Nhớ Tết 1964 - Cái tết của 55 năm trước

19:51 | 18/01/2019

378 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Đó là một cái tết không thể nào quên. Chúng tôi 17 tuổi, trẻ măng, và ước nguyện đẹp đẽ nhất là được ra chiến trường, chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, giải phóng dân tộc, giải phóng chính mình…” - Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bồi hồi kể lại.  

Tết năm 1964 là một cái tết mang lại cảm xúc rất lạ. Chàng trai trẻ 17 tuổi Nguyễn Huy Hiệu bấy giờ, cùng những bạn đồng trang lứa khác tại vùng quê Hải Hậu (Nam Định) vừa vui mừng đón tết, nhưng lại cũng hồi hộp trước đợt tuyển quân mới. Vì đây sẽ là cái tết sau cùng của thời thanh niên được ăn tết ở quê hương, sau đó họ sẽ nhập ngũ lên đường, trở thành anh bộ đội Cụ Hồ kiêu hãnh, chiến đấu oai hùng, sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, nhân dân. Sức mạnh, và niềm tin vào sứ mệnh của anh bộ đội Cụ Hồ đã trở thành nỗi khao khát của anh Hiệu và những bạn đồng trang lứa quê anh từ rất lâu rồi.

nho tet 1964 cai tet cua 55 nam truoc
Tranh vẽ tướng Hiệu khi 17 tuổi, vừa gia nhập quân ngũ

Anh Hiệu rất mong muốn được tuyển vào lính lục quân, trở thành anh lính quân giải phóng miền Nam. Cả nhóm các anh: Nguyễn Huy Hiệu, Phạm Trung Bính, Nguyễn Văn Trãi, anh Thông, anh Tiềm, anh Huyền… dù chưa chính thức là quân nhân, nhưng có lẽ do nỗi khao khát quá lớn, và thời gian tuyển quân đã đến gần, mà những ngày giáp tết, các anh đã nôn nao, đã thấy mình chững chạc hẳn lên trong mắt bà con làng xóm. Không còn là cậu trai trẻ non nớt trong làng, các anh gần như đã là người lính giải phóng quân, mang trên vai sứ mệnh cao cả… Chỉ cần ăn tết xong, là các anh sẽ lên đường nhập ngũ.

Tết 1964, cả miền Bắc còn rất nghèo. Mọi thứ nhu yếu phẩm đều phân phối tem phiếu. Thế cho nên, tết đến, bà con vùng Hải Hậu lại nhờ cả vào thiên nhiên, để món ăn ngày tết được phong phú. Anh Hiệu còn nhớ, cái tết ấy, anh cùng bạn trong làng thường rủ nhau đi bắt cá, bắt chim ngoài đồng. Ruộng gần tết đổ ải, nước từ sông chảy vào ruộng. Cá chép nối đuôi nhau theo dòng nước bơi vào ruộng. Hiệu cùng đám bạn đêm đến là ra đồng bắt cá. Mỗi anh mang theo một đèn pin con thỏ, một nơm để úp cá, một lưới bắt chim, một cái vịt to đan bằng tre đựng cá. Nhiều nhất là cá chép, có con nặng tới 3kg. Đêm nào cũng đi bắt cá kể từ đêm 23 âm lịch, đêm bắt được nhiều nhất là 20 con cá chép. Chim các vùng khác cũng bay về ruộng để ăn tép, ăn tôm, ăn ốc... Nào là giang, vịt trời, cò, mỗi con nặng cả cân… Tối đến chúng thường tụ về các ngôi mộ lớn ngoài cánh đồng để ngủ. Các anh thường dùng cỏ, rơm rạ ngụy trang, nằm rình sau ngôi mộ, dùng lưới giăng bắt chim dễ như trở bàn tay. Chim cuốc đêm kêu não nề trong ruộng khoai ngứa, các anh giả tiếng cuốc kêu dụ chúng đến nơi giăng lưới.

Thế nên, dù thời bao cấp khó khăn, nhưng cái tết 1964 ấy nhà ai trong làng nếu có con trai chịu khó đi bắt cá, chim như anh Hiệu và bạn hữu, thì cũng có được cái tết đủ đầy, ấm áp. Cá chép mang về rán, kho tương, chim rang nước mắm…cùng với con gà nuôi ngoài vườn, cả xóm đụng con lợn, là tết đã lên mâm đề huề. Các anh ham bắt cá tới nỗi, đêm 30 vẫn đi đánh cá, gần tới giao thừa thì chạy vội về cho kịp đón giao thừa. Đêm 30 trời tối đen như mực, ánh đèn pin của các anh đi bắt cá quét loang loáng trên cánh đồng. Khi nghe tiếng chuông nhà thờ điểm thánh thót, xen lẫn tiếng chuông chùa, thì các anh biết được gần đến giao thừa, thời khắc sang năm mới, để gọi nhau chạy vội về nhà…

Thời đó, môi trường thiên nhiên còn trong sạch, những thực phẩm săn bắt trong tự nhiên cũng rất ngon. Anh Hiệu còn nhớ, gần tết cũng là mùa rươi, từng mảng rươi trôi về cửa sông trước nhà, các anh chỉ cần ra sông, dùng sàng tre hớt một lúc là được rất nhiều. Hồi đó rươi nhiều đến nỗi ăn không hết, còn nấu cho heo ăn. Mọi thứ đều đến rất tự nhiên, chiều chuộng và nuôi nấng con người. Một đất nước giàu có và hiền hòa như vậy, càng thôi thúc các anh lên đường chiến đấu để bảo vệ đất nước cho dân mình, không để ngoại xâm chiếm hữu.

Sau cái tết đáng nhớ ấy, anh Hiệu và các bạn của mình đã trở thành những anh lính quân giải phóng, đúng với ước nguyện bao lâu của các anh. Họ đã chiến đấu anh dũng, sống đời binh nghiệp rực rỡ, góp phần tạo nên trang lịch sử oai hùng cho dân tộc, chiến thắng giặc Mỹ, hoàn toàn giải phóng đất nước, lật trang lịch sử, đưa đất nước ta vào thời kỳ độc lập xây dựng và phát triển. Và cũng chính khao khát được chiến đấu, bảo vệ quê hương với thiên nhiên giàu có, đã thôi thúc anh Hiệu học tập không ngừng, chiến đấu với kế sách thông thái, vươn lên trở thành người sĩ quan, rồi vị tướng, và nhà nghiên cứu khoa học quân sự, đóng góp to lớn cho chiến thắng của dân tộc, và kho báu kinh nghiệm, tri thức trong quân sự cũng như môi trường.

Việt Châu