Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/9/2022

20:31 | 24/09/2022

8,887 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đề xuất tăng giá điện khi giá bán lẻ bình quân tăng 1%; Dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ thấp nhất trong 40 năm; Thủ tướng Đức tới vùng Vịnh tìm kiếm nguồn cung năng lượng mới… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 24/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/9/2022
Dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 40 năm. Ảnh: PBS

Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện khi giá bán lẻ bình quân tăng 1%

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Bộ đề xuất, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, hoặc ngoài khung giá, hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Căn cứ ý kiến bằng văn bản của Bộ Công Thương, EVN sẽ quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện kể từ ngày 1-10 của năm đó.

Ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng nhưng không thấp hơn mức giá tối thiểu của khung giá và điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện.

Dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ thấp nhất trong 40 năm

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ (SPR) đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 40 năm. Cụ thể, dự trữ dầu thô giảm gần 7 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 16/9, xuống còn 427,2 triệu thùng - mức thấp nhất kể từ năm 1984. Đây cũng là lần đầu tiên SPR chứa ít dầu hơn kho thương mại kể từ năm 1983. Tính đến ngày 16/9, các cơ sở lưu trữ thương mại của Mỹ trữ đến 430,8 triệu thùng dầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi cuối tháng 3 thông báo 180 triệu thùng dầu thô sẽ “giải phóng” từ SPR trong nỗ lực kiềm chế tăng giá nhiên liệu cũng như sự gián đoạn thị trường, nguyên nhân một phần là do chiến sự Ukraine ảnh hưởng đến nguồn cung dầu của Nga ra thị trường thế giới.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tung ra thị trường khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng 6 tháng. Theo các nhà phân tích, lượng dầu này cao hơn gấp ba lần so với bất kỳ lần “xả kho” nào trước đó từ SPR. Dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 155 triệu thùng đã được rút khỏi SPR trong năm nay, khoảng 10 triệu thùng nữa sẽ được xả vào tháng 11.

Thủ tướng Đức tới vùng Vịnh tìm kiếm nguồn cung năng lượng mới

Ngày 24/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz các quốc gia vùng Vịnh nhằm tìm kiếm một số thỏa thuận hợp tác năng lượng mới trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tới “lục địa già” liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.

Thủ tướng Scholz cùng đoàn tháp tùng gồm đại diện nhiều ngành công nghiệp lớn bắt đầu chuyến công du 2 ngày tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar trong hai ngày 24 và 25/9. Nhà lãnh đạo Đức hy vọng sẽ đạt thỏa thuận quan hệ đối tác năng lượng mới với các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ và khí đốt.

Ông Scholz sẽ có cuộc gặp với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Quốc vương Salman trong ngày 24/9. Ngoài tìm kiếm nguồn cung năng lượng mới, Berlin cũng muốn mở rộng hợp tác về các công nghệ mới như hydro xanh.

Tiếp sau Saudi Arabia, ông Scholz sẽ đến UAE và gặp Tổng thống Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan trong ngày 25/9. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Đức sẽ tới Qatar và hội đàm với Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani.

Bỉ ngừng hoạt động lò phản ứng hạt nhân đầu tiên bất chấp khủng hoảng năng lượng

Một trong những lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Doel ở Bỉ sẽ ngừng hoạt động sau 40 năm đưa vào khai thác. Tập đoàn Năng lượng Electrabel cho biết, lò phản ứng Doel 3 sẽ bị ngắt khỏi lưới điện của Bỉ theo đạo luật năm 2003 về “loại bỏ dần năng lượng hạt nhân để sản xuất điện công nghiệp”.

Đây là lần đầu tiên một lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động ở Bỉ. Theo hãng RT, thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra và trở nên trầm trọng hơn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Tất cả 7 lò phản ứng của Bỉ, tại các nhà máy điện hạt nhân Doel và Tihange, vốn đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu điện của nước này, đã được lên kế hoạch ngừng hoạt động vào năm 2025. Tuy nhiên, những lo ngại về một mùa đông khó khăn đã thúc đẩy việc xem xét lại các kế hoạch đó. Vào tháng 3, Chính phủ Bỉ đã quyết định gia hạn hoạt động của lò phản ứng Doel 4 và Tihange 3 thêm 10 năm.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status