Những đề án đổi mới giáo dục “khó hiểu” ở TP HCM

19:35 | 26/08/2014

1,277 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong tháng 7, những lùm xùm quanh đề án tiếng Anh tích hợp của Sở GD&ĐT TP HCM chưa được giải quyết rốt ráo thì đề án sách giáo khoa điện tử Sở này vừa đưa ra lại một lần nữa làm dậy sóng dư luận.

Lý do Sở GD&ĐT TP HCM đưa ra đề án “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3” là giúp học sinh không phải mang khối lượng sách vở nặng và tiết kiệm được chi phí mua sách mới cho phụ huynh trong điều kiện sách giáo khoa nước ta thường xuyên thay đổi!

Tuy nhiên, lợi ích đâu chưa thấy chỉ thấy trước mắt nếu áp dụng theo đề án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Ngay cả những người không có chuyên môn về y tế cũng dễ dàng biết được những tác hại khi cho trẻ tiếp xúc sớm với màn hình máy tính như: Ảnh hưởng đến thị lực, khả năng tư duy, vận động, giao tiếp... của trẻ. Vì thế, hầu như gia đình nào cũng muốn hạn chế thời lượng trẻ dùng máy vi tính.

Nhưng, không hiểu sao những người làm giáo dục ở TP HCM lại không nhận ra được những điều đơn giản này khi bắt tay vào xây dựng đề án!

Đề án sách giáo khoa điện tử của Sở GD&ĐT TP HCM gây nhiều tai tiếng

Ông Hà Hữu Phúc, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM cho rằng: Những lý do Sở đưa ra không đủ thuyết phục với một đề án lớn, kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng như vậy. Tại sao lại áp dụng ở bậc tiểu học mà không phải là THCS hay THPT. Khi đưa ra đề án này, Sở đã có tính toán gì về việc ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý học sinh chưa và áp dụng chỉ đến lớp 3 thì lên lớp 4 học sinh sẽ học giáo trình gì hay lại tiếp tục quay về học giáo trình giấy?

Còn theo bà Đinh Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chính Nghĩa, có thể đề án sẽ đạt được mục tiêu giảm mang vác nặng cho học sinh. Tuy nhiên, việc giảng dạy toàn bộ bằng máy tính bảng cho trẻ nhỏ trong một thời gian dài như vậy thì ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của các em cần có nghiên cứu cụ thể để cân nhắc lợi hại trước khi triển khai.

Vấn đề tác động của đề án đến sức khỏe học sinh là điều quan trọng nhất được nhiều người quan tâm. Song song đó còn hàng loạt các tồn tại cho thấy sự bất ổn trong đề án sách giáo khoa điện tử như: Làm tăng gánh nặng cho phụ huynh về tiền trường lớp, sách vở; xảy ra tình trạng chênh lệch đáng quan ngại giữa lớp VIP, lớp thường trong cùng một trường công lập vì chỉ triển khai ở một vài lớp trong trường. Chi phí đầu tư một lớp học theo giáo trình điện tử lên đến hàng trăm triệu đồng; hình thành ở trẻ thói quen lười đọc sách, rèn chữ... rồi việc bảo hành khi xảy ra sự cố; chất lượng đường truyền Internet ở các trường có đảm bảo cho một số lượng lớn học sinh truy cập vào sách cùng lúc hay không?

Với những thắc mắc được dư luận đặt ra như trên, Sở GD&ĐT TP HCM dường như vẫn giữ quan điểm của mình trong việc triển khai đề án. Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Lê Hoài Nam giải thích: Về vấn đề sức khỏe sẽ có hướng dẫn cụ thể để bảo vệ sức khỏe cho các em học sinh, còn kinh phí sẽ trình với lãnh đạo thành phố có chính sách phù hợp với từng đối tượng học sinh...

Thực tế thấy rằng, để các em ở lứa tuổi tiểu học này có thể tự giác tuân theo những hướng dẫn bảo vệ sức khỏe khi tiếp xúc với máy tính là rất khó, nhất là một lớp tiểu học của nước ta có đến năm, ba chục học sinh thì giáo viên cũng không thể nào quản nổi việc này.

Giáo viên một trường tiểu học ở quận 3, TP HCM chia sẻ: Những năm gần đây, khi triển khai thực hiện văn bản nào mới trong ngành giáo dục thì ban giám hiệu trường đều yêu cầu giáo viên phải thực hiện dù khó khăn và phải phát biểu theo hướng tích cực. Chính vì thế, những biên bản, báo cáo từ trường gởi lên đều là "chỉ đạo hay, thực hiện tốt", không đúng với thực tế và không nêu lên được những cái khó, cái khổ mà người trực tiếp thực hiện là giáo viên và học sinh phải gánh chịu.

Giáo viên này cũng khẩn thiết đề nghị, khi đưa ra một đề án gì, việc đầu tiên Ban giám hiệu nhà trường và Sở cần phải lưu ý rằng, giáo viên, học sinh không phải là một “cái máy” mà thay đổi liên tục và buộc tất cả các thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh phải chạy theo. Quan trọng hơn là khi chưa tham khảo ý kiến đầy đủ thì đưa ra một đề án liệu có khả thi? Đây không phải là lần đầu tiên những dự án của Sở bị dư luận cực lực phản đối. Với đề án sách giáo khoa điện tử lần này thì thật không thể chấp nhận kiểu đem học sinh ra mà thử nghiệm!

Mai Phương