Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/8/2022

20:11 | 17/08/2022

5,651 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Việt Nam đặt ra 4 mục tiêu lớn trong chuyển dịch năng lượng; Giá điện châu Âu tăng cao nhất lịch sử; Gazprom cảnh báo giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng 60% vào mùa đông… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 17/8/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/8/2022
Một nhà máy lọc dầu ở Nga. Ảnh: Bloomberg

Việt Nam đặt ra 4 mục tiêu lớn trong chuyển dịch năng lượng

Sáng 17/8, tại Hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương chủ trì tại Hà Nội, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết Việt Nam đặt ra 4 mục tiêu mới trong chuyển dịch năng lượng.

Thứ nhất, không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030, phát triển các nguồn điện chạy khí ở mức độ hợp lý để tránh lệ thuộc vào thị trường thế giới và xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí hiện có. Thứ hai, tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo để tận dụng thế mạnh của Việt Nam.

Thứ ba, tìm hiểu, tiếp cận sớm các công nghệ sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp như Hydro xanh, amoniac xanh. Thứ tư, cải thiện hạ tầng truyền tải và phân phối, nâng cấp khả năng kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia về vận hành an toàn, đủ khả năng hấp thụ tỷ trọng ngày càng lớn của năng lượng tái tạo.

Hoàn thành toàn bộ đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku

Vào 6h6 ngày 17/8, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là đơn vị chủ đầu tư dự án cùng Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) đã phối hợp với các đơn vị đóng điện mang tải đường dây 500 kV Vũng Áng - Quảng Trạch. Sau khi đóng điện mang tải, toàn bộ dự án đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 được hoàn thành.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 được khởi công tháng 12/2018, quy mô xây dựng đường dây 500 kV mạch kép từ Vũng Áng tới Pleiku 2 dài gần 742km; trong đó đoạn tuyến từ trạm biến áp 500 kV Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Sân phân phối 500 kV Quảng Trạch (Quảng Bình) dài hơn 32km. Đây là đoạn tuyến ngắn nhưng gặp rất nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng cường năng lực truyền tải lưới điện 500 kV của hệ thống điện quốc gia; giải tỏa công suất nguồn nhiệt điện và năng lượng tái tạo trong khu vực; góp phần đảm bảo cung ứng điện cho tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, TP Đà Nẵng và phụ cận.

Giá điện châu Âu tăng cao nhất lịch sử

Giá khí đốt và giá điện tại châu Âu ngày 16/8 tăng lên mức cao nhất lịch sử. Trên Sàn giao dịch năng lượng châu Âu AG, giá điện theo hợp đồng mua bán năm tới ở Đức tăng thêm 3,7%, lên 477,50 euro/megawatt giờ. Con số này cao gấp gần 6 lần so với thời điểm này năm 2021 và tăng gấp đôi chỉ trong 2 tháng qua. Không chỉ Đức, giá điện theo hợp đồng mua bán ở Anh và Pháp cũng lập kỷ lục mới.

Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt liên tục bị bóp nghẽn, điều này buộc châu Âu phải tiến hành nhiều biện pháp tiết kiệm điện nhằm cố gắng kiềm chế cuộc khủng hoảng năng lượng đang đe dọa đẩy khu vực này vào suy thoái. Các nước châu Âu đang nỗ lực cắt giảm việc sử dụng năng lượng.

Hành động của các nước châu Âu được cho là phù hợp với chiến lược mà 27 chính phủ của Liên minh châu Âu (EU) nhất trí vào tháng trước. Trong bối cảnh lo ngại rằng Nga có thể ngừng cung cấp năng lượng, EU đã thống nhất một kế hoạch không mang tính ràng buộc nhằm cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt ở mức ít nhất 15% trong giai đoạn từ giữa tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.

Gazprom cảnh báo giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng 60% vào mùa đông

Hôm 16/7, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cảnh báo giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng 60% trong mùa đông. “Giá khí đốt giao ngay tại châu Âu đã tăng tới 2.500 USD/1.000 m3. Nếu xu hướng như vậy kéo dài, giá sẽ vượt quá 4.000 USD/1.000 m3 vào mùa đông năm nay”, Gazprom cho hay.

Dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu giảm sau khi Ukraine đóng 1 đường ống chạy qua lãnh thổ. Gazprom cũng giảm nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức xuống mức 20%, sau nhiều tranh cãi liên quan tới thiết bị nén khí, khiến giá khí đốt tăng mạnh. Tuy nhiên, công ty Nga vẫn khẳng định rằng sẽ cung cấp khí đốt “phù hợp với các yêu cầu đã được cam kết”.

Giá khí đốt của châu Âu đã tăng gấp 4 lần kể từ đầu năm do dòng chảy giảm dần. Giá khí đốt bán buôn của Hà Lan đã chạm mức cao kỷ lục gần 335 euro/megawatt giờ (MWh) trong mùa xuân. Kể từ đó, giá khí đốt loại này đã giảm xuống khoảng 226 euro/MWh tính đến ngày 16/8, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với một năm trước khi ở mức khoảng 46 euro/MWh.

Các hãng dầu Nga gấp rút tìm khách hàng mới

Theo Bloomberg, sản lượng dầu thô ở Nga đã phục hồi mạnh mẽ trong 3 tháng vừa qua bất chấp lệnh trừng phạt nhờ vào hoạt động lọc dầu trong nước tăng và xuất khẩu chuyển hướng sang châu Á. Sản lượng dầu thô tháng 7 tại Nga đã đạt mức cao nhất trong năm kể từ khi bắt đầu chiến dịch, đạt khoảng 10,8 triệu thùng/ngày.

Để giữ cho sản lượng không bị sụt giảm, Moscow sẽ phải nỗ lực gấp đôi trong việc tìm kiếm khách hàng mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các lệnh cấm vận từ phía EU và đà suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực lên các công ty dầu mỏ của Nga.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng sản lượng mỗi ngày sẽ giảm gần 2 triệu thùng, bất chấp đà hồi phục về sản lượng gần đây. Cụ thể hơn, khi lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu thô của EU được áp dụng và tháng 12, khoảng 1 triệu thùng sản phẩm từ dầu và 1,3 triệu thùng dầu thô Nga mỗi ngày sẽ phải tìm điểm đến mới.

Tứ Xuyên (Trung Quốc) đóng cửa tất cả nhà máy, hạn chế cung cấp điện

Tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc hôm nay đã bắt đầu hạn chế cung cấp điện cho gia đình, văn phòng và trung tâm thương mại, do tình trạng suy giảm điện nghiêm trọng do các đợt nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán. Trước đó, tỉnh này đã ra lệnh đóng cửa tất cả nhà máy trong 6 ngày để giảm bớt tình trạng thiếu điện.

Cụ thể, Tứ Xuyên đã yêu cầu 19 trong số 21 thành phố và thị trấn trong khu vực tạm ngừng sản xuất tại tất cả nhà máy từ ngày 15/8 đến 20/8, theo một "thông báo khẩn cấp". Quyết định được đưa ra để đảm bảo rằng có đủ điện năng cho nhu cầu sử dụng của khu dân cư, thông báo cho biết.

Tứ Xuyên, nơi phụ thuộc vào thủy điện để tạo ra 80% điện năng, là khu vực sản xuất quan trọng cho ngành công nghiệp bán dẫn và tấm pin lượng mặt trời, đồng thời là trung tâm khai thác lithium - một thành phần chính của pin xe điện. Do vậy, việc đóng cửa các nhà máy có thể đẩy giá nguyên liệu thô lên, các nhà phân tích cho biết.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/8/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/8/2022

T.H

DMCA.com Protection Status