Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/9/2022

20:00 | 30/09/2022

7,529 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Giá khí đốt châu Âu tăng vọt trước tin đường ống Dòng chảy Thổ nhĩ Kỳ bị cấm; Quan chức tình báo Nga nói có bằng chứng phương Tây đứng sau vụ phá hoại Nord Stream; Mỹ cảnh báo cao độ an ninh đối với tàu chở LNG đến châu Âu… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong ngày 30/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/9/2022
Mỹ lo ngại về sự an toàn của các cơ sở hạ tầng khí đốt của nước này, đặc biệt những lô hàng LNG. Ảnh: Euractiv

Giá khí đốt châu Âu tăng vọt trước tin đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm

Theo RT, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng lên gần 2.100 USD/1.000 m3 sau khi có thông nhà vận hành đường ống dẫn khí TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) bị tước mất giấy phép hoạt động theo lệnh cấm vận mới nhất của liên minh châu Âu đối với ngành xuất khẩu năng lượng từ Nga.

Cụ thể, hợp đồng khí đốt giao tháng 11 tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan đã tăng lên 2.087 USD/nghìn mét khối, tương đương 206 euro/megawatt giờ.

Các chuyên gia nhận định giá khí đốt tháng 11 tăng mạnh một phần chịu tác động từ việc nguồn cung từ đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ không đảm bảo, sau khi chính phủ Hà Lan rút giấy phép xuất khẩu khí đốt của của công ty Dòng chảy phương Nam đang vận hành Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (thuộc sở hữu của Nga) hôm 29/9.

Quan chức tình báo Nga nói có bằng chứng phương Tây đứng sau vụ phá hoại Nord Stream

Quan chức tình báo hàng đầu của Nga tiết lộ Mátxcơva nắm được thông tin cho thấy phương Tây đứng đằng sau “hành động khủng bố” nhằm vào các đường ống khí đốt Nord Stream dưới Biển Baltic.

“Chúng tôi có các bằng chứng chỉ ra dấu vết của phương Tây trong việc tổ chức và thực hiện các hành động khủng bố này”, ông Sergei Naryshkin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga (SVR), nói với các phóng viên trên truyền hình nhà nước.

Tuyên bố của ông Naryshkin là lời buộc tội công khai thẳng thắn nhất nhằm vào phương Tây từ một quan chức cấp cao của Nga. Ông không nói rõ Nga có bằng chứng gì, nhưng cáo buộc phương Tây đang cố gắng che giấu thủ phạm thực sự của vụ tấn công. "Phương Tây đang làm mọi cách để che giấu thủ phạm thực sự và những người tổ chức hành động khủng bố quốc tế này", ông Naryshkin nói.

Mỹ cảnh báo cao độ an ninh đối với tàu chở LNG đến châu Âu

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cảnh báo ngành năng lượng Mỹ, bao gồm cả các nhà khai thác tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), phải ở trạng thái “cảnh giác cao độ” sau khi một loạt vụ nổ xảy ra đối với đường ống dẫn khí Nord Stream ở biển Baltic.

"Các chuyến hàng LNG đến châu Âu cần phải đề phòng nhiều hơn", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói, đồng thời cho biết “chúng tôi phải cảnh giác cao độ”. Theo Bộ trưởng, vụ việc cho thấy rủi ro đối với các quốc gia châu Âu khi “dựa vào nguồn cung năng lượng từ Nga".

Cảnh báo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lo ngại trước các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng khí đốt của nước này, đặc biệt những lô hàng LNG được xem là mục tiêu dễ bị tấn công.

Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới liên quan hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran

Ngày 29/9, Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với 2 công ty có trụ sở tại Trung Quốc là Zhonggu Storage & Transportation Co. Ltd và WS Shipping Co. Ltd nhằm ngăn chặn việc lách các lệnh trừng phạt trong hoạt động bán các sản phẩm hóa dầu và dầu mỏ của Iran.

Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt trừng phạt đối với một mạng lưới các công ty liên quan tới hoạt động mà Washington coi là bán các sản phẩm dầu mỏ và hóa dầu của Iran trị giá hàng trăm triệu USD cho người tiêu dùng tại Đông và Nam Á.

Các biện pháp trừng phạt này nhằm vào các bên trung gian Iran và công ty bình phong tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Ấn Độ. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: "Những hành động này sẽ được duy trì thường xuyên, với mục tiêu hạn chế đáng kể hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm hóa dầu của Iran".

Đức chi 200 tỷ euro trợ giá năng lượng

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner ngày 29/9 khẳng định Berlin đang tham gia “cuộc chiến năng lượng” trước Nga. Trước đó, chính phủ Đức đã công bố khoản cứu trợ 200 tỷ euro nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các công ty khỏi chi phí năng lượng tăng cao.

Vào tháng 9, lạm phát ở Đức đã tăng lên 10% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1951. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner nói thêm: “Chúng tôi thấy mình đang ở trong một cuộc chiến năng lượng vì sự thịnh vượng và tự do, đồng thời nhấn mạnh rằng tình hình đã trở nên tồi tệ hơn sau vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream ở biển Baltic".

