Những điều chưa biết về các cơ quan đặc biệt Trung Quốc

11:20 | 01/08/2014

10,332 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
LTS: Cách đây đúng 20 năm (1994-2014), ông Nicholas Eftimiades đã nổi tiếng trong giới tình báo Mỹ cho dù mới làm việc tại CIA được 10 năm, sau đó là cơ quan phản gián của Bộ Ngoại giao Mỹ, rồi làm việc với tư cách chuyên gia phân tích về hoạt động gián điệp của tình báo quân đội Mỹ.

Bởi năm 1992, cuốn “Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc đang bước lên vũ đài quốc tế” của ông Nicholas Eftimiades đã giành giải nhất do Trung tâm nghiên cứu tình báo quốc gia Mỹ trao tặng. Từng tốt nghiệp khoa Đông Á, trường Đại học Washington, sau đó học tiếp tại trường Đại học Maryland, Cao đẳng tình báo quân đội, rồi đi nghiên cứu thực tế tại Đài Loan, nên những kiến thức về các cơ quan đặc biệt của Trung Quốc do ông Nicholas Eftimiades đề cập trong cuốn “Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc đang bước lên vũ đài quốc tế” được dư luận, đặc biệt là giới chuyên môn quan tâm. Để độc giả hiểu rõ về lĩnh vực nhạy cảm này, PetroTimes xin giới thiệu một số nét chính trong cuốn “Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc đang bước lên vũ đài quốc tế”.

 

Tác giả Nicholas Eftimiades

 

Kỳ I: 4 đời Bộ trưởng Bộ An ninh

Bộ trưởng Cảnh Huệ Xương

Gần 17 tháng trước (chiều 16-3-2013), tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12, các đại biểu đã bầu ông Cảnh Huệ Xương tiếp tục giữ cương vị Bộ trưởng Bộ An ninh. Điều này đồng nghĩa với việc, kể từ ngày 30-8-2007 đến nay, ông Cảnh Huệ Xương vẫn là Bộ trưởng Bộ An ninh thứ tư kể từ khi cơ quan này được thành lập năm 1983. Mặc dù làm Bộ trưởng Bộ An ninh trong một thời gian khá dài, nhưng giới truyền thông hầu như không khai thác được nhiều thông tin xung quanh “con người bí ẩn này” cũng như cơ quan viết tắt theo tên tiếng Anh là MSS (Ministry of State Security).

Theo giới truyền thông, ông Cảnh Huệ Xương sinh ra (tháng 11-1951) trong một gia đình quê ở tỉnh Hà Bắc. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhận công tác và làm Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu về Mỹ thuộc Học viện Quan hệ quốc tế (từ 1985), ông Cảnh Huệ Xương được cử giữ chức Vụ trưởng (1990). Trong thời gian này, công việc chính của ông Cảnh Huệ Xương là chỉ đạo công tác và nghiên cứu xã hội Mỹ. Và sau khi tác phẩm “Sự vận động của cánh hữu mới tại Mỹ” của ông Cảnh Huệ Xương được xuất bản, giới chuyên môn đã đánh giá rất cao những nghiên cứu và đánh giá kể trên. Năm 1992, ông Cảnh Huệ Xương được cử làm Vụ trưởng Vụ nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại. Khoảng 6 năm sau (tháng 9-1998), ông Cảnh Huệ Xương được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ An ninh. Ông Cảnh Huệ Xương được giới chuyên môn đánh giá là một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực an ninh, nhất là hiểu Mỹ “như lòng bàn tay”. Do đó, ngày 30-8-2007, ông Cảnh Huệ Xương được bổ nhiệm thay thế Bộ trưởng Bộ An ninh Hứa Vĩnh Dược. Kể từ đó đến nay, mọi hoạt động của Bộ trưởng Bộ An ninh Cảnh Huệ Xương hầu như không được giới truyền thông đề cập, ngoại trừ phần “hiếu hỉ” và tiếp khách quốc tế.

Người đầu tiên được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ An ninh là ông Lăng Vân (sinh ngày 29-6-1917, tại Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang). Ngày 1-7-1983, Bộ An ninh chính thức được thành lập. Tại buổi lễ công bố ra mắt Bộ An ninh có Thủ tướng Triệu Tử Dương và nhiều lãnh đạo cấp cao như Vạn Lý, Tập Trọng Huân, Hồ Kiều Mộc, Điền Kỷ Vân, Hồ Khởi Lập. Khi đó, Bộ An ninh được thành lập để thực hiện 2 chức năng chính là đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường công tác chống gián điệp. Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ An ninh, ông Lăng Vân là Thứ trưởng Bộ Công an, người vào Đảng Cộng sản từ tháng 3-1938. Sau vụ đào tẩu sang Mỹ của Cục trưởng Du Cường Thanh (1985), ông Lăng Vân đã xin từ chức Bộ trưởng Bộ An ninh. Bởi sau khi tới Mỹ, Du Cường Thanh đã bán đứng nhân viên tình báo Kim Vô Đãi đang hoạt động tại Mỹ.

Bộ trưởng Giả Xuân Vượng

Người được bổ nhiệm thay thế Bộ trưởng Lăng Vân lãnh đạo Bộ An ninh là ông Giả Xuân Vượng (sinh tháng 5-1938, tại Bắc Kinh). Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành hạt nhân, khoa vật lý Đại học Thanh Hoa (1964), ông Giả Xuân Vượng đảm nhiệm khá nhiều chức vụ tại trường này cho tới năm 1982. Con đường tiến thân của ông Giả Xuân Vượng phát triển nhanh sau khi làm Bí thư Đoàn của thành phố Bắc Kinh. Tuy công việc không liên quan tới lĩnh vực an ninh, nhưng ông Giả Xuân Vượng vẫn được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ An ninh (1985-1998). Sau khi rời cương vị này, ông Giả Xuân Vượng được cử làm Bộ trưởng Bộ Công an (1998-2002). Ông Giả Xuân Vượng là Bộ trưởng Công an đầu tiên sau khi làm Bộ trưởng An ninh. Sau đó, ông Giả Xuân Vượng còn làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Chủ tịch Hiệp hội các cơ quan chống tham nhũng quốc tế.

Bộ trưởng Hứa Vĩnh Dược

Người tiền nhiệm của Bộ trưởng Cảnh Huệ Xương là ông Hứa Vĩnh Dược (sinh tháng 7-1942, tại huyện Trấn Bình, thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam). Sau một thời gian khá dài làm thư ký cho nguyên lão Trần Vân (1983-1992), ông Hứa Vĩnh Dược được cử làm Bí thư Uỷ ban chính pháp tỉnh Hà Bắc (1992). Sau khi làm Phó Bí thư tỉnh Hà Bắc (1995), ông Hứa Vĩnh Dược được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ An ninh (1998).

(Xem tiếp kỳ sau)

Đông Ngàn - Từ Sơn