Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/9/2022

20:12 | 23/09/2022

7,088 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - EVN phải có trách nhiệm đàm phán giá với các đơn vị tham gia thị trường điện; Châu Âu đẩy nhanh nỗ lực áp trần dầu Nga; Anh bỏ lệnh cấm khai thác dầu đá phiến để đảm bảo nguồn năng lượng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 23/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/9/2022
Việt Nam hiện có 62 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nhưng do giá FIT hết hạn nên chưa có giá bán điện và 5 dự án/phần dự án điện mặt trời đang chờ xác định giá điện. Ảnh minh họa: EVN

EVN phải có trách nhiệm đàm phán giá với các đơn vị tham gia thị trường điện

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) vừa có văn bản nêu ý kiến về kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về đề xuất cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công Thương phê duyệt.

Về vấn đề này, Cục Điều tiết điện lực cho biết, cơ sở pháp lý để đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện là theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 45 của Bộ Công Thương. Theo đó, các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo (không phải thủy điện) có công suất đặt lớn hơn 30 MW, được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện. Các dự án điện năng lượng tái tạo muốn tham gia thị trường điện phải đảm bảo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 24 của Bộ Công Thương.

Về đề xuất “Bộ Công Thương không giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện các dự án này”, Cục Điều tiết điện lực cho rằng, EVN với vai trò là đơn vị mua điện trong thị trường điện, phải có trách nhiệm đàm phán, thỏa thuận với đơn vị phát điện tham gia thị trường điện để thống nhất cả về giá và sản lượng hợp đồng và quy định tại hợp đồng mua bán điện theo mẫu quy định tại Thông tư số 57 của Bộ trưởng Bộ Công Thương (dạng hợp đồng CFD).

Châu Âu đẩy nhanh nỗ lực áp trần dầu Nga

Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang chạy đua để sớm đạt thỏa thuận về việc áp trần giá bán dầu Nga. Việc áp trần giá có thể được đưa vào gói trừng phạt mới do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết. Việc áp trần sẽ giải quyết được mục tiêu của Mỹ và EU là kiềm chế giá dầu thô tăng vọt và giảm nguồn thu của Moskva.

Các chi tiết vẫn cần được thảo luận thêm. Hiện cũng chưa rõ kế hoạch trần giá được thực hiện thế nào song song với lệnh cấm nhập dầu Nga của EU - có hiệu lực cuối năm nay. Trần giá vì thế phải được áp dụng trước ngày 5/12. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực mới của EC và một số quốc gia thành viên EU, kế hoạch vẫn còn nhiều trở ngại và khả năng đạt được thỏa thuận trên không quá cao.

Đại diện các nước EU sẽ họp với Ủy ban châu Âu vào cuối tuần này để thảo luận các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Theo một nguồn tin, tại cuộc gặp ở Brussels, đại diện các nước sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận sơ bộ về mức giá trần trước thềm cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo EU tại thủ đô Praha (Czech) vào ngày 6/10 tới.

Anh bỏ lệnh cấm khai thác dầu đá phiến để đảm bảo nguồn năng lượng

Hôm 22/9, Anh chính thức dỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu đá phiến được ban hành từ năm 2019 nhằm đảm bảo nguồn năng lượng trong nước. Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp Anh Jacob Rees-Mogg nói rằng nước này cần khai thác tất cả các nguồn tài nguyên để tăng cường sản xuất năng lượng phục vụ nhu cầu trong nước.

Trước đó, đầu tháng 9, Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố sẽ cho phép khai thác dầu đá phiến ở những khu vực ủng hộ việc này. Hiện Anh sở hữu hai giếng dầu đá phiến ở Lancashire, vận hành bởi Cuadrilla Resources. Giám đốc điều hành của Cuadrilla - Francis Egan - hoan nghênh việc dỡ bỏ lệnh cấm trên.

Theo ông Egan, nếu không có các biện pháp mạnh, nước Anh sẽ phải nhập khẩu hơn 2/3 lượng khí đốt vào cuối thập kỷ này. Điều đó sẽ khiến người dân và các doanh nghiệp Anh có nguy cơ tiếp tục thiếu hụt nguồn cung, trong khi giá tăng cao.

Pháp tìm cách đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án năng lượng tái tạo

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 22/9 kêu gọi tiếp tục phát triển chương trình năng lượng tái tạo ở nước này, bao gồm các trang trại gió ngoài khơi và điện mặt trời. Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn Pháp sẽ trở nên độc lập hơn trong lĩnh vực sản xuất điện và kế hoạch mới của Pháp sẽ đưa nước này đến gần hơn với các chính sách năng lượng của các nước láng giềng châu Âu.

Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt các biện pháp để đẩy nhanh các dự án năng lượng tái tạo. Vào tuần tới, một dự luật mới sẽ được trình bày trong cuộc họp nội các. "Chúng ta cần đẩy nhanh quá trình này. Tôi muốn nước Pháp có thể đi nhanh hơn, ít nhất là nhanh gấp đôi trong các dự án năng lượng tái tạo”, ông Macron nói.