"Cuộc chiến năng lượng này nhằm mục đích phá hủy phần lớn những gì con người đã tự tay xây dựng trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi không thể chấp nhận điều này và chúng tôi đang tự bảo vệ mình", Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói.

Hungary phản đối gói trừng phạt mới của EU với Nga nếu nhằm vào ngành năng lượng

Hãng tin Reuters dẫn lời Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary - ông Gergely Gulyas ngày 29/9 cho biết Hungary sẽ không ủng hộ gói trừng phạt thứ tám lên Nga do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất nếu những biện pháp trừng phạt này liên quan đến lĩnh vực năng lượng.

Ông Gergely cũng cho biết Hungary đang chờ đến khi có danh sách đầy đủ và cuối cùng các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga, rồi mới trao đổi với EU về các biện pháp này. Vị quan chức này nhắc lại lời chỉ trích của Thủ tướng Hungary - ông Viktor Orban rằng các biện pháp trừng phạt của Brussels nhằm vào Moscow đã “phản tác dụng”.

Ông Gergely nói rằng các hạn chế thương mại áp đặt lên Nga không chỉ không thể chấm dứt chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine mà còn gây tổn hại cho các nước châu Âu nhiều hơn là Nga. Lý do mà ông đưa ra là Moscow đã thu được nhiều lợi nhuận nhờ giá năng lượng tăng cao.

Khủng hoảng năng lượng đe dọa hàng nghìn doanh nghiệp châu Âu

Trong thư ngỏ gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) ngày 29/9, Liên đoàn các doanh nghiệp châu Âu (CEB) nhấn mạnh, tình trạng giá điện và khí đốt cao hiện nay có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất và khiến hàng nghìn doanh nghiệp châu Âu thua lỗ, thậm chí dẫn tới phải đóng cửa. Tình hình cấp bách này buộc giới chức phải có các biện pháp khẩn cấp ở cấp độ liên minh.

CEB nêu rõ, 70% cơ sở sản xuất phân bón tại châu Âu đã phải đóng cửa hoặc giảm công suất, trong khi công suất sản xuất nhôm đã giảm tới 50%. Tổ chức này nhấn mạnh, các nhà hoạch định chính sách cần phải khẩn cấp đưa ra các biện pháp tạm thời áp dụng trên toàn EU để tách giá điện ra khỏi giá khí đốt.

EC và 27 nước thành viên đang nỗ lực để đề ra các biện pháp giảm thiểu tác động của chí phí tăng vọt. Dự kiến ngày 30/9, Bộ trưởng Năng lượng các nước EU nhóm họp tại Brussels để thống nhất các phương án. Tuy nhiên, giữa các nước tồn tại nhiều khác biệt nên khó có thể sớm tìm được một giải pháp chung.

Phần Lan tăng cường bảo vệ lưới điện

Phần Lan ngày 29/9 cho biết sẽ tăng cường an ninh bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng sau sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) ở biển Baltic. Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Annika Saarikko nêu rõ: “Chúng tôi đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan Chính phủ đảm bảo sự chuẩn bị và tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng khác nhau.”

Bà Saarikko cho biết thêm cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm mạng lưới điện và nguồn cung cấp nước. Cũng theo bà Saarikko, sự quan tâm đặc biệt được dành cho Baltic Connector, tuyến đường ống cung cấp khí đốt quan trọng cho ngành công nghiệp Phần Lan.

Gasgrid, công ty nhà nước Phần Lan chịu trách nhiệm quản lý đường ống này, đã tăng cường “mức độ sẵn sàng” đối phó cùng "các biện pháp an ninh.” Quan chức này nhấn mạnh chưa có báo cáo nào về “các mối đe dọa cụ thể” chống Phần Lan trong tình hình hiện nay.

Số phận 2 đường ống Nord Stream sau vụ rò rỉ nghiêm trọng

Ngày 29/9, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vấn đề liên quan tới việc khôi phục hoạt động của đường ống Nord Stream 1 là về mặt kỹ thuật và Điện Kremlin chưa có nhiều thông tin về vấn đề này. Còn theo ông Pavel Zavalny, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Duma Quốc gia Nga, quá trình sửa chữa 2 đường ống Nord Stream có thể mất hơn 6 tháng.

Ông Zavalny nêu ra 2 phương án sửa chữa, bao gồm tạo một caisson (một cấu trúc kín ngăn nước, thường được dùng trong xây dựng ở dưới nước) xuống khu vực đường ống và sửa chữa hoặc thay thế đường ống bên trong caisson hoặc nâng đường ống lên trên mặt nước để sửa chữa, để làm được điều này cần cần cẩu có lực nâng 3.000 tấn.

Song, Nghị sĩ Nga chỉ ra, còn một yếu tố mang tính chất quyết định đối với quá trình sửa chữa này đó là khả năng huy động tàu để sửa chữa vì có thể những phương tiện này nằm trong danh mục phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Nga, do đó, không thể huy động để sửa chữa đường ống.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status