Những cuộc chiến tranh nào sắp diễn ra?

11:21 | 12/11/2011

757 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc chiến tranh ở Lybia vừa kết thúc với phần thắng thuộc về phe đối lập do Mỹ và phương Tây trợ giúp đắc lực như là một sự khích lệ mạnh mẽ cho Nhà Trắng và các đồng minh của mình nghĩ tới những cuộc chiến tranh khác để giải quyết những "cái gai" còn lại ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Mỹ và Israel sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran?

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và nguồn tin quân sự Israel cho biết, Iran đã sản xuất được 70,8kg urani làm giàu ở mức 20%. Lượng urani được làm giàu ở mức thấp hơn đã lên tới 4.543kg, đủ để chế tạo 4 vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Barak có ý định tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran và đang thuyết phục Quốc hội nước này thông qua kế hoạch tấn công kể trên. Vì thế câu hỏi đang được dư luận quốc tế quan tâm: Có hay không nguy cơ Mỹ và Israel tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran?

Hẳn dư luận còn nhớ năm 2010, Israel cũng đã dự kiến tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng bị Mỹ ngăn cản. Sau các diễn biến gần đây, nhất là việc Nga cung cấp thêm cho Iran hệ thống thu thập thông tin tình báo điện tử Elint, có thể kiểm soát toàn bộ không phận Iran, vùng vịnh Persian và biển Caspia. Vì thế, vấn đề tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran lại được khơi dậy.

Ông Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Israel ngày 31/10 rằng, Iran vẫn đang tiếp tục tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân. Ông nói: “Một Iran có vũ khí hạt nhân là nguy cơ chết người tại Trung Đông và toàn thế giới và là nguy cơ trực tiếp đối với Israel”. Ngày 1/11, cũng tại Quốc hội, ông Barak Bộ trưởng Quốc phòng cũng cảnh báo Israel có thể bị buộc phải hành động một mình chống lại Iran.

Sơ đồ miêu tả các phương án tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran từ Israel

Ngày 2/11, “Haaretz” – nhật báo Israel, đã dẫn các nguồn tin nội bộ rằng, hai ông Netanyahu và Barak đang thúc ép nội các phê chuẩn việc tấn công Iran và đã giành được sự ủng hộ của Ngoại trưởng Lieberman. Cùng ngày, Israel cũng tuyên bố đã thử thành công hệ thống đẩy cho tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tầm 3.000-7.000km nhằm vào Iran.

Trong khi đó, tờ “Người Bảo vệ” của Anh ngày 2/11 cho biết Bộ Quốc phòng Anh cũng đang chuẩn bị những phương án can thiệp để cùng tham gia với Mỹ. Các phương án này bao gồm các cuộc không kích bằng tên lửa vào những cơ sở hạt nhân trọng điểm của Iran và triển khai tàu chiến, tàu ngầm có trang bị tên lửa hành trình Tomahawk cũng như cho phép Mỹ mượn vùng lãnh thổ Diego Garcia của Anh trên Ấn Độ Dương để triển khai lực lượng.

Bình luận về khả năng Israel và phương Tây sẽ nhanh chóng tấn công Iran, báo “Le Nouvel Observateur” đã nêu những lý do:

- Bản báo cáo IAEA đưa ra, sẽ được coi là bằng chứng về việc Tehran đang phát triển các công nghệ vũ khí hạt nhân. Với cáo buộc này, Israel và phương Tây có thể quyết định hành động nhanh chóng.

- Với nước Mỹ, ông Obama nếu hành động quân sự thì sẽ phải càng sớm càng tốt, vì chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra còn không đầy hai tháng nữa.

- Mặt khác, theo các chuyên gia không lực, nếu chậm trễ thì mùa đông đến với sương mù sẽ không thích hợp cho sự can thiệp bằng máy bay và tên lửa khi tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, Tổng thống Israel Shimon Peres ngày 6/11 cảnh báo rằng, khả năng tấn công Iran đang đến rất gần, thậm chí còn khả thi hơn việc đàm phán ngoại giao. Nhưng ông nói: “Chúng ta phải bình tĩnh và chống áp lực để có thể xem xét mọi biện pháp thay thế”. Phát biểu với tờ nhật báo “Israel Hayom”, Tổng thống Peres lại nhấn mạnh, chưa có quyết định nào được đưa ra mặc dù ông có cảm giác Iran đang tiến gần hơn tới việc sản xuất vũ khí hạt nhân.

Chỉ là "thả cầu đo gió”

Giới phân tích quốc tế cũng có những nhận định khác cho rằng, những thông tin từ phía Israel vừa qua cho thấy, có thể chỉ là một cách “thả cầu đo gió”. Vì trong thời đại ngày nay, ít ai tin lại có một cuộc chiến tranh nổ ra, bất chấp lợi ích của khu vực và toàn cầu.

