Những bước thăng trầm của giá dầu

07:10 | 06/05/2018

1,260 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành công nghiệp dầu khí đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế thế giới và Việt Nam. Chúng ta hẳn đã nhận thức được tầm quan trọng của ngành dầu khí, nhưng có thể sẽ chưa biết hết lịch sử hình thành và phát triển của ngành công nghiệp lâu đời này cũng như những giai đoạn thăng trầm của giá dầu.

Giai đoạn 1846-1857 chính là bình minh sơ khai của ngành dầu mỏ thế giới khi dầu hỏa được chưng cất từ dầu thô xuất hiện, đặt dấu chấm hết cho dầu cá voi rất thịnh hành ở thế kỷ XIX khi mà chỉ có tầng lớp trung lưu mới có điều kiện tiếp cập. Thời điểm đó, dầu thô đã được khoan và chính thức được phát hiện tại Baku thuộc Azerbaijan. Cho đến tận năm 1859, sau một thời gian kiên trì khảo sát và thăm dò, Đại tá Edwin Drake (Mỹ) đã khai thác thành công mỏ dầu đầu tiên tại Titusville, Bang Pennsylvania, Mỹ - vùng đất có trữ lượng dầu nhiều nhất tại Mỹ giai đoạn cuối thế kỷ XVIII.

nhung buoc thang tram cua gia dau
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Quá trình khai thác thủ công với công nghệ thô sơ cùng với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân đơn lẻ đã gây ra rất nhiều lãng phí dầu và ảnh hưởng đến sự biến động giá dầu thô thời điểm đó.

Nhận ra cơ hội vàng để tận dụng triệt để, kiểm soát tình hình khai thác và phân phối dầu, ông John D. Rockefeller (một trong những nhà tư bản nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ) đã bắt đầu thành lập nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Cleveland và Standard Oil - đế chế dầu mỏ nổi tiếng nhất thế giới - “ông tổ” của nhiều công ty dầu lửa lớn nhất ngày nay như ExxonMobill, Chevron. Thời điểm này giá dầu đã có lúc lên tới 62USD/thùng. Tuy nhiên vào năm 1878, Thomas Edison với phát kiến vĩ đại bóng đèn điện đã khiến nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh và ngành dầu mỏ non trẻ rơi vào suy thoái khi giá dầu giảm về mốc 25USD/thùng.

Lịch sử ngành dầu khí sang trang vào năm 1886 với sự ra đời của ôtô chạy bằng động cơ đốt trong. Karl Benz and William Daimler - 2 nhà sáng chế người Đức - đã thành công thử nghiệm hàng loạt ôtô chạy bằng nhiên liệu xăng tại châu Âu. Nhu cầu về dầu mỏ lại gia tăng chóng mặt khi phương tiện giao thông cá nhân bùng nổ với số lượng gia tăng mạnh mẽ không chỉ tại châu Âu mà còn cả tại Mỹ. Ngành dầu khí Mỹ lại một lần nữa vượt lên trên khi vựa dầu khổng lồ Texas được phát hiện vào năm 1901 - thời điểm của Công ty Dầu mỏ Texaco. Tại thời điểm đó, các mỏ dầu tại Baku với trữ lượng cực lớn đang chiếm đến 50% sản lượng dầu trên thế giới, chiếm 95% sản lượng dầu của Nga.

Kể từ đó, hàng loạt các công ty dầu mỏ danh tiếng như Shell, Royal Dutch ra đời (1907), Liên doanh Anglo - Persian (BP) đã phát hiện những mỏ dầu lớn tại Iran vào năm 1908. Sản lượng dư thừa kéo theo sự giảm mạnh giá dầu xuống mức 11USD/thùng.

2 sự kiện quan trọng trong giai đoạn 1910-1911 làm thay đổi lớn đến lịch sử ngành dầu mỏ thế giới, đó là sự tan rã của đế chế Standard Oil sau khi bị cáo buộc bởi nghị viện Mỹ do vi phạm độc quyền và sự phát hiện những mỏ dầu lớn tại Mexico. Các vùng đất chứa dầu mỏ đã phân bổ đồng đều hơn đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh chóng của dầu khí và các sản phẩm dầu. Nhiều đối thủ cạnh tranh xuất hiện khi giá dầu có xu hướng ổn định và hoạt động khai thác đi vào chuyên nghiệp hóa và hiệu quả hơn.

