Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/9/2022

20:17 | 26/09/2022

5,188 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đức và UAE ký thỏa thuận về khí đốt; Xuất khẩu khí đốt của Ai Cập tăng vọt; Hàng nghìn người dân Đức biểu tình yêu cầu đưa Nord Stream 2 vào vận hành… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 26/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/9/2022
Hàng nghìn người đã biểu tình ở thành phố Lubmin, bang Mecklenburg-Vorpommern, miền Bắc nước Đức, để yêu cầu mở hệ thống đường ống Nord Stream 2. Ảnh: NTL

Đức và UAE ký thỏa thuận về khí đốt

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), công ty năng lượng RWE có trụ sở tại Essen (Đức) đã ký hợp đồng nhận lô LNG đầu tiên từ một công ty quốc gia vùng Vịnh này với khối lượng 137.000 m3, tương ứng khoảng 822 triệu kWh.

Theo thỏa thuận, khí đốt sẽ được vận chuyển bằng tàu vào tháng 12 tới trạm tiếp nhận mới ở thành phố Brunsbüttel, bang Schleswig-Holstein thuộc miền Bắc nước Đức, nơi những đường ống đầu tiên đang được lắp đặt.

Theo RWE, một bản ghi nhớ về việc cung cấp LNG dài hạn, bắt đầu từ năm 2023, đã được ký kết. RWE đánh giá thương vụ này đánh dấu "cột mốc quan trọng" đối với nguồn cung LNG trong tương lai của Đức.

Slovakia đưa dự luật quốc hữu hóa điện và khí đốt để xử lý khủng hoảng năng lượng

Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng trong châu Âu, Slovakia vừa thông qua một đề xuất sẽ cho phép chính phủ quốc hữu hóa năng lượng do các công ty sản xuất và ban bố tình trạng khẩn cấp trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung và giá năng lượng tăng mạnh hoặc an ninh năng lượng bị đe dọa.

Các biện pháp cho phép chính phủ quốc hữu hóa năng lượng từ các công ty sản xuất được thông qua tuy nhiên vẫn cần sự đồng ý từ Hội đồng Quốc gia và Quốc hội dự kiến ​​sẽ xem xét thỏa thuận này trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì thủ tục này sẽ sớm được thông qua bởi nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng năng lượng gây ra.

Nếu luật được thông qua, chính phủ có thể quốc hữu hóa điện và khí đốt của các công ty năng lượng vì lợi ích kinh tế chung của đất nước. Các chi phí hợp pháp mà doanh nghiệp phải chịu sẽ được nhà nước hoàn trả cho nhà cung cấp.

Xuất khẩu khí đốt của Ai Cập tăng vọt

Trung tâm hỗ trợ quyết định và thông tin của chính phủ Ai Cập (IDSC) ngày 25/9 cho hay, Ai Cập tăng trưởng doanh thu xuất khẩu khí đốt tự nhiên, gấp 13 lần trong 8 năm qua. Doanh thu xuất khẩu khí đốt tự nhiên và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đạt 8 tỷ USD trong năm tài chính 2021/2022, tăng từ mức 0,6 tỷ USD trong năm tài chính 2013/2014. Xuất khẩu LNG và khí đốt tự nhiên cũng đã tăng 4 lần trong 8 năm qua, từ mức 1,9 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn.

Cũng trong cùng khoảng thời gian này, quốc gia Bắc Phi đã ký hơn 100 thỏa thuận với các công ty quốc tế liên quan tới việc khai thác khí đốt và xăng dầu với giá trị đầu tư tối thiểu là 22 tỷ USD. Sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên của Ai Cập đã đạt 69,2 tỷ m3 vào năm tài chính 2021/2022 so với 41,6 tỷ m3 của năm tài chính 2015/2016, tăng 66,3%.

Nguồn xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Ai Cập đặc biệt được coi trọng trong hoàn cảnh các nước châu Âu mong muốn đa dạng hóa các nguồn năng lượng để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vốn chiếm khoảng 45% nhập khẩu của lục địa này vào năm 2021.

