Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/10/2022

20:17 | 01/10/2022

8,969 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - EU thông qua áp thuế khẩn cấp với các công ty năng lượng; OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng tại cuộc họp sắp tới; Khí đốt bắt đầu chảy vào Ba Lan qua đường ống mới của riêng châu Âu… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 1/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/10/2022
Đường ống Baltic là rất quan trọng đối với nỗ lực của Ba Lan để giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ảnh: DW

EU thông qua áp thuế khẩn cấp với các công ty năng lượng

Các bộ trưởng từ 27 quốc gia thành viên EU đã gặp nhau tại Brussels vào ngày 30/9 và thông qua các biện pháp được đề xuất vào đầu tháng này để ngăn chặn đà tăng giá năng lượng đang gây ra lạm phát cao kỷ lục và đe dọa suy thoái.

Biện pháp này bao gồm một khoản thuế đánh vào lợi nhuận thặng dư của các công ty nhiên liệu hóa thạch được thực hiện trong năm nay hoặc năm tới, một khoản thuế khác đối với doanh thu vượt mức mà các nhà sản xuất điện giá rẻ kiếm được do chi phí điện tăng cao, và bắt buộc phải cắt giảm 5% việc sử dụng điện trong thời kỳ giá cao điểm.

Khi thỏa thuận được thực hiện, các quốc gia đã bắt đầu đàm phán về động thái tiếp theo của EU nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng giá năng lượng, mà nhiều quốc gia muốn áp trần lên giá khí đốt mặc dù các quốc gia khác - đặc biệt là Đức - vẫn phản đối.

OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng tại cuộc họp sắp tới

Truyền thông Trung Đông dẫn các nguồn tin cho biết Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất đồng minh, còn gọi là OPEC+, có thể sẽ đề xuất mức cắt giảm sản lượng từ 500.000 - 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 5/10 tới.

Một nguồn tin từ OPEC cho hay quyết định cắt giảm sản lượng là điều "có thể xảy ra", trong khi hai nguồn tin khác từ OPEC+ nói rằng các thành viên chủ chốt của liên minh này đã bàn về vấn đề hạn chế sản lượng trong tháng 10/2022.

Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với Nga hồi đầu tuần này tiết lộ với báo chí rằng Moskva có khả năng sẽ đề nghị OPEC+ cắt giảm sản lượng tới một triệu thùng/ngày tại cuộc họp tháng 10/2022. Nhà sản xuất Saudi Arabia cũng đã nói rằng OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng trong tháng 10/2022.

Khí đốt bắt đầu chảy vào Ba Lan qua đường ống mới của riêng châu Âu

Theo nhà điều hành đường ống khí đốt Ba Lan Gaz-System, khí đốt đã bắt đầu chảy vào nước này thông qua đường ống Baltic mới (Baltic Pipe) từ Na Uy qua Đan Mạch và Biển Baltic. Một phát ngôn viên của Gaz-System nói với hãng tin Reuters rằng dòng chảy bắt đầu lúc 6:10 sáng (theo giờ địa phương, tức 11h10 theo giờ Việt Nam) ngày 1/10.

Đường ống này là trung tâm của chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt của Ba Lan khỏi Nga, được khởi công xây dựng từ nhiều năm trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Được khởi công vào năm 2018, Baltic Pipe - đường ống của Ba Lan và được sự hỗ trợ của EU- sẽ mang khí đốt từ những nguồn năng lượng dồi dào của Na Uy đến Trung Âu, qua bờ biển Ba Lan. Sau đó, khí đốt có thể chảy qua các đường ống trên đất liền đến các nước EU khác trong khu vực.

Italy điều tàu ngầm bảo vệ đường ống dẫn khí đốt

Theo kế hoạch do Bộ trưởng Quốc phòng Italy Lorenzo Guerini cùng các quan chức khác lập ra và công bố ngày 30/9, quân đội Italy tuyên sẽ tăng cường bảo vệ các đường ống dẫn khí đốt xuyên Địa Trung Hải, sau khi hệ thống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) nghi bị phá hoại.

