Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái

17:43 | 14/11/2011

899 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những vụ việc sản xuất, kinh doanh, buôn lậu hàng giả bị phát hiện trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội cho thấy sự phát triển ngày càng gia tăng của vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Chiêu thức tung hàng “giá rẻ”, phương thức sản xuất tinh vi, “nội địa hóa” thị trường hàng giả…  là những thủ đoạn mà đối tượng làm hàng giả qua mặt cơ quan chức năng, đánh lừa khách hàng.

Tràn lan túi xách, mắt kính giả nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường.

Theo ông Vương Chí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội, từ 01/01/2010 đến 01/11/2011 Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 793 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), phạt hành chính với số tiền 4,034 tỉ đồng, trị giá hàng tịch thu tiêu hủy hơn 1,8 tỉ đồng, trong đó có 3 vụ đã bị khởi tố hình sự là kinh doanh bếp ga giả mạo hiệu Rinnai; đóng chai nước mắm giả và in ấn, sao chép, xuất bản phẩm xâm phạm quyền tác giả.

Thời gian qua trên địa bàn Hà Nội nổi lên một số thủ đoạn kinh doanh hàng giả đã bị phát hiện và xử lý như: thị trường hàng giả được “nội địa hóa” bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới thành các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Theo đó: nhiều loại kính mắt được sản xuất tại Thái Bình có gắn thương hiệu nổi tiếng, quần áo thể thao giả được sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh, bánh kẹo, tất chân, mác nhãn các loại từ La Phù, dụng cụ thể thao kiểu Mỹ, đồ cơ kim khí từ Thạch Thất… tất cả được “tuồn” vào thị trường Hà Nội

Nhiều loại hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc và đưa vào Việt Nam như sen vòi tắm hiệu INAX, Joden, Clevr; bếp ga hiệu Rinnai, Paloma; đồng hồ, nước hoa, mỹ phẩm; máy nghe nhạc MP3, MP4 hiệu Sony; quần áo, túi xách, ví mang nhãn hiệu Louis Vuitton…

Hàng giả còn đi qua cả con đường nhập khẩu chính ngạch. Thêm một thủ đoạn mới bị phát hiện xử lý là đối tượng dựng cửa hàng lấy tên thương hiệu nổi tiếng sau đó lừa bán cho người khác. Điển hình như vụ cửa hàng đại lý mỹ phẩm giả LILS The BOLDY SHOP trên phố Hàng Muối (quận Hoàn Kiếm), đối tượng trưng biển hiệu lừa bán cả cửa hàng rồi lập lại cửa hàng cũng thương hiệu đó ở chỗ khác.

Nhiều cơ sở cung cấp mực in đã dùng thủ đoạn mua mực không có bao bì, tên hiệu, nguồn gốc xuất xứ về đổ vào vỏ hộp có nhãn hiệu nổi tiếng rồi bán ra thị trường.

Rất nhiều thủ đoạn như đăng ký tên thương mại trùng với tên nhãn hiệu đã được bảo hộ hàng hóa nổi tiếng để lừa dối người tiêu dùng cũng được các đối tượng sử dụng khiến cho thị trường hàng sản xuất trong nước rất đa dạng và khó phân biệt thật giả.

Chi cục QLTT Hà Nội đã khảo sát 274 điểm kinh doanh các thiết bị, dụng cụ thể thao, quần áo, giày dép giả nhãn hiệu thì kết quả có đến 60% vi phạm và tái phạm.

Hàng công nghệ “nhái” được bày bán tràn lan.

Lĩnh vực kỹ thuật số, vấn hàng giả đã đến mức báo động không chỉ đồng hồ, máy ảnh mà các loại linh kiện, cạc, sim, bộ nhớ, USB, màn hình LCD…, giả mạo nhãn hiệu xuất xứ tăng rõ rệt với giá hết sức cạnh tranh.

Đến nỗi, lĩnh vực văn hóa các sản phẩm băng đĩa hình sao chép lậu, nhân bản ấn phẩm đã thành hiện tượng khá phổ biến và bầy bán công khai ở các cửa hàng.

Việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn đang tăng lên và rất khó kiểm soát. Một số vụ hàng giả cho thấy đã có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ của các thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước.

