Kỷ niệm 47 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (3/9/1975 - 3/9/2022):

Nhớ những chuyến đi "gần như từ con số 0"

07:03 | 03/09/2022

6,740 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Là thế hệ đầu tham gia vào các dự án nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), ông Phạm Ngọc Khuê vẫn nhớ như in những ngày cùng đồng đội tham gia Dự án Bir Seba trên sa mạc Sahara. Trải qua “thiên nạn, vạn nan”, bây giờ Bir Seba đang là điểm sáng của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) ở nơi xứ người.
Nhớ những chuyến đi

Tiến sĩ Phạm Ngọc Khuê trao đổi với đối tác nước ngoài

Tôi chỉ là một trong những người được đi ra làm công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở nước ngoài. Dự án nước ngoài mà tôi tham gia sớm nhất là Dự án Algeria, Dự án 433a&416b ở sa mạc Sahara. Dự án được ký năm 2002. Khoảng giữa năm 2003, tôi tham gia dự án này.

Dự án này để lại ấn tượng lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi trực tiếp cùng với một số anh em kỹ sư làm công tác đo địa vật lý giếng khoan và thử vỉa, được chứng kiến ngọn lửa đầu tiên của một lô dầu khí ở nước ngoài. Cái cảm giác đó rất đặc biệt. Tôi tham gia thực địa rất nhiều, từ năm 1994, mỏ đầu tiên là Lô 15-2, mỏ Rạng Đông và đó là ngọn lửa đầu tiên mà tôi được chứng kiến với vai trò là giám sát của Petrovietnam. Nhưng cảm giác ngọn lửa ở Algeria hoàn toàn khác. Đó là lô chúng ta thắng thầu và chúng ta cũng khởi đầu đi ra nước ngoài với tất cả những gì mà chúng ta có thể nói là “gần như từ con số 0”. Trong quá trình triển khai dự án ở Algeria, chúng ta đã có gần như tất cả những cái gì để dành cho các dự án sau này. Đây là dự án đầu tiên mà tôi được trải qua ở nước ngoài. Tôi làm việc tại dự án từ năm 2003 đến khoảng năm 2005.

Sau đó tôi có về nước 1 năm. Lúc đó chúng ta triển khai tiếp các dự án tìm kiếm, thăm dò ở Nam Mỹ và đầu năm 2007, chúng ta trúng thầu Lô Z47 ngoài khơi của Peru. Các đồng chí lãnh đạo giao cho tôi nhiệm vụ đi sang để triển khai, thiết lập dự án. Năm 2007 là thời điểm bắt đầu hành trình chúng ta đi ra Nam Mỹ và đó là lô đầu tiên mà PVEP ký ở Peru. Ấn tượng ở lô đầu tiên chính là chúng ta không có gì ở Peru cả, khi cán bộ dầu khí Việt Nam như tôi sang bên đó thì không có Đại sứ quán. Dù đi đâu thì đầu tiên người dầu khí cũng tìm đến Đại sứ quán để được hỗ trợ, để được giúp đỡ. Thế nhưng, sang Peru, có lẽ tôi là người đầu tiên của Việt Nam, của Petrovietnam đặt chân sang và đi làm các thủ tục để lập văn phòng, đăng ký kinh doanh, rồi đăng ký làm đầy đủ pháp nhân để có thể đủ điều kiện triển khai dự án. Ngoài Lô Z47, sau này ở Peru còn có các lô khác mà Việt Nam ký. Năm 2009, chúng ta ký tiếp Lô 162 trên đất liền. Đến năm 2011, chúng ta ký Lô 39 và đến tháng 6-2012, chúng ta ký tiếp Lô 67. Lô 39 là lô có các mỏ đã tìm thấy được và chúng ta mua lại tài sản. Lô 67 cũng thế. Đó là 4 lô chúng ta đang có ở Peru.

Sau Lô Z47, chúng ta đã thiết lập gần như tất cả các pháp nhân để triển khai dự án, chúng ta lại trúng thầu Lô Danan ở Iran và tôi lại được giao nhiệm vụ sang Iran thiết lập toàn bộ dự án và triển khai. Tôi nhớ là chúng ta ký hợp đồng với Iran Lô Danan vào ngày 12-3-2008 và có hiệu lực khoảng tháng 8 cùng năm. Lô Danan nằm ở giáp biên giới với Iraq, là vùng bán sa mạc, cũng tương đồng như Lô 433a&416b của Algeria. Thế nhưng, bên kia là sa mạc Sahara thì khó khăn hơn, ở bên này dù sao là bán sa mạc, vẫn đỡ hơn.

Nhớ những chuyến đi

Dự án Bir Seba giữa sa mạc Sahara

Tôi đã có 27 năm công tác trong ngành Dầu khí kể từ năm 1994, có 4 năm công tác ngoài thềm lục địa ngoài khơi Việt Nam và có khoảng 8-9 năm đi các dự án ở nước ngoài như tôi vừa kể.

Qua những chuyến đi như thế, tôi mới thấy rằng, công việc của người đi tìm lửa thực sự rất vất vả, cho nên, nếu gặt hái được kết quả thì cực kỳ sung sướng và hạnh phúc. Giống như là sau một thời gian chúng ta trúng thầu, chúng ta triển khai công tác thăm dò, rồi chúng ta khoan có được dòng dầu, cảm giác đó thực sự khó tả. Lúc đó, mọi thứ khó khăn đều tan biến hết.

Mỗi một dự án có một kỷ niệm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi có dòng dầu ở mỏ Algeria. Bởi vì thời điểm đó, tôi làm địa vật lý giếng khoan, sau đó tôi ở lại để chuẩn bị cho thiết bị thử vỉa ra và làm luôn thử vỉa. Giếng khoan BRS-6 bis có một kỷ niệm mà tôi rất nhớ. Đấy là thời điểm đoàn lãnh đạo của dự án do anh Nguyễn Quốc Thập (nay là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - PV) dẫn đầu đi cùng với một phóng viên bên Thông tấn xã Việt Nam và một số anh em ở trên Algeria bay xuống Hassi Messaoud, xong rồi từ Hassi Messaoud bay ra mỏ bằng máy bay 2 tầng cánh. Lúc máy bay còn đang bay ở trên đầu, chuẩn bị hạ cánh, chúng tôi đã đóng được cái ngăn cách phần vỉa và cái phần trên để bắn vỉa. Lúc đấy có đồng chí ra quyết định thử lại và vẫn mở. Xong xuôi, chúng tôi bắt đầu đi vào phòng điều hành, ngồi khoảng 15 phút, tự nhiên thấy cửa mở, nghe thấy ở bên ngoài sân bay có một chiếc máy bay boeing hay máy bay phản lực đang gầm rú. Anh em lao ra, biết ngay có dòng dầu rồi.

Có chuyện nữa mà bây giờ nghĩ đến, tôi vẫn còn cảm thấy gai người. Bình thường, tại các mỏ trước đây, các giếng khoan khai thác chỉ được hơn 1 nghìn thùng. Riêng giếng BRS-6 bis đã thử ở các côn khác nhau, khi chúng ta mở đến các côn lớn vượt trên 5 nghìn thùng, thiết bị dùng để đo dòng VX không đo được nữa vì nó vượt quá khả năng của thiết bị. Nhưng mà đó chính là cảm giác rất đặc biệt.

Anh em còn có một kỷ niệm nữa, đó là anh Thập và các anh em ra tít ngoài xa ngọn lửa, ngọn lửa dài nóng lắm, cho nên phải đi ra rất xa. Đứng ở giàn, anh em chụp ảnh mà không chụp được bởi vì đằng sau quá sáng nên đèn flash không nổ, không chụp được. Cuối cùng, mãi mới chụp được một bức để giữ làm kỷ niệm. Có anh còn lăn lộn cả trên cát. Cảm giác đó phải nói thực sự hết sức tuyệt vời, không thể nào quên được!

Đầu năm 2007, chúng ta trúng thầu Lô Z47 ngoài khơi của Peru. Ngoài Lô Z47, sau này ở Peru còn có các lô khác mà Việt Nam ký. Năm 2009, chúng ta ký tiếp Lô 162 trên đất liền. Đến năm 2011, chúng ta ký Lô 39 và đến tháng 6-2012, chúng ta ký tiếp Lô 67. Lô 39 là lô có các mỏ đã tìm thấy được và chúng ta mua lại tài sản. Lô 67 cũng thế. Đó là 4 lô chúng ta đang

có ở Peru.

Phạm Ngọc Khuê

DMCA.com Protection Status