Thông tin trên nhật báo “Haaretz” cho rằng, ông Netanyahu cùng Bộ trưởng Quốc phòng Barak đều chủ trương tấn công quân sự. Tuy nhiên, phần lớn các bộ trưởng nội các khác lại không ủng hộ, trong đó có người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad.

Cho tới nay, các chuyên gia phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ Obama vẫn không ủng hộ kế hoạch tấn công Iran. Mỹ chưa quyết, vì vậy Israel sẽ chưa đánh

Nhiều người tin rằng, nếu chiến tranh nổ ra thì cả khu vực Trung Đông sẽ bùng cháy chứ không thể gói gọn trong quan hệ hai nước Israel và Iran. Nước Mỹ đang khốn khó về kinh tế, các cuộc biểu tình và còn nhiều mối quan tâm trên phạm vị toàn cầu… Những người cầm quyền đương nhiệm ở Israel đã nhiều lần khẳng định họ có khả năng đơn phương gây sự với Iran mà không cần đến Mỹ chấp thuận, ít ai tin vào điều đó.

Bản thân Israel lại đang bị cô lập chưa từng thấy trên trường quốc tế và khu vực. Tình trạng hòa hoãn chiến lược trên các đường biên giới với các nước Arập láng giềng đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết kể từ 30 năm qua, bởi hậu quả của sự kiện “Mùa xuân Arập”. Chính quyền Israel cũng đang gặp khó khăn trong việc ngăn cản các cuộc biểu tình đòi những nhu cầu cấp thiết về an sinh xã hội của người dân…

Iran đã sẵn sàng đáp trả

Trước những thông tin dồn dập về khả năng bị tấn công, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Iran, Tướng Hasan Firouzabadi ngày 2/11 đã thề rằng, Teheran sẽ trừng phạt Israel nếu bị tấn công, đồng thời đe dọa Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel nhằm vào Iran.

Bên ngoài Nhà máy Điện hạt nhân Bushehr của Iran

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran cho biết, Iran đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và cảnh báo Washington đang đánh mất sự khôn ngoan. Tehran cũng cho biết, không ngạc nhiên trước lời đe dọa của Israel song cảnh báo sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Iran.

Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi tuyên bố: “Chúng tôi đã nghe nhiều lời đe dọa của Israel trong 8 năm qua. Chúng tôi rất tự tin và có thể bảo vệ đất nước mình”.

Phản ứng của quốc tế

Ngày 3/11, bên lề Hội nghị G20, Tổng thống Obama và Tổng thống Sarkozy cũng đã thống nhất về “sự cần thiết duy trì một áp lực quốc tế chưa từng có trước đó nhằm buộc Iran phải tuân thủ các cam kết”.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói tổ chức này không có ý định can thiệp vào Iran và NATO không tham gia vấn đề Iran.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho rằng, tấn công Iran sẽ là một thảm họa. “Chúng tôi đã áp đặt lệnh trừng phạt và sẽ tiếp tục gây sức ép lên Iran. Chúng tôi sẽ tiếp tục biện pháp này bởi can thiệp quân sự sẽ chỉ làm tình hình trong khu vực ngày càng bất ổn”.

Báo “Le Figaro” cho rằng, khó có thể biết được những thông tin này có cơ sở đến mức nào, nhưng khả năng về một cuộc tấn công của Israel đối với các cơ sở hạt nhân của Iran không hề là lời đồn đoán đơn thuần.

Nga cảnh báo Israel rằng, nếu Tel- Aviv giáng đòn quân sự vào Iran thì sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Nga đang làm tất cả những gì có thể để đưa cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran ra khỏi chỗ bế tắc. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Bộ trưởng Ngoại giao Nga nhận định rằng, Iran có thể biểu thị ý chí chính trị và tiến tới hợp tác chặt chẽ và cởi mở hơn với IAEA.

Moskva đã nêu ra hàng loạt sáng kiến để thúc đẩy cuộc đàm phán giữa bộ tứ trung gian (gồm EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga) và Iran. Tuy nhiên, tiến trình này đang bị ngăn cản bởi những biện pháp trừng phạt đơn phương của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Australia, Canada, Nhật Bản và các nước khác. Điều đó tạo ra cho Tehran ấn tượng rằng, phương Tây không muốn đàm phán mà cố bóp nghẹt Iran và nền kinh tế của đất nước này. Hệ quả của việc các bên không thể hiện nguyện vọng nhân nhượng đang kích động một vòng đối đầu mới.

