Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/10/2022

20:56 | 06/10/2022

3,687 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - OPEC+ nhất trí cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày; Nga cảnh báo trần giá dầu của phương Tây sẽ phản tác dụng; Mỹ tuyên bố bán thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 6/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/10/2022
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman nói rằng mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày là cần thiết. Ảnh: AFP

OPEC+ nhất trí cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa và đối tác (OPEC+) ngày 5/10 nhất trí hạ sản lượng khai thác dầu với mức cắt giảm lớn. Saudi Arabia nói rằng mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 2% nguồn cung dầu toàn cầu, là cần thiết để phản ứng với sự tăng lên của lãi suất ở các nước phương Tây và tình trạng yếu đi của nền kinh tế thế giới.

Mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày, mức giảm sản lượng lớn nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020, được đưa ra trên cơ sở là hạn ngạch hiện có của OPEC+. Điều này có nghĩa là sản lượng thực tế của OPEC+ sẽ không giảm nhiều, vì trong tháng 8, khối này đã khai thác ở mức ít hơn khoảng 3,6 triệu thùng dầu/ngày so với hạn ngạch đề ra.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz bin Salman nói rằng mức cắt giảm thực tế sẽ là 1-1,1 triệu thùng/ngày. Các nhà phân tích của Jefferies ước tính rằng con số cắt giảm thực tế là 0,9 triệu thùng/ngày, trong khi Goldman Sachs nói con số chỉ là 0,4-0,6 triệu thùng/ngày và chủ yếu đến từ các thành viên OPEC ở vùng Vịnh như Saudi Arabia, Iraq, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait.

Nga cảnh báo trần giá dầu của phương Tây sẽ phản tác dụng

Phát biểu tại Vienna (Áo) sau cuộc họp của OPEC+ ngày 5/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo rằng việc áp giá trần lên dầu của Nga sẽ phản tác dụng. Ông Novak cũng nhắc lại cảnh báo rằng Nga sẽ không bán dầu cho các quốc gia áp đặt cơ chế này.

“Sự can thiệp vào thị trường như vậy chỉ có gây hại”, ông Novak nói, dẫn chứng rằng có thể xảy ra tình trạng thiếu dầu tại một số khu vực, chi phí vận chuyển tăng lên, giao hàng trễ và gây ra “nhiều cú sốc cũng như bất ổn”.

Ông Novak cũng cho biết sản lượng dầu của Nga có thể giảm xuống 490 triệu tấn vào năm 2023, từ mức 530 triệu tấn của năm nay. Trong khi đó, giới chuyên gia ước tính nếu bị áp giá trần, sản lượng dầu của Nga có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày.

Mỹ tuyên bố bán thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược

Trong tuyên bố chung hôm 5/10, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng, Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, Brian Deese cho biết Tổng thống Joe Biden “thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+” nhằm cắt giảm hạn ngạch sản xuất trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tình trạng tiêu cực kéo dài do xung đột Nga-Ukraine.

Tuyên bố cho rằng “Theo chỉ đạo của Tổng thống, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ cung cấp thêm 10 triệu thùng từ SPR ra thị trường vào tháng tới”. Chính phủ Mỹ sẽ tham vấn với Quốc hội về các công cụ phản ứng bổ sung để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC đối với giá năng lượng.

Vào tháng 3, Tổng thống Biden quyết định xuất bán 1 triệu thùng dầu từ SPR mỗi ngày trong vòng 6 tháng để chống lại giá khí đốt cao kỷ lục, lạm phát tăng và tình trạng gián đoạn thị trường do cuộc chiến ở Ukraine gây ra. Thời hạn giải phóng khoảng 180 triệu thùng dầu từ SPR của Mỹ dự kiến kết thúc vào ngày 31/10.

Bulgaria tạm dừng lệnh trừng phạt chống Nga

Kênh truyền hình RT đưa tin đất nước Bulgaria sẽ tạm ngừng thực thi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với nhiên liệu của Nga, để đảm bảo hoạt động của các tổ chức chính phủ, cuộc sống của người dân và an ninh quốc gia.

Báo cáo từ cuộc họp chính phủ ngày 5/10 cho hay, do tình trạng khan hiếm năng lượng, các công ty Nga cung cấp nhiên liệu ô tô cho Bulgaria sẽ được miễn trừ cấm vận cho đến hết năm 2024. Theo đó, Bulgaria được phép ký kết các hợp đồng nhà nước mới với các nhà cung cấp nhiên liệu ô tô ở Nga kể từ ngày 10/10. Lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực trở lại vào ngày 31/12/2024.

Đầu tháng 9, người đứng đầu Bộ Tài chính Bulgaria Rositsa Velkova thông báo ý định xin phép giới chức EU để tiếp tục mua nhiên liệu từ Nga cho đến ít nhất là cuối năm 2024. Nếu không được miễn trừ trừng phạt, Bộ trưởng Velkova cảnh báo các phương tiện ở nước này sẽ không có nhiên liệu để hoạt động.

Đức có thể giảm bán điện sang các nước láng giềng

Ông Hendrik Neumann, Giám đốc kỹ thuật của Amprion - Nhà điều hành lưới điện hàng đầu của Đức, cho biết nước này có thể phải giảm lượng xuất khẩu điện sang các nước láng giềng trong mùa đông tới, bao gồm cả Pháp.

Theo tờ Financial Times, động thái trên là “biện pháp cuối cùng” của Đức nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu điện trong nước. Tuy nhiên, ông Neumann cho biết kịch bản này chỉ xảy ra trong vài giờ, chứ không phải vài ngày.

Đức là quốc gia xuất khẩu điện lớn trong nhiều năm. Năm ngoái, nước này đã bán được 17.400 gigawatt giờ (GWh) điện cho các nước EU khác so với lượng điện nhập khẩu. Trong đó, Pháp và Áo là những khách hàng lớn của Berlin. Các nhà phân tích cho rằng xuất khẩu điện của Đức giảm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung ở Pháp.

Tây Ban Nha, Đức thúc đẩy việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới

Các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha và Đức ngày 5/10 đã cam kết tăng cường phối hợp để thúc đẩy kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới qua dãy Pyrenean. Thủ tướng hai nước đã tiến hành tham vấn nội bộ chính phủ mỗi nước, đưa ra một kế hoạch hành động chung nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong các vấn đề năng lượng và an ninh.

Theo kế hoạch hành động chung được công bố trước đó trong ngày, việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt đủ lớn qua dãy Pyrenees để đưa vào hoạt động vào năm 2025 là hết sức có ý nghĩa nhằm xây dựng một thị trường năng lượng thực sự mạnh ở EU, đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và tăng tính tự chủ mang tính chiến lược của khối.

Về phía Đức, Thủ tướng Olaf Scholz bảo vệ kế hoạch chi 200 tỷ euro (198 tỷ USD) để ngăn chặn tác động từ việc giá năng lượng tăng. Kế hoạch này vấp phải "sự kêu ca" của các nước đối tác trong EU, khi cho rằng Đức đang sử dụng các nguồn lực kinh tế mà các nước láng giềng không có được, làm giảm năng lực cạnh tranh của các nước khác trong khối.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/10/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/10/2022

DMCA.com Protection Status