Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/9/2022

20:48 | 15/09/2022

2,245 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Việt Nam có thể đạt Net zero vào năm 2050; EU nhất trí mục tiêu sản xuất năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng; Venezuela sẵn sàng cung cấp cho thị trường dầu mỏ toàn cầu… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 15/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/9/2022
Năng lượng tái tạo là chìa khóa để cắt giảm lượng khí thải ròng. Ảnh: IEA

Việt Nam có thể đạt Net zero vào năm 2050

Trong một nghiên cứu mới nhất, Tập đoàn Wärtsilä (Phần Lan) đã mô phỏng 4 kịch bản cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam đến năm 2050. Các kịch bản gồm: Không giới hạn mức phát thải từ ngành điện; giảm phát thải 50% và 80% và cuối cùng là Net zero với hệ thống điện không phát thải vào năm 2050.

Tất cả các kịch bản đều cho thấy, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, xây dựng được hệ thống điện Net zero và đạt được mục tiêu độc lập năng lượng, thì năng lượng tái tạo cần là nguồn chính và cùng với đó là xây dựng nhà máy điện linh hoạt (ICE) và hệ thống pin tích trữ năng lượng.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, xây dựng một hệ thống điện trung hòa carbon sẽ giúp Việt Nam đạt Net zero và giảm 20% chi phí sản xuất điện và tránh được gần 28 tỉ USD thuế carbon dự báo mỗi năm vào năm 2050.

EU nhất trí mục tiêu sản xuất năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 14/9 đã bỏ phiếu thông qua các mục tiêu cao hơn của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo và tiết kiệm các loại năng lượng. Các mục tiêu này sẽ làm dịu sức ép nguồn cung đối với các nước khi khu vực đang tìm cách nhanh chóng chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.

Cụ thể, EP ủng hộ mục tiêu tăng năng lượng tổng hợp từ các nguồn tái tạo từ mức 22% trong năm 2020 lên 45% vào năm 2030. Các nghị sĩ nhất trí quy định đến năm 2030, giảm tỷ lệ năng lượng tổng hợp từ đốt gỗ và than củi. Ngoài ra, các nghị sĩ cũng ủng hộ nâng mục tiêu tiết kiệm năng lượng của khối lên 14,5% vào năm 2030 so với mức dự kiến tiêu thụ và đưa ra quy định về nghĩa vụ đóng góp ràng buộc cho từng nước thành viên.

Đây là 2 đề xuất trọng tâm trong một gói chính sách của EU hiện đang được thương lượng giữa các nước nhằm xây dựng mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải ròng vào năm 2030 so với mức của năm 1990.

IEA nhận định về thị trường năng lượng toàn cầu 2 năm tới

Trong báo cáo mới nhất về thị trường dầu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục suy giảm, nhu cầu dầu chịu áp lực bởi các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc và việc kinh tế trong nhóm các nước phát triển của thế giới (OECD) tiếp tục đi xuống.

Tuy nhiên, việc nhu cầu suy giảm lại được bù lại bởi việc nhiều nước trong mùa đông sắp tới sẽ phải chuyển sang sử dụng dầu thay cho khí đốt phục vụ cho việc sưởi ấm cho người dân.

Tính toán của IEA cho hay so với năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu ước tính sẽ tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và khoảng 2,1 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2023, cao hơn một chút so với lần công bố báo cáo triển vọng gần nhất.

Venezuela sẵn sàng cung cấp cho thị trường dầu mỏ toàn cầu

Tại một sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm Caracas của Tổng thư ký OPEC, Haitham al-Ghais, Tổng thống Nicolás Maduro cho biết, Venezuela "đã sẵn sàng" cung cấp dầu và khí đốt cho thị trường thế giới. Ông cũng là người đã lên án cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra bởi các lệnh trừng phạt "phi lý" đối với Nga.

Ông Nicolás Maduro tuyên bố chính phủ Venezuela đã "phục hồi" ngành công nghiệp dầu mỏ, nơi mà sản lượng đã đạt mức thấp lịch sử sau nhiều năm ngừng đầu tư và thiếu bảo trì. Ngày nay, Venezuela khai thác khoảng 700.000 thùng mỗi ngày, so với 2,3 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2002.

“Venezuela có hơn 50 dự án khí đốt hạng nhất, với các nghiên cứu địa chấn được thực hiện và với tất cả các đảm bảo pháp lý cho các nhà đầu tư quốc tế đến và sản xuất khí đốt ở Venezuela để đưa nó ra thị trường quốc tế ”, Tổng thống Manduro khẳng định.

Điện Kremlin khẳng định thị trường khí đốt của Nga không chỉ có EU

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, dù lượng khí đốt từ Nga chảy sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm sút thời gian qua song điều này không phải vấn đề lớn đối với Moskva bởi Nga sẽ chuyển nguồn cung sang các thị trường khác trên thế giới.

“Có những khu vực đang phát triển nhanh hơn nhiều và có nhiều chương trình phát triển tham vọng hơn. Nhu cầu về khí đốt tại những nơi này có thể bù đắp cho sản lượng khí đốt sụt giảm tại thị trường châu Âu", ông Dmitry Peskov cho hay.

Trước đó, Reuters đưa tin các kho khí đốt của EU hiện đã đầy 84%, mức vượt quá mục tiêu trước mùa đông của khối. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo vẫn cần cắt giảm mức sử dụng khí đốt trong mùa đông tới để tránh các cơ sở hoạt động cạn kiệt. Các nước thành viên EU đã đồng ý hạn chế tiêu thụ khí đốt trong mùa đông năm nay. Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát tiêu thụ cũng sẽ diễn ra tương tự với việc sử dụng điện.

Lượng LNG Nhật Bản mua từ Nga tăng 211,2%

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, trong tháng 8, nước này đã tăng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Nga lên 211,2% so với tháng 8/2021, trong khi khối lượng dầu thô nhập khẩu cùng kỳ tính theo năm giảm 20,3%.

Tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu từ Nhật Bản sang Nga trong tháng 8 giảm 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 384 triệu USD. Ngược lại, lượng hàng hóa Nhật Bản nhập khẩu của Nga trong kỳ được báo cáo tăng 67,4%, với giá trị lên tới 1,15 tỷ USD.

Vào cuối tháng 6, các nước G7, trong đó có Nhật Bản, thông báo kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga và vào tháng 9 đã xác nhận ý định áp giá trần đối với vàng đen của Nga. Theo kế hoạch, quy định giới hạn về giá sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 năm nay đối với dầu mỏ và ngày 5/2/2023 đối với các chế phẩm từ dầu.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status