Để xảy ra vấn nạn này trách nhiệm một phần là do công tác đấu tranh chống hàng nhái hàng giả vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trình độ nghiệp vụ của cán bộ làm công tác đấu tranh chống hàng giả còn nhiều hạn chế. Hầu hết các cơ quan chưa có bộ phận cập nhật chuyên trách, tiếp cận nguồn thông tin. Nhận thức về vấn đề chống hàng nhái, hàng giả và phương pháp thực thi, giữa các cơ quan trong cùng một lực lượng còn thiếu đồng nhất. Kinh phí đầu tư phương tiện, dụng cụ kiểm tra cũng như kinh phí trực tiếp cho người kiểm tra rất hạn hẹp. Chỉ đạo tổ chức thực hiện của một số địa phương, ngành chức năng chưa quyết liệt.

Để đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả trong những năm tới, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp như: Chúng ta cần tăng cường sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, đáp ứng nhu cầu của đối tượng có thu nhập thấp, khu vực nông thôn. Phân định rõ trách nhiệm, phạm vi, thẩm quyền của từng lực lượng chức năng trên từng địa bàn cụ thể. Buôn lậu, làm hàng giả gắn với việc chuyển tiền vì vậy cần kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán tiền của các đối tượng buôn lậu.

Tổ chức những hội thảo kết hợp tuyên truyền pháp luật, đẩy mạnh vai trò truyền thông của các cơ quan báo chí để tăng cường nhận thức cho người tiêu dùng tẩy chay hàng giả. Tăng cường kiểm soát và kiểm tra các cơ sở in ấn bao bì, nhãn mác, cơ sở cung ứng nguyên liệu, hóa chất có vi phạm… vì đây là nguồn cung cấp bán sản phẩm làm hàng giả trong thời gian vừa qua. Cần có các giải pháp phối hợp quốc tế ngăn chặn từ đầu nguồn hàng làm giả từ nước ngoài nhập vào Việt Nam.

Cũng theo các chuyên gia, Hà Nội cần xây dựng một trung tâm trưng bày hàng chính hiệu và hàng giả giúp người tiêu dùng nhận biết, có tư liệu chống hàng giả và răn đe các đối tượng vi phạm, tạo sự quan tâm xã hội về vấn đề này.

Cục QLTT cần có cơ chế trong công tác phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các chi cục đối trong trường hợp DN vi phạm có địa điểm kinh doanh tại Hà Nội nhưng trụ sở, kho hàng tại các tỉnh khác…

Ông Lưu Bách Chiến- Đội trưởng Đội QLTT số 2:

Để phát hiện hàng hóa lưu thông trên thị trường, nếu chỉ tìm ở những cửa hàng kinh doanh thì số lượng không nhiều, lực lượng QLTT có hạn do vậy chúng tôi chỉ cố gắng kiểm tra trên địa bàn trong vấn đề bày bán hàng giả đó. Để giải quyết tận gốc, cơ quan Công an cần đi sâu điều tra, trinh sát, triệt phá những ổ nhóm, đường dây vận chuyển từ nước ngoài về và các cơ sở sản xuất hàng giả, triệt tận gốc mới giảm được phần lớn hàng giả đưa ra thị trường. Ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý, DN phải có trách nhiệm với cộng đồng, trước mắt là bảo vệ quyền lợi của chính mình, DN cần phối hợp với cơ quan chức năng khi đơn vị của mình có một chủng loại hàng hóa nào đó đã được bảo hộ mà thấy xuất hiện trên thị trường để có biện pháp xử lý.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương):

Hiện nay, Luật bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực, được ban hành từ ngày 01/7/2011 và Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành đã được ban hành 27/10/2011, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12/2011. Đây là cơ sở rất quan trọng để chúng ta có thể đối phó với hoạt động kinh doanh hàng giả hàng nhái cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và DN. Tôi cho rằng bên cạnh sự hoàn thiện của quy phạm pháp luật, sự nỗ lực của cơ quan chức năng, sự lên tiếng của các phương tiện thông tin đại chúng, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội thì đặc biệt người tiêu dùng cần có ý thức trong việc lên án hàng giả, hàng nhái, tránh tiêu dùng những hàng hóa đó, đồng thời góp phần lên tiếng cảnh báo với cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp kiểm tra xử lý cụ thể.

Thu Hường