Theo AP, kế hoạch mới của Tổng thống Macron được đưa ra như một phản ứng ứng phó lâu dài đối với cuộc khủng hoảng năng lượng nhưng chưa thể giúp ích nhanh trong việc đối phó với các thách thức ngắn hạn. Pháp và các nước châu Âu khác cũng lo ngại sẽ trải qua tình trạng thiếu điện nghiêm trọng vào mùa đông tới do Moscow đã cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên giá rẻ mà lục địa này phụ thuộc trong nhiều năm qua để vận hành nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà.

Anh công bố gói hỗ trợ 250 tỉ USD cắt giảm thuế và hỗ trợ chi phí năng lượng

Ngày 23/9, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đã công bố một loạt chính sách mới trong bối cảnh đồng nội tệ của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm qua so với đồng USD. Tân Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết ông đề ra mục tiêu kinh tế Anh đạt mức tăng trưởng 2,5% trong trung hạn.

Bộ trưởng Kwasi Kwarteng cho biết Chính phủ Anh sẽ công bố kế hoạch để giảm nợ công tính trên GDP sau khi tính toán gói hỗ trợ 200 tỉ bảng (250 tỉ USD) cắt giảm thuế và chi phí khí đốt và điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10. Đây cũng là một phần trong chính sách tài chính được ông công bố trong phát biểu này.

Theo ông Kwarteng, Chính phủ Anh sẽ chi khoảng 60 tỉ bảng (67 tỉ USD) để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp trả các hóa đơn điện và khí đốt trong 6 tháng tới. Ông bày tỏ hy vọng giá nhiên liệu sẽ "hạ nhiệt" khi Anh tiến hành đàm phán hợp đồng năng lượng dài hạn mới với các nhà cung cấp. Ông cho biết dự báo hoàn chỉnh về kinh tế và tài chính Anh sẽ được công bố trước cuối năm.

Bỉ tắt đèn Cung điện Hoàng gia để tiết kiệm điện

Trước bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại Bỉ và châu Âu, người dân cũng như Chính phủ Bỉ đang thực hành tiết kiệm năng lượng ở cấp độ cá nhân cũng như tại các khu vực công và những nơi công cộng.

Theo đó, Cung điện Hoàng gia của Bỉ cũng đã phải tắt ánh sáng tại mặt tiền của tòa nhà kể từ ngày 19/9. Bên trong tòa nhà, đèn ở các hành lang không còn sáng và các nhân viên cung điện đã được yêu cầu tắt các đèn không cần thiết. Ngoài ra, Hoàng gia Bỉ cũng đang tiến hành các cuộc tham vấn để lắp đặt các tấm pin mặt trời và các hoạt động cải tạo khác đối với các tòa nhà tiêu thụ nhiều năng lượng trong những năm tới.

Vào tháng 8/2022, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thông báo hệ thống sưởi trong các tòa nhà công cộng sẽ được giới hạn ở mức 19 độ C; đèn tại các công sở và tượng đài sẽ tắt lúc 19h. Chính phủ Bỉ cũng đang tiến hành tham vấn để quyết định tắt đèn ở các đường cao tốc và thành phố vào các giờ cụ thể. Đối với các cửa hàng, từ ngày 1/10, các bảng hiệu sẽ được tắt sau khi cửa hàng đóng cửa, với hệ thống sưởi được hạ xuống 19 độ C.

Đức xem xét quốc hữu hóa thêm một công ty năng lượng

Chỉ hai ngày sau khi quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt khổng lồ Uniper, chính phủ Đức ngày 22/9 xác nhận đang xem xét việc tiếp quản SEFE, vốn được coi là công ty nhánh của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga với tên gọi “Gazprom Germania”. Người phát ngôn của chính phủ cho biết: “Các cuộc thảo luận về tương lai của SEFE đang diễn ra trong chính phủ liên bang.”

Nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung khí đốt ở Đức, từ tháng Tư vừa qua, chính phủ Đức đã đặt “Gazprom Germania” trong tình trạng quản lý dài hạn với một khoản vay lên tới 10 tỉ euro (10,4 tỉ USD) để ngăn công ty vỡ nợ.

Với tài sản và các công ty con ở Đức, Anh, Thụy Sĩ, Bỉ, Cộng hòa Séc và bên ngoài châu Âu, các hoạt động của SEFE cần được bảo vệ cho thị trường khí đốt châu Âu cũng như cung cấp cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn tăng cường mua khí đốt hóa lỏng từ Mỹ

Theo nhật báo Sabah, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 22/9 cho biết, nước này muốn tăng lượng khí đốt mua từ Mỹ. Các nhà cung cấp khí đốt chính cho Thổ Nhĩ Kỳ hiện là Nga, Azerbaijan và Iran.

"Chúng tôi muốn tăng khối lượng khí đốt mua từ Mỹ với những điều kiện thuận lợi hơn trong giai đoạn tới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ cho các nước trong khu vực", nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Ông Erdoğan nêu rõ các khoản đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ vào cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên, bao gồm các thiết bị đầu cuối LNG, giúp Mỹ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của nước này trong khi Ankara đã trở thành khách hàng LNG lớn thứ sáu trên thế giới của Washington.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status