Chiến tranh thế giới thứ nhất đã chứng kiến hoàng loạt cỗ máy chiến tranh có sử dụng năng lượng dầu mỏ - nhu cầu về dầu mỏ bước sang giai đoạn mới.

Từ năm 1922, sau khi dầu mỏ được phát hiện tại Venezuela, hàng loạt các vùng lãnh thổ tuyên bố phát hiện dầu mỏ với trữ lượng lớn: Đông Texas, Saudi Arabia, Iraq, Kuwait. Dầu mỏ bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn và được sự quan tâm rất lớn từ các quốc gia công nghiệp lớn thế giới và cũng là nguồn gốc gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945). Các chiến dịch lớn, kể cả nhằm kiểm soát các vựa dầu lớn như Baku, Hungary, Châu Á - Thái Bình Dương, đã lôi kéo rất nhiều nước tham chiến như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Nga, Đức…

Sau chiến tranh, các liên minh dầu mỏ liên tục xuất hiện nhằm chi phối và khai thác dầu mỏ trên thế giới. Arập Xêút nâng tỷ lệ chi phối tại Aramco. Khủng hoảng kênh đào Suez gây tắc nghẽn đường giao thông vận chuyển dầu vào năm 1956 cùng với tình trạng dư thừa dầu đã khiến giá dầu giảm thấp về mốc 14USD/thùng.

Năm 1960, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ra đời tại Baghdad với 5 nước sáng lập đầu tiên Arập Xêút, Iran, Iraq, Venezuela, Kuwait với mục tiêu thiết lập, thỏa thuận bình ổn giá dầu cũng như cho ra đời quy định hạn ngạch, sản lượng khai thác.

Khu vực dầu với trữ lượng khổng lồ được phát hiện tại Biển Bắc vào năm 1969. Nguồn cung dầu lớn đã bắt đầu chuyển dịch dần sang các nước Trung Đông.

Năm 1973, Liên minh các nước Arập đã thiết lập cấm vận dầu nhằm đáp trả việc Mỹ hỗ trợ Isarel.

Kể từ năm 1974, công nghệ khai thác dầu, tàng trữ và vận chuyển dầu mỏ và các phụ phẩm ngày càng hiện đại, giá dầu tăng gấp 3 lần, lên mốc gần 50 USD/thùng. Giá dầu tiếp tục tăng mạnh lên mốc 88USD/thùng vào vào thời điểm cách mạng Iran nổ ra vào năm 1979.

Tuy nhiên, những cú sốc dầu mỏ đã có lúc khiến giá dầu giảm thấp về ngưỡng 13USD/thùng. Cho dù OPEC đưa ra các hạn mức khai thác dầu nhưng tình trạng dư thừa nguồn cung đã khiến giá dầu một lần nữa rơi về mức rất thấp 10USD/thùng năm 1986. Nhưng, chiến tranh vùng Vịnh xảy ra vào năm 1991 đã khiến giá dầu tăng mạnh lên mốc 40USD/thùng.

Giai đoạn bùng nổ thương vụ mua bán, sáp nhập lớn diễn ra từ năm 1998 khi lần lượt các công ty lớn về dầu mỏ ra đời (BP - Amoco - Arco, Exxon - Mobil, Chevron - Texaco, Conoco - Philips, Total - Elf - Fina). Và kể từ năm 1998, sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, chiến tranh Iraq lần 2 (2003), khủng hoảng dầu mỏ giai đoạn 2008 và giá dầu đã lên mức đỉnh 120 USD/thùng năm 2014 trước khi rơi xuống đáy 26 USD/thùng vào năm 2016.

Đầu năm 2018 chúng ta lại một lần nữa chứng kiến giá dầu đang quay lại mức cao.

Lịch sử ngành dầu khí sang trang vào năm 1886 với sự ra đời của ôtô chạy bằng động cơ đốt trong. Karl Benz and William Daimler - 2 nhà sáng chế người Đức - đã thành công thử nghiệm hàng loạt ôtô chạy bằng nhiên liệu xăng tại châu Âu.

Minh Châu