Đáp lại nguy cơ áp dụng những biện pháp trừng phạt mới chống Tehran sau khi công bố báo cáo mới của IAEA, Iran tuyên bố rằng, nước này đang xem xét khả năng xuất khẩu các công nghệ hạt nhân của mình. Ngày 7/11, Thủ tướng Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, không loại trừ khả năng Iran sẽ gia tăng xuất khẩu khí đốt vì xuất hiện lượng gas dư thừa sau khi khởi động nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Busher. Ông Putin tuyên bố như vậy tại phiên họp toàn thể Hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) với sự tham gia của đại diện các nước quan sát viên, trong đó có Iran. Như vậy, Nga một lần nữa lưu ý các đối tác nước ngoài đến việc, sự cô lập quốc tế đối với Iran không đáp ứng lợi ích chung.

Và còn những cuộc chiến tranh khác ở Syria, Yemen, Algeria…?

Trước hết đó là Syria. Cuộc nổi dậy của phe đối lập mà đỉnh cao là gần 6 tháng qua đã đẩy quốc gia này tới bờ vực của cuộc chiến, mà Lybia là hình mẫu. Mỹ không ít lần tìm cách để trừng phạt Syria, nhưng đã bị Nga và Trung Quốc bác bỏ. Ngày 2/11, Chính phủ của Tổng thống Obama lại một lần nữa yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad từ chức, bất chấp nỗ lực của Liên đoàn Arập vừa thông báo Syria đã thỏa thuận về một kế hoạch đình chỉ vụ trấn áp bạo động đối với người biểu tình Syria. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney đã nói với các nhà báo rằng, ông Assad đã mất đi tư cách chính đáng để cai trị. Giọng điệu này giống như họ đã từng ám chỉ lên ông Gaddafi trước khi nổ ra cuộc chiến tranh có sự tham gia của Mỹ và NATO chống Tripoli.

Bên cạnh đó, không loại trừ nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra tại Yemen, Algeria… khi mà các phần tử Al-Qaeda Bắc Phi đang ngày một lớn mạnh và cuộc nổi dậy của lực lượng đối lập chống chính quyền chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, cuộc xung đột Palestine – Israel vẫn tiếp tục diễn ra ở những cấp độ khác nhau, đặt biệt khi các cuộc đàm phán hòa bình với Israel thất bại, chính quyền Palestine quyết tâm hình thành một nhà nước độc lập, càng làm cho Tel-Aviv và đồng minh số một của mình là Washington tức giận. Mới đây, Tel- Aviv còn đe dọa sẽ mở cuộc tấn công tổng lực vào Dải Gaza.

Những diễn biến hiện nay ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi làm cho dư luận càng nhận rõ hơn ý đồ của Mỹ, như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 19/10, trả lời phỏng vấn Tạp chí TIME đã không úp mở khi nói rằng: “Libya cho nước Mỹ một cơ hội để chứng minh thế nào là thực sự tập hợp một sự cam kết mạnh mẽ do Hoa Kỳ dẫn đầu, thế nào là thực sự tin tưởng vào sự cam kết đó nhưng mà phải là sự cam kết bằng sự tham gia trọn vẹn của cả những đồng minh mới mẻ nữa chứ không chỉ những đồng minh quen thuộc của nước Mỹ. Và phải kiên nhẫn xây dựng sự cam kết đó, như điều chúng ta đã làm được, tôi nghĩ đó là điều đã củng cố vị thế của nước Mỹ”?! Do vậy, chiến tranh sẽ tiếp tục xảy ra ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Vấn đề chỉ là thời gian nào.

Iran đệ trình Tổng thư ký LHQ hồ sơ tố cáo Mỹ

Tehran sẽ đệ trình Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tập tài liệu cáo buộc Hoa Kỳ tham gia khủng bố tại Iran và khắp khu vực Trung Đông. Hãng thông tấn Fars của Iran đưa tin này, dẫn lời thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran Saeed Jalili. Đại diện thường trực của Iran tại LHQ đã chuyển cho Thư ký tổ chức thư chính thức yêu cầu thông báo cho các nước khác biết các tài liệu tố cáo Hoa Kỳ. Theo ông Saeed Jalili, các tài liệu cho thấy Mỹ đã tìm cách điều khiển những kẻ khủng bố và cung cấp cho họ sự hỗ trợ tài chính. Iran tuyên bố về sự tồn tại hồ lưu trữ tố cáo Mỹ sau vụ bê bối Mỹ cáo buộc chính quyền Iran tham gia vụ ám sát Đại sứ Arập tại Hoa Kỳ. Tehran gay gắt phủ nhận cáo buộc của Mỹ và yêu cầu Washington xin lỗi.

Nguyễn Nhâm – Giang Khuê

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc