Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt:

Nhớ bác Sáu thật nhiều!

09:01 | 22/11/2022

6,394 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thời gian trôi thật nhanh. Mới đó mà đã đến ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022). Thực ra, theo ông Phạm Văn Hùng, nguyên cận vệ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ TP Hồ Chí Minh kể thì bác Sáu Dân không nhớ rõ ngày sanh của mình. Sau này, khi làm hộ chiếu đi Liên Xô dự hội nghị sau giải phóng, bác lấy ngày 23/11 là ngày đã tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được mọi người đánh giá là người đã đẩy mạnh công cuộc Đổi mới của Việt Nam và là "tổng công trình sư" nhiều dự án để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, trong đó có cụm dự án khí – điện – đạm Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí làm chủ đầu tư.

Nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là nhắc đến những quyết sách, những công trình quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng, diện mạo ngành, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Có thể kể đến như công cuộc khai hóa vùng Đồng Tháp Mười, công trình cải tạo Tứ giác Long Xuyên và đồng bằng sông Cửu Long, đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Hồ Chí Minh. Đặc biệt là những công trình công nghiệp như tuyến đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, Nhà máy Thuỷ điện Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi. Đối với ngành dầu khí là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thỏa thuận khai thác khí với Malaysia ở vùng chồng lấn ngoài khơi CAA, cụm dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau.

Nhớ lại thời kỳ đấy, từ Vũng Tàu, nơi được coi là thủ phủ của ngành dầu khí Việt Nam, chúng tôi bắt đầu một cuộc hành tiến mới trong điều kiện mới, môi trường mới. Đó là nhiệm vụ triển khai cụm dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau. Ban đầu tạm thời dừng chân ở Thanh Đa, TP Hồ Chí Minh để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, rồi sau đó là Cà Mau, nơi được cấp thẩm quyền quyết định lựa chọn vị trí xây dựng cụm dự án quan trọng này. Được phân công là tổ trưởng tổ đền bù, giải phóng mặt bằng nên tôi cùng một số anh em về Cà Mau sớm nhất. Thật may mắn lúc đó cấp trên điều động chú Bảy - Phạm Thạnh Trị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau sang làm Phó trưởng Ban QLDA và chúng tôi là những người được chú Bảy trực tiếp chỉ đạo tại Cà Mau, lúc đó có trụ sở ở 28B Phan Ngọc Hiển. Cũng vì thế mà cá nhân tôi được chú “cho đi theo” trong những cuộc gặp, làm việc với nhiều lãnh đạo tỉnh, và đặc biệt là các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương khi về thăm và làm việc tại Cà Mau. Trong những dịp đấy, nay trở thành những ký ức khó phai mờ, có những kỷ niệm trở thành dấu ấn là các chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đó là những chuyện chú Bảy nhắc lại với lòng tri ân kính trọng như việc đặt tên tỉnh Minh Hải. Hồi đó lựa chọn tên Minh Hải cho tỉnh mới gồm Cà Mau và Bạc Liêu, có nghĩa là điểm sáng, nơi biển sáng, nơi có rừng U Minh hạ, có 3 mặt giáp biển. Sau khi tách tỉnh, bác Sáu muốn giữ lại tên tỉnh Minh Hải cho tỉnh Cà Mau, còn tên Cà Mau sẽ đặt tên cho thị xã trung tâm, mai kia phát triển lên sẽ là thành phố Cà Mau.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong đợt thăm và làm việc tại Cà Mau
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong đợt thăm và làm việc tại Cà Mau

Ấn tượng sâu sắc liên quan đến cụm dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau đối với bác Sáu trong tôi. Thứ nhất là việc quyết định ký thỏa thuận khai thác thương mại vùng chồng lấn ngoài khơi với Malaysia, tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển cụm công nghiệp quan trọng này. Ngay từ năm 1992, Thủ tướng Việt Nam khi đó là bác Võ Văn Kiệt đã thăm Malaysia, cùng Thủ tướng Malaysia thông qua thoả thuận để đàm phán phân định thềm lục địa giữa hai nước. Trên cơ sở đó hai bên đã thống nhất áp dụng mô hình khai thác chung cho vùng chồng lấn được xác định, làm cơ sở cho sự hợp tác phát triển chung về nguồn tài nguyên biển trong đó có dầu khí.

Thứ hai là trong việc lựa chọn địa điểm của dự án. Hồi đó, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) cùng với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tiến hành khảo sát các vùng Năm Căn, sông Ông Đốc, các vị trí ở xã Hồ Thị Kỷ, xã Khánh An... để đánh giá, lựa chọn địa điểm thích hợp. Tại cuộc họp có bác Sáu tham dự, ngoài phân tích về điều kiện tự nhiên, tính hiệu quả đầu tư thì bác lưu ý phải xem xét về đóng góp mặt xã hội và ý nghĩa chính trị, cần lựa chọn nơi để vừa là đòn bẩy kinh tế, vừa tri ân nhân dân nơi căn cứ địa cách mạng qua cả hai cuộc kháng chiến và bác Sáu gợi ý địa điểm tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Đây cũng là vị trí hiện nay của cụm công trình.