Hungary chỉ trích các biện pháp trừng phạt Nga của châu Âu

Ngày 25/9, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho rằng, các biện pháp trừng phạt Nga đang gây thiệt hại cho chính châu Âu và là "thất bại hoàn toàn", là nguyên nhân khiến lạm phát của khối tăng vọt, chi phí tiện ích, giá khí đốt tự nhiên và giá thực phẩm đều tăng, trong khi kinh tế châu lục đi vào suy thoái.

Ông Szijjarto gọi gói trừng phạt thứ 8 trong dự kiến của Liên minh châu Âu (EU) với Nga là một "hướng đi sai," nhưng lưu ý rằng chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này và thậm chí cũng chưa có đề xuất chính thức nào được chuẩn bị.

Ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ không đồng ý với bất kỳ quyết định nào có thể gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Hungary. An ninh nguồn cung năng lượng của chúng tôi vẫn là ranh giới đỏ. Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ biện pháp trừng phạt nào gây nguy hiểm cho nguồn cung năng lượng của mình”.

Đức quyết tâm không phụ thuộc vào một nhà cung cấp năng lượng duy nhất

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 25/9 nhấn mạnh nước Đức quyết tâm không bao giờ phụ thuộc vào một nhà cung cấp năng lượng duy nhất trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).

Nhà lãnh đạo Đức đang công du vùng Vịnh với hy vọng ký kết các thỏa thuận năng lượng mới để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga và giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Phát biểu trước các phóng viên tại thủ đô Abu Dhabi của UAE, ông Scholz cho biết Đức đã đạt được tiến bộ trong một loạt dự án liên quan đến sản xuất và mua dầu diesel và khí đốt.

Với các khoản đầu tư mà Chính phủ Đức hiện đang thực hiện ở Đức và các dự án sẽ được hoàn tất dần dần trong năm tới, nước Đức sẽ có cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí đốt để không còn phụ thuộc trực tiếp vào một nhà cung cấp cụ thể ở phía cuối đường ống như với đường ống dẫn khí đốt mà nước này đang có.

Ba Lan kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng trong mùa đông

Do tình hình địa chính trị hiện nay và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, Chính phủ Ba Lan ngày 25/9 thông báo chính thức phát động một chiến dịch thông tin chung về tiết kiệm năng lượng trong mùa Đông, tiếp bước các quốc gia thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã có động thái tương tự.

Theo Bộ trưởng Bộ Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa, chiến dịch nói trên với khẩu hiệu “Chúng tôi tiết kiệm năng lượng” nhằm thuyết phục người dân làm quen với những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày để sử dụng ít điện và nhiệt hơn.

Bộ trưởng Moskwa nhấn mạnh Chính phủ Ba Lan muốn người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng. Việc cùng nhau hành động sẽ giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm chi phí và tăng cường an ninh năng lượng cho Ba Lan trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Hàng nghìn người dân Đức biểu tình yêu cầu đưa Nord Stream 2 vào vận hành

Chiều 25/9, khoảng 3.000 người đã biểu tình ở Lubmin, thành phố thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern, miền Bắc nước Đức, để yêu cầu mở hệ thống đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), kêu gọi nguồn năng lượng giá tốt và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Moskva.

Theo truyền thông Đức, chính sách cứng rắn của chính quyền Berlin đối với Nga đã khiến nhiều người ở Đức khó hiểu. Cuộc biểu tình diễn ra theo lời kêu gọi của đảng Nền tảng (Die Basis). Các diễn giả tại cuộc biểu tình kêu gọi chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng như yêu cầu Chính phủ Đức từ chức.

Tại cuộc biểu tình, người tham gia vẫy cờ Nga và những tấm biểu ngữ mang các dòng chữ như: "Để quê hương chúng ta có tương lai - rốt cuộc là mở Nord Stream 2", "Hãy vận hành Nord Stream 2", "Chúng ta là nhân dân", "Chính phủ của chúng ta phải ra đi".

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status