Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/8/2022

20:33 | 16/08/2022

4,586 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương xin ý kiến 6 vấn đề về Quy hoạch điện VIII; Dầu Nga xuất khẩu xuống thấp nhất 5 tháng; Kazakhstan bán dầu cho châu Âu qua đường ống của Azerbaijan… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 16/8/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/8/2022
Kazakhstan dự kiến bán dầu thô của mình thông đường ống dẫn dầu lớn nhất Azerbaijan từ tháng 9 tới. Ảnh minh họa: SVTV

Bộ Công Thương xin ý kiến 6 vấn đề về Quy hoạch điện VIII

Bộ Công Thương vừa trình lại Đề án Quy hoạch điện VIII, kiến nghị Thường trực Chính phủ thông qua 6 vấn đề gồm: Rà soát các dự án điện than, điện khí; các dự án điện mặt trời; các chỉ tiêu liên quan đến điện tại Nghị quyết 55-NQ/TW; cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII; về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Liên quan đến cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công Thương đề xuất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành.

Về cơ cấu nguồn đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện (đã tính thêm hơn 2.000 MW điện mặt trời) khoảng 120.995-148.358 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát). Trong đó, thủy điện đạt 26.795-28.946 MW chiếm tỷ lệ 19,5-22,1%; Nhiệt điện than 37.467 MW chiếm tỷ lệ 25,3-31%; Nhiệt điện khí (tính cả nguồn điện sử dụng LNG) 29.880-38.980 MW chiếm tỷ lệ 24,7-26,3%; Năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) 21.666-35.516 MW chiếm tỷ lệ 17,9-23,9%; Nhập khẩu điện 3.937-5.000 MW chiếm tỷ lệ 3,3-3,4%...

Dầu Nga xuất khẩu xuống thấp nhất 5 tháng

Trong tuần thứ 2 của tháng 8, dầu Nga xuất khẩu giảm mạnh, xuống thấp nhất kể từ tháng 3. Theo số liệu theo dõi tàu biển mà Bloomberg có được, Nga đã xuất đi 3,24 triệu thùng một ngày, giảm so với 3,32 triệu thùng tuần trước đó.

Chia theo điểm đến, số dầu trung bình Nga xuất sang châu Á là 1,72 triệu thùng/ngày. Con số này thấp hơn nhiều so với mức hơn 2,1 triệu thùng hồi tháng 4 và 5. Dầu xuất sang châu Âu, gồm Bắc Âu, khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen cũng giảm, còn 1,32 triệu thùng/ngày. Trước chiến sự Nga - Ukraine, con số này là 1,85 triệu thùng.

Dù số liệu 1 tuần chưa đủ để kết luận xu hướng, việc dòng chảy dầu sang châu Á - chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ - thấp hơn sẽ khiến Điện Kremlin lo ngại. Số dầu Nga bán sang khu vực này đã giảm dần sau khi chững lại ở mức 2 triệu thùng/ngày giai đoạn cuối tháng 4 - cuối tháng 6.

Đức tuyên bố sẽ không tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt của Nga

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habek ngày 15/8 khẳng định mô hình của Đức, vốn dựa vào khí đốt giá rẻ của Nga, đã kết thúc và sẽ không trở lại. “Chúng ta phải xây dựng mô hình mới với tốc độ cực nhanh”, ông nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Đức cũng lưu ý việc tái cơ cấu này đôi khi khiến người ta phải dùng đến "liều thuốc đắng", bao gồm cả hỗ trợ các công ty bằng chi phí ngân sách nhà nước, cũng như việc đánh thuế khí đốt. Mức phí này sẽ được áp dụng từ ngày 1/10 trong 2 năm. Chi phí bổ sung cho 1 gia đình 4 người có thể ở mức trung bình 400-600 euro/năm.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) hiện đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Trong khi đó phía Nga đã nhiều lần tuyên chưa bao giờ sử dụng nguồn cung khí đốt để trừng phạt bất kỳ ai, mà chỉ bán nhiên liệu vì lợi ích của mình nhằm tăng phúc lợi cho người dân và dựa trên cơ sở thương mại.

Kazakhstan bán dầu cho châu Âu qua đường ống dẫn dầu của Azerbaijan

Theo hãng tin Euractiv.com ngày 15/8, Kazakhstan dự kiến bán dầu thô của mình thông qua đường ống dẫn dầu lớn nhất của Azerbaijan từ tháng 9 tới, khi quốc gia này tìm kiếm các giải pháp thay thế cho tuyến đường mà Nga cảnh báo đóng cửa.

Hiện công ty dầu khí nhà nước Kazmunaigaz (KMG) của Kazakhstan đang thảo luận với chi nhánh thương mại của công ty nhà nước SOCAR của Azerbaijan để cho phép bán 1,5 triệu tấn dầu thô Kazakhstan mỗi năm thông qua đường ống dẫn dầu của Azerbaijan để vận chuyển dầu đến cảng Ceyhan ở Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, 3,5 triệu tấn dầu thô khác mỗi năm của Kazakhstan có thể được xuất khẩu vào năm 2023 thông qua đường ống của Azerbaijan đến cảng Supsa ở Biển Đen của Gruzia. Tổng khối lượng dầu vận chuyển qua các đường ống mới trên chỉ tương đương hơn 100.000 bpd, hoặc bằng 8% qua đường ống CPC.

Tứ Xuyên (Trung Quốc) có nguy cơ thiếu điện

Nắng nóng đang khiến một số nhà máy thủy điện ở Tứ Xuyên phải hạn chế sản xuất. Điều này cũng có thể dẫn đến việc thiếu điện và nguồn cung cấp các loại vật liệu như polysilicon và lithium - những vật liệu quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, bị cắt giảm.

Tứ Xuyên và các khu vực lân cận đã phải vật lộn với nắng nóng và hạn hán kể từ tháng 7, khi mực nước sông Dương Tử - tuyến đường thủy lớn nhất Trung Quốc - giảm xuống mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm. Dòng chảy vào các hồ chứa thủy điện đã giảm 50% kể từ đầu tháng so với mức trung bình trong lịch sử.

Tuy nhiên, Trung Quốc khó có khả năng bị mất điện trên toàn quốc do hạn hán, theo Hanyang Wei, nhà phân tích của Bloomberg. Điều này là do để sản xuất điện, hầu hết các tỉnh phụ thuộc vào than nhiều hơn, và các nhà máy đã dự trữ nhiên liệu hóa thạch trước mùa hè theo chỉ thị của chính phủ.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/8/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/8/2022

T.H

DMCA.com Protection Status