Theo đó, hải quân nước này sẽ triển khai các tàu ngầm điều khiển từ xa để giám sát các khu vực quan trọng tại Địa Trung Hải, đặc biệt là xung quanh cơ sở hạ tầng dùng để vận chuyển khí đốt từ Bắc Phi.

Động thái này diễn ra khi Rome đang tìm cách đảm bảo nguồn cung năng lượng cho mùa đông tới. Quốc gia châu Âu này tuyên bố đảm bảo đủ nguồn cung cấp khí đốt từ Bắc Phi để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào trong việc giao hàng từ Nga.

Tổng thống Nga cáo buộc Mỹ, Anh dàn dựng các vụ nổ tại Dòng chảy phương Bắc

Tổng thống Nga Putin ngày 30/9 cáo buộc Mỹ và Anh đã "dàn dựng" các vụ nổ khiến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 bị rò rỉ trong tuần này và cho rằng hai nước trên “rõ ràng được hưởng lợi” từ hành vi đó. Ông Putin cho rằng Mỹ đang cố gắng gây áp lực buộc EU cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga để “hoàn toàn có cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu”.

“Khi các biện pháp trừng phạt Nga không đủ đối với người Anglo-Saxon (liên minh xuyên Đại Tây Dương Anh và Mỹ). Họ đã chuyển sang phá hoại - điều thật khó tin nhưng lại là sự thật - bằng cách tiến hành các vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc. Trên thực tế, họ đã bắt đầu phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng chung của châu Âu. Rõ ràng họ được hưởng lợi từ điều này”, nhà lãnh đạo Nga nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bác bỏ cáo buộc nói trên của Tổng thống Nga, cho rằng tuyên bố của ông Putin là một phần của “chiến dịch thông tin sai lệch” mà Moscow đang thực hiện.

Trung Quốc cam kết hợp tác đảm bảo an toàn cho Dòng chảy phương Bắc

Tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng ngày 30/9 nêu rõ Bắc Kinh quan ngại sâu sắc trước nhiều vụ rỏ rỉ gần đây và các vụ nổ lớn dưới nước trên tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để đảm bảo an toàn cho công trình xuyên biên giới này.

Ông Cảnh Sảng lưu ý: "Tình trạng rò rỉ vẫn tiếp diễn và ảnh hưởng đến các tuyến đường vận chuyển và môi trường sinh thái ở các vùng biển liên quan. Vào thời điểm mà châu Âu và thế giới đang phải đối mặt với vô số thách thức khó khăn, đây quả thực là một thảm họa lớn mà chúng tôi không mong muốn chứng kiến".

Nhà ngoại giao Trung Quốc nói thêm: "Chúng tôi lưu ý rằng một số quốc gia chỉ rõ sự cố rò rỉ lần này không phải là một tai nạn, mà rất có thể là hậu quả của hành vi cố ý phá hoại. Nếu đúng, đây sẽ là một cuộc tấn công vào các cơ sở dân sự xuyên quốc gia và đường ống ngầm, vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển và các luật quốc tế khác".

Ước tính sơ bộ về ảnh hưởng môi trường từ vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc

Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) ngày 30/9 cảnh báo, những vết nứt trên hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc chạy dưới biển Baltic, đoạn qua Thụy Điển và Đan Mạch, có thể dẫn tới vụ rò khí methane gây hại môi trường lớn nhất được ghi nhận từ trước đến nay.

Các nhà nghiên cứu từ tổ chức GHGSat sử dụng vệ tinh giám sát khí thải methane, ước tính khí methane rò rỉ từ 1 trong 4 vết nứt trên hệ thống Dòng chảy phương Bắc là 22.290 kg/giờ, tương đương lượng khí thải ra khi đốt khoảng 2,85 tấn than đá mỗi giờ. GHGSat nhấn mạnh tỷ lệ này rất cao, đặc biệt là xảy ra chỉ sau 4 ngày phát hiện vết nứt đầu.

Hiện cả Liên minh châu Âu (EU) và Nga đều cho rằng các vết nứt trên là do hành vi phá hoại có chủ đích. EU đang tích cực điều tra vụ việc, trong khi Nga mở cuộc điều tra "khủng bố quốc tế" đồng thời kêu gọi tiến hành cuộc điều tra quốc tế đối với vụ việc.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status