Những “huyền thoại” và tường thuật sai lạc trong vụ MH17

08:37 | 26/07/2014

2,991 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Chỉ trong vài ngày tính từ khi xảy ra thảm họa máy bay MH17 bị bắn rơi trên bầu trời Ukraina, truyền thông thế giới đã đăng tải hàng trăm câu chuyện về những phận người có mặt trên chuyến bay tử thần, cũng như câu chuyện về sự may mắn kỳ lạ của một số người đã suýt bước chân lên chiếc máy bay xấu số nhưng rồi lại thay đổi quyết định vào phút chót. Có bao giờ bạn tự hỏi những câu chuyện đó có thật hay không? Đã có ai kiểm chứng chúng hay chưa?

Một trong những câu chuyện đó là chuyện về người đàn ông may mắn nhất còn sống – tay đua xe đạp người Hà Lan Maarten de Jonge – người đã hai lần đánh lừa tử thần. Trước đó, de Jonge đều đặt vé trên cả hai chuyến bay xấu số của Malaysia Airlines, MH370 và MH17. Tuy nhiên, cả hai lần, tay đua này đều thay đổi kế hoạch vào phút cuối.

Sự sống sót thần kỳ của Jonge nổi tiếng tới mức được biên tập viên Wolf Blitzer của CNN nói tới vài phút trong chương trình Situation Room ngày 21/7. Đáng lưu ý là Jonge còn được ca ngợi là một khách hàng trung thành của Malaysia Airlines khi tuyên bố vẫn sẽ sử dụng dịch vụ của hãng hàng không đen đủi nhất trong năm nay thêm một lần nữa.

Chỉ có một vấn đề là không có bằng chứng cho thấy tay đua này đã từng mua một vé, thậm chí là đặt chỗ, dù chỉ là một trong 2 chuyến bay này.

Trong khi đó, người ta lại không thể de Jonge chính xác điều gì đã xảy ra bởi vì anh ta không bình luận gì thêm về vấn đề này nữa. “Để tôn trọng các nạn nhân và những người sống sót, tôi nghĩ rằng việc tôi tiếp tục câu chuyện của mình là không phù hợp. Tôi cũng không hề có ý định viết sách hay thực hiện bài phỏng vấn nào về chuyện của mình”, de Jonge viết trên blog cá nhân ngày 18/7.

Tay đua xe đạp người Hà Lan Maarten de Jonge

Vậy thực tế, “huyền thoại” về con người thoát chết 2 lần này là như thế nào?

Nó bắt đầu từ cuộc phỏng vấn đầu tiên với de Jonge của đài RTV Oost – một đài phát thanh truyền hình địa phương của Hà Lan sau khi anh đăng tải lên Twitter cá nhân một câu lấp lửng: “Nếu hôm nay tôi rời đi, thì…”.

Trong cuộc phỏng vấn đó, de Jonge giải thích rằng, ban đầu anh đã muốn bay vào ngày xảy ra vụ tai nạn MH17, thậm chí mẹ anh và một người bạn đã lên kế hoạch tiễn anh tại sân bay Schiphol ở Amsterdam. Nhưng anh ta không hề đề cập gì đến việc đặt vé trên MH17. Cuối cùng, anh ta quyết định đến Kuala Lumpur trên chuyến bay của một hãng hàng không khác, với một điểm dừng chân tại Frankfurt (Đức), vào ngày 20/7, vì nó rẻ hơn.

Thậm chí còn có ít bằng chứng về chuyện de Jonge đặt vé trên chuyến bay MH370 vào ngày 8/3. Theo RTV Oost, de Jonge cũng bay vào ngày hôm đó, nhưng là trên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Đài Bắc, gần giống với hướng bay tới điểm đến của MH370 là Bắc Kinh. Anh ta nói với phóng viên, “Do đó, tôi có thể đã ở trên MH370”.

Tuy nhiên, cũng không có lý do nào để de Jonge lại ở trên MH370 nếu điểm đến của anh ta là Đài Bắc. Đó là một đoạn bay vòng dài 2.500 km, và anh đã phải mua một vé khác để bay chặng Bắc Kinh – Đài Bắc, chặng mà Malaysia Airlines không phục vụ (do căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan).

Sau những điều đó, cuối cùng de Jonge đã ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào ngày định mệnh đó. Anh ta nói với RTV Oost rằng, MH370 rời đi khoảng 1 giờ sau chuyến bay của anh và rằng, anh đã nói chuyện với một vài hành khách của MH370 trước khi lên máy bay. Điều này hoàn toàn có thể khi anh hay cởi mở trò chuyện với những người tình cờ mới gặp.

Thực tế, việc trở thành một “huyền thoại”, được truyền thông toàn cầu đưa tin không phải chỉ là lỗi của de Jonge. Khi một phóng viên địa phương hỏi về câu nói lấp lửng đăng tải trên Twitter của de Jonge, anh ta dường như đã hơi “bôi” thêm, khiến câu chuyện rất bình thường của mình trở nên đặc biệt hơn. Đó là điều mà nhiều người có thể cũng sẽ làm. De Jonge không nhận ra rằng, trong thời đại Internet, một “anh hùng địa phương” có thể trở thành một câu chuyện nổi tiếng trên toàn thế giới chỉ sau một đêm. Việc từ chối nói thêm về câu chuyện này là cách để anh ta ẩn náu dư luận sau những giây phút “nổ” không kiểm soát, bởi de Jonge đã nhận ra rằng, câu chuyện của anh có thể bị bóc mẽ bất cứ lúc nào.

Trong đống đổ nát của MH17, có rất nhiều câu chuyện chưa được biết đến

Tương tự như câu chuyện không xuất hiện trong một cuộc họp báo chính thức nào về vụ MH17 của de Jonge, thông tin về việc 100 nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu về HIV/ADIS cùng nhân viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang trên đường tham gia Hội nghị ADIS Quốc tế lần thứ 20 ở Melbourne (Australia) cũng thiệt mạng trong thảm họa này cũng đã khiến không biết bao người trong chúng ta xôn xao, bàng hoàng.

Cuộc sống của con người là vô giá, nhưng cái chết của một số lượng lớn các nhà nghiên cứu AIDS - những người có thể bằng cứu nhiều người khác bằng chuyên môn nghề nghiệp của mình - dường như còn bi thảm gấp đôi.

Tuy nhiên, tính đến nay, chưa có bằng chứng nào về điều này. Thực tế, Tổ chức AIDS đã xác định 6 đại biểu tử nạn trong vụ MH17, bao gồm nhà khoa học Joep Lange, một chuyên gia hàng đầu trong việc nghiên cứu về AIDS. Những người khác là đồng nghiệp của Lange, bao gồm trợ lý truyền thông, ba người đang làm việc cho cộng động HIV/AIDS của Hà Lan và Glenn Thomas – một phát ngôn viên của WHO.

Thật khó để xác định những thông tin lá cải như thế này xuất hiện từ đâu, nhưng vấn đề là, tại sao truyền thông lại đóng vai trò là công cụ lan truyền chúng khi chưa kiểm chứng nó có thật hay không? Đó thực sự là một điều báo động trong thời buổi tin tức nhiễu nhương này.

Linh Phương