm và khoảng 2 USD/thùng dầu trong chi phí vận hành (OPEX) đến năm 2030. Trong dài hạn, chi phí carbon có thể tăng lên đến 10 USD/thùng dầu quy đổi tại các mỏ dầu trưởng thành.

Tại khu vực Bắc Mỹ, tỉnh Alberta (Canada) là trung tâm sản xuất dầu khí đầu tiên tại khu vực áp dụng thuế carbon đối với các nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn từ năm 2007. Một năm sau, tỉnh British Columbia cũng đã thực hiện chính sách thuế carbon tương tự. Đến năm 2019 thì Chính phủ liên bang Canada đã áp dụng thuế carbon trên phạm vi toàn quốc. Trong năm 2020, Chính phủ Canada đã công bố thuế carbon sẽ tăng lên 135 USD/tấn vào năm 2030. Tại Mỹ, sự lo ngại của các nhà sản xuất dầu khí đang gia tăng khi chương trình nghị sự “xanh” của Tổng thống Biden dự kiến sẽ tăng mạnh phí carbon đối với hoạt động thượng nguồn tại nước này.

Wood Mackenzie nhận định, thuế carbon cao tại Na Uy cũng chính là động lực để các nhà sản xuất dầu khí tại đây giảm tối đa phát thải CO2 trong hoạt động thượng nguồn bằng các giải pháp công nghệ. Cường độ carbon giảm dần trong hoạt động thượng nguồn tại Na Uy cũng góp phần giảm đáng kể tác động của mức thuế cao đối với tài chính của các công ty dầu khí. Các chuyên gia của Wood Mackenzie nhận định, giá trị tài sản dầu khí và vốn hóa thị trường của các công ty có danh mục đầu tư carbon cao sẽ chỉ giảm từ 1-5% khi nước này áp dụng mức thuế carbon mới. Tuy nhiên, khác với Na Uy, với giá carbon 262 USD/tấn, nhiều khu vực sản xuất dầu khí khác trên thế giới sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Hiện nay, nhiều nhà sản xuất dầu khí mới chỉ chuẩn bị cho các kịch bản phải đóng thuế carbon từ 40-100 USD/tấn trong các kế hoạch tài chính trung hạn và dài hạn.

Nghiên cứu của Wood Mackenzie chỉ ra rằng, hầu hết hoạt động thượng nguồn tương đối an toàn với mức thuế carbon 40 USD/tấn, trong khi một số ít các mỏ dầu khí phải đóng cửa. Với mức thuế carbon lên tới 200 USD/tấn vào năm 2030, Wood Mackenzie tính toán rằng, sẽ có ít nhất ⅓ các mỏ dầu khí bị mất 50% giá trị. Mức tăng thuế carbon thực tế có thể sẽ thấp hơn do phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ các khoản tín dụng ưu đãi của chính phủ các nước cho các công ty dầu khí giảm phát thải khí. Đây cũng là biện pháp quan trọng mà các chính phủ có thể áp dụng để điều chỉnh thuế carbon cho phù hợp với từng đối tượng chịu thuế, đồng thời giảm bớt tác động của thuế suất carbon đến đầu tư dầu khí. Một công cụ khác có thể giảm thiểu tác động của thuế carbon lên lĩnh vực thượng nguồn là bù đắp khoản thuế này bằng những khoản thanh toán khác cho chính phủ. Tuy nhiên, điều này sẽ rất phức tạp do liên quan đến các yếu tố pháp lý.

Viễn Đông