Nhức nhối chất lượng thực phẩm Tết

14:34 | 03/01/2012

789 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đến Tết Nguyên đán nhu cầu mua các loại bánh, kẹo, mứt, rượu ngày càng tăng cao. Do đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng này cũng đang nhộn nhịp vào vụ. Bên cạnh những cơ sở làm ăn chân chính, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, kém chất lượng cũng gia tăng vào thời điểm này.

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết đến khu Cư xá Đường Sắt, Lý Thái Tổ, Q.3 lại nhộn nhịp sản xuất mứt cung ứng cho các chợ trên địa bàn TP HCM. Tuy nhiên, ở đây hầu hết là những cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất trong điều kiện tạm bợ vì làm theo thời vụ. Hầu hết các hộ gia đình đều tận dụng khu vực đường đi ở các con hẻm làm nơi sơ chế nguyên liệu. Các loại bí, gừng, me, trái cây dùng để làm mứt chất thành từng đống bên ngoài vỉa hè của con hẻm. Nguyên liệu sản xuất để bừa bãi ngay dưới nền đất, bên cạnh là những xô chậu ngổn ngang và những thùng phuy ngâm mứt cáu bẩn…

Sản xuất mứt trong điều kiện mất vệ sinh ở khu Cư xá Đường Sắt, Q.3.

Vì làm theo thời vụ và sản xuất theo kiểu thủ công nên hầu hết các cơ sở không thực hiện theo đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), điều kiện sản xuất không đảm bảo, nhân viên cũng là những người làm theo thời vụ không được khám sức khỏe và tập huấn các kiến thức VSATTP. Tình trạng này hằng năm vẫn diễn ra nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Bên cạnh điều kiện sản xuất ở một số cơ sở không đảm bảo vệ sinh, việc sử dụng phẩm màu, hóa chất độc hại để các loại mứt trông đẹp mắt vẫn còn rất phổ biến. Qua kiểm tra 5 mẫu mứt Tết của các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố, Sở Y tế TP HCM phát hiện cả 5 mẫu đều có sử dụng chất tẩy trắng công nghiệp độc hại; kiểm nghiệm 6 mẫu hạt dưa thì phát hiện 2 mẫu có chứa phẩm màu Rhodamine B. Các đoàn kiểm tra của Sở Y tế và các quận huyện cũng đã phát hiện, tịch thu và tiêu hủy hơn 3 tấn bánh, mứt, kẹo các loại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, đồng thời tịch thu tiêu hủy 1,5 tấn chả, phô mai, thịt xông khói có sử dụng hóa chất độc hại.

Quản lý thị trường TP HCM đã kiểm tra chuyên ngành và phối hợp liên ngành về VSATTP kiểm tra 669 vụ kinh doanh sản phẩm thực phẩm và phát hiện 659 vụ vi phạm, phần lớn là thực phẩm nhập lậu vi phạm về nhãn hàng hóa, không niêm yết giá, chủ yếu là các mặt hàng rượu, bia, đường, nước hoa quả… Các vi phạm gồm: 10 vụ kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, 2 vụ hàng giả, 262 vụ không có hóa đơn chứng từ, 10 vụ không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, 97 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa…; xử lý vi phạm các cơ sở với số tiền phạt hơn 9 tỉ đồng và tiêu hủy số lượng hàng hóa, tang vật vi phạm trị giá hơn 2,5 tỉ đồng.

Ông Phạm Kim Bình, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết: Hiện nay, Sở Y tế thành phố đang triển khai thanh tra VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm về VSATTP. Đặc biệt, thanh tra trọng tâm vào các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bia, rượu, bánh, mứt, giò chả, thịt đông lạnh. Do kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, ngay cả các cơ quan chức năng cũng khó phân biệt được nên người tiêu dùng rất dễ trở thành nạn nhân của các loại hàng hóa này.

Rượu lậu bị cơ quan chức năng phát hiện

Vấn đề VSATTP không chỉ gây lo lắng cho người tiêu dùng mà các cơ quan ban ngành cũng đang hết sức lo ngại. Các vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện chỉ là một phần nổi, cho thấy tính chất phức tạp của nạn buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh những cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm túc theo các quy định thì còn có những cơ sở kinh doanh vì lợi ích trước mắt mà bất chấp tất cả.

Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình người tiêu dùng nên tẩy chay những mặt hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng.

Mai Phương