Thứ ba là việc quyết định xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 2. Hôm bác về thăm và làm việc với tỉnh Cà Mau, khi ghé vào công trường cụm dự án. Sau khi nghe báo cáo chung, bác chỉ vào mặt bằng dự án và nêu câu hỏi, cũng là cách đặt vấn đề. Một là điện thì đang thiếu, hai là nguồn khí PM3-Cà Mau có thể khai thác và sử dụng bao nhiêu? ba là diện tích mặt bằng còn đủ đất cho một nhà máy điện nữa không, đã đền bù chưa? Sau khi nghe báo cáo trả lời vắn tắt là nguồn khí có thể cung cấp đủ, tuyến đường ống cũng sẽ thiết kế đủ công suất, kể cả điểm kết nối dự phòng để nhận bổ sung; về mặt bằng thì đã được tỉnh giúp đỡ nên đã giải phóng mặt bằng, bác Sáu, rất nhanh, đã nhẩm luôn: nhu cầu điện đang cần, nguồn khí đủ, mặt bằng có, dầu khí thì lo được tiền; vậy thì nên đầu tư thêm một nhà máy thứ 2 để tăng hiệu quả, giải quyết bài toán thiếu điện và đồng thời khai thác hiệu quả nguồn khí theo thỏa thuận với phía Malaysia, để hợp tác quốc tế thực sự đóng góp vào bảo vệ và phát triển đất nước. Nói rồi cố Thủ tướng gọi điện cho các vị lãnh đạo Chính phủ khi đó là Thủ tướng Phan Văn Khải để nêu vấn đề. Nhờ đó, với sự ủng hộ của các cấp mà dự án Nhà máy điện Cà Mau 2 đã được gấp rút triển khai với cơ chế nhân đôi từ nhà máy điện Cà Mau 1.

Đồng chí Phạm Thạnh Trị (ngoài cùng bên phải) cùng Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Cà Mau                                       Đồng chí Phạm Thạnh Trị (ngoài cùng bên phải) cùng Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Cà Mau
Đồng chí Phạm Thạnh Trị (ngoài cùng bên phải) cùng Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Cà Mau

Với tầm vóc của trí tuệ và tính quyết liệt trong chỉ đạo như thế nhưng đời thường bác Sáu rất gần gũi, giản dị. Còn nhớ hôm đó, sau khi đi thăm rừng đặc dụng Vồ Dơi về, chú Bảy Trị cứ vui mừng nhắc mãi, rằng “vui quá mấy đứa ơi, chú Sáu, ăn trưa cá nướng và các loại rau rừng luộc, uống rượu mỏ quạ anh em tự ngâm nhưng khen ngon miệng; mừng thiệt, ổng còn khỏe còn đóng góp cho đất nước”. Tiếc nhất là khi khánh thành cụm dự án thì bác Sáu đã đi xa và chúng tôi còn chưa kịp có sổ vàng lưu niệm để lưu bút tích của cố Thủ tướng. Sau này, tôi có dịp cùng vợ chồng anh Sáu Tuấn, Bí thư tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2005-2010 đến nhà chị Hiếu Dân, sau khi thắp hương lên án thờ gia đình anh chị lập cho cố Thủ tướng, trong nhiều câu chuyện, tôi mới hiểu thêm tình yêu thương sâu sắc của bác, mới biết bác có họ Phan, xuất thân từ gia đình nghèo, bác đã từng phải đi ở đợ, khi hoạt động cách mạng thì luôn cận kề nguy hiểm. Có lẽ thế nên bác rất hiểu dân, hiểu cái khổ và rất thương yêu nhân dân. Ngày thường khi có thời gian, bác rất giản dị, dù tuổi đã cao nhưng vẫn thích xắn quần lội kênh, làm vườn.

Kỷ niệm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhớ đến bác Sáu Dân là nhớ đến một vị lãnh đạo tài năng, của dấu ấn. Đến tận cuối đời vẫn thao thức vì nước, vì dân. Trong tiết thu, trời như trong hơn, thấy bóng hình của bác Sáu lồng lộng cùng non sông và sự nghiệp cách mạng của đất nước, nhưng vẫn thật gần gũi với chúng ta.

Nguyễn Thành Hưởng

Tổng công ty thăm dò Khai thác Dầu khí: Trồng cây xanh trên đường Võ Văn KiệtTổng công ty thăm dò Khai thác Dầu khí: Trồng cây xanh trên đường Võ Văn Kiệt
Có một khu “Vườn kỷ niệm”Có một khu “Vườn kỷ niệm”
BSR dâng hoa tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn KiệtBSR dâng hoa tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Hai câu chuyện Hai câu chuyện "vì dân" của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Thủ tướng Võ Văn Kiệt – Người đặt nền móng xây dựng NMLD Dung QuấtThủ tướng Võ Văn Kiệt – Người đặt nền móng xây dựng NMLD Dung Quất

DMCA